Nét đẹp tục hát đối trong lễ cưới của người Giáy
09:44 08/08/2013 Lượt xem: 990 In bài viếtLễ cưới là một trong những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hoá, lịch sử. Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam có những phong tục cưới hỏi mang tính đặc trưng riêng, nhưng đều cùng mục đích giúp cho những đôi trai gái khi đã thành vợ, thành chồng thì luôn yêu thương, gắn bó son sắt, thủy chung bên nhau đến trọn đời.
Dân tộc Giáy ở miền núi phía Bắc có một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống trong Lễ cưới, đó là các cuộc hát đối đáp giữa nam và nữ, giữa nhà gái và nhà trai. Từ cuộc hát đối đáp giúp cho đôi lứa hiểu được ý nghĩa của hôn nhân để yêu thương người bạn trăm năm của mình hơn. Đây là nét văn hóa tốt đẹp mà chúng ta cần phải gìn giữ.
Dân tộc Giáy có khoảng 58.600 người, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng. Người Giáy còn có tên gọi khác là Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Cùi Chu, Xạ. Người Giáy làm ruộng nước là chính, làm rẫy là nguồn thu nhập thêm và thường chỉ là chỗ chăn nuôi trâu, ngựa, lợn, gà, vịt và có truyền thống dùng trâu, ngựa để cưỡi, thồ. Đời sống của họ như bao dân tộc khác và luôn coi trọng hôn nhân. Hôn nhân là việc hệ trọng trong cuộc đời mỗi con người, là sự nối dõi dòng tộc. Vì vậy, trong hôn nhân, người Giáy ít quan tâm đến giàu hay nghèo, chủ yếu chú ý đến phẩm chất đạo đức và nền nếp gia phong hai bên, người Giáy cấm kỵ kết hôn cùng huyết thống. Theo phong tục của người Giáy, trong các gia đình vị thế nổi bật là người chồng, người cha. Con cái lấy họ theo cha. Nhà trai chủ động việc cưới xin. Sau lễ cưới, cô dâu về ở cùng gia đình nhà chồng, tuy vậy việc ở rể cũng phổ biến. Trước kia người Giáy có tục "kéo vợ", đó là trường hợp cô gái và gia đình cô ta đồng ý nhưng nhà trai không đủ tiền để cưới hỏi đàng hoàng, chàng trai phải tổ chức "kéo vợ".
Hiện nay, cuộc sống của người Giáy đã tiến bộ hơn trước rất nhiều. Hầu hết các đôi trai gái khi đến tuổi trưởng thành và kết hôn đều tổ chức đám cưới. Đám cưới là một trong những ngày hội vui nhất của người Giáy, họ quan niệm đám cưới càng lớn, càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trai gái càng được bền lâu và thiêng liêng hơn. Trong đám cưới của người Giáy luôn có các cuộc hát đối đáp giữa trai gái bản làng này với trai gái bản làng khác đến dự đám cưới. Trước khi cử hành nghi lễ rước dâu luôn có cuộc hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái, mục đích là để cho họ hiểu và yêu thương nhau khi đã thành vợ chồng. Trong bối cảnh hiện nay khi âm nhạc thị trường đang lấn sâu vào trong các làng bản của người Giáy, đặc biệt là lớp trẻ đang hấp thụ những văn hóa lai thì các giá trị văn hóa của tục hát cưới trong hôn nhân của người Giáy đang có chiều hướng bị mai một. Chính vì vậy, chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống trong cưới hỏi. Mùa cưới của người Giáy cũng giống như người Kinh thường tổ chức vào đầu mùa Đông năm cũ sang cuối mùa Xuân của năm sau. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu bạn đời. Khi duyên tình đã thắm nồng, chàng trai về báo cáo với gia đình để chuẩn bị tiến hành các nghi lễ. Trước khi diễn ra lễ cưới chính thức, phải trải qua một số nghi lễ: Thả mối mai (dạm hỏi) và Mai mối lai (mặc cả). Hai nghi lễ này chủ yếu bàn luận việc hôn nhân của đôi trẻ, thống nhất ngày "đoạn lời". Ý nghĩa của nghi lễ này là nhà trai trao đồ vật cho nhà gái thách và từ đây đôi trai gái đã được công nhận là con của hai gia đình và cũng coi là thành vợ chồng. Sau ba năm, nếu nhà trai chưa đón được dâu thì hai bên được "tự do" tìm hiểu người khác, nhưng nếu chưa đủ ba năm bên nào "phá rào" trước thì bên đó bị phạt. Việc quan trọng nhất trong đám cưới là tìm ngày đón dâu. Khi đã tìm được ngày chính thức, nhà trai nhờ ông mối, bà mối (trước đã đi hỏi) đến nhà gái thông báo ngày giờ đón dâu. Đoàn nhà trai đi đón dâu khi đến cổng nhà gái bị chặn ngang bởi những sợi chỉ hồng và mấy cành gai cản lối chưa cho vào, bên trong sợi chỉ hồng kê chiếc bàn với đôi chén, 2 chai rượu, 2 chậu nước lã với 2 chiếc chổi rơm (làm phép). Sau khi vượt được chặng đầu tiên, đoàn nhà trai lại trải qua lễ giữ. Muốn qua, đoàn nhà trai lại phải hát đối đáp với nội dung xin nhà gái bỏ vật chướng cản đường, cứ hát đối đáp cho đến khi nhà gái hạ hết các thứ trên bàn xuống mới được vào nhà. Sau khi đoàn đón dâu vào nhà, nhà gái đem phẩm đỏ đến đánh dấu từng người nhà trai (bôi phẩm đỏ vào má). Trong mâm cỗ, mọi người chúc mừng cô dâu, chú rể bằng những chén rượu say nồng cùng những làn điệu đối đáp thắm đượm nghĩa tình. Cuối bữa tiệc, nhà gái sắp một mâm dài mời ông bà, bố mẹ, họ hàng của người con gái đến ngồi bên ông mối nhà trai làm lễ xin dâu, hai họ lại dùng những câu hát để nhắc nhở dặn dò: Nhà trai hát: “Phải phải đấy, đúng đúng đấy bên ngoại, giờ tốt bên nội sắp tới rồi, nào ta hãy sẵn sàng, nào ta hãy đứng dậy…”. Nhà gái hát: “Phải phải rồi, đúng đúng rồi hai người mai mối, giờ tốt bên nội tới, cha mẹ xin một lời dặn con… Từ nay trở về sau, đi bùn đừng tránh lội, chớ dối lời bạn thương, đừng cười người chồng mình, ban đêm nên thức khuya, buổi sáng cần dậy sớm...”. Người Giáy quan niệm làm dâu là một việc khó. Chính vì thế, các lời hát trong nghi thức trao dâu thực chất là những lời tâm sự, dạy bảo chân thành của mọi người đối với cô dâu. Những lời dạy bảo này sẽ giúp cô dâu ứng xử tốt hơn với họ hàng nhà chồng, nhất là bố mẹ và anh em của chú rể.
Đám cưới của người Giáy (Ảnh: Quang Hưng)
Thủ tục xin dâu xong, cô dâu bước từ buồng ra cùng chú rể đến trước bàn thờ cúi lạy. Sau đó người chị gái cõng cô dâu ra khỏi cửa trao cho nhà trai, nhà trai cử một phụ nữ khỏe mạnh đón và cõng cô dâu đi. Nếu gần thì cõng đến tận nhà, ở xa phải đi ngựa. Về đến nhà trai, sau thủ tục chờ giờ bước qua cửa chính, cô dâu và chú rể đến trước bàn thờ gia tiên cúi lạy, sau đó hai vợ chồng vào buồng bỏ khăn che mặt, tháo băng đỏ… Bữa tiệc nhà trai diễn ra tương tự như nhà gái, họ cũng dùng câu hát để cảm ơn và nhắc nhở dặn dò con dâu, con rể sống bên nhau trọn đời hạnh phúc.
Hát trong đám cưới người Giáy là một phong tục đẹp, mang giá trị nhân văn sâu sắc và vẫn được duy trì đến ngày nay. Tuy nhiên đang có chiều hướng thay đổi để phù hợp với hiện tại, những lời hát cũng được bổ sung ngày càng phong phú, thiết thực hơn đối với những cô dâu trẻ khi bước chân về nhà chồng. Đây cũng là nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Giáy cần phải duy trì, gìn giữ và phát triển giúp cho đôi trai gái hiểu được những giá trị của hôn nhân.
Đinh Nhung
[TT: PLN]