Không gian văn hóa cồng chiêng Mường Hòa Bình

09:25 08/08/2013 Lượt xem: 3396 In bài viết

Cồng chiêng được người Mường sử dụng khá linh hoạt, tuỳ theo từng công việc, từng nghi lễ có thể sử dụng đơn chiếc, thành dàn nhỏ từ 2 - 3 chiếc, song chủ yếu được họ sử dụng theo dàn. Một dàn chiêng đầy đủ có 12 chiếc chiêng to nhỏ khác nhau, do 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Tên gọi của chiêng cũng được gọi theo thứ tự từ 1 đến 12. Chiêng 1 nhỏ nhất, có âm cao nhất. Tiếp đến là chiêng 2, 3, 4… đến chiêng 12. Chiêng 12 lớn nhất có âm trầm nhất. Người Mường cho rằng đó là sự biểu thị của 12 tháng trong năm. Có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; mỗi mùa lại có 3 tháng: mạnh, trọng, quý. Vì thế dàn cồng chiêng được chia làm 3 loại: 4 chiêng trầm, 4 chiêng bổng và 4 chiêng né. Việc phân chia ra những loại chiêng, với những âm vực khác nhau như vậy sẽ giúp cho việc sắp xếp một dàn cồng chiêng có sự biến hoá trong bản nhạc. Những âm vực khác nhau tạo thành một bản nhạc cồng chiêng khi réo rắt vui tươi, khi trầm ấm. Khi biểu diễn cồng chiêng đội hình chơi chiêng thường được sắp xếp theo hàng dọc, hình tròn hoặc xếp theo hàng ngang. Có thể đánh chiêng tại chỗ hoặc vừa đi vừa đánh. Trước khi đánh chiêng thường làm lễ phải gọi chiêng dậy: Dậy dậy chiêng hỡi/ Dậy dậy chiêng à/ Chiêng ngần chiêng ngà/ Dậy từ hàng cột cái/ Dậy từ hàng cột con/ Dậy trên tay em gái đất Mường/ Dậy theo ta đi vui phường trẩy hội.

Đến với đất Mường Hoà Bình chúng ta có thể dễ dàng được thưởng thức những âm hưởng của dàn cồng chiêng rất đỗi thân quen nhưng cũng thật lôi cuốn lòng người. Nghệ thuật hoà tấu cồng chiêng và lối hát chúc, hát thường rang kết hợp với nhau của phường bùa là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo và hấp dẫn. Phường Thái Bình, thành phố Hoà Bình là một trong những vùng đất còn lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống đẹp của văn hoá Mường trong đó có sinh hoạt cồng chiêng. Chị Bùi Thị Hanh ở phường Thái Bình trong trang phục áo, váy truyền thống tham gia phường bùa mừng đám cưới cho biết: Mình đã nhiều lần tham dự phường bùa nhưng lần nào cảm xúc cũng như lần đầu tiên được dự. Không biết phường bùa xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng, nó đã ngấm vào lòng và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, một sự hướng về cội một cách vô thức thật đẹp đẽ. Tham gia vào phường bùa mọi người đánh những điệu cồng, bài chiêng truyền thống và rất tự hào khi mặc trang phục của dân tộc mình. Từ tối hôm trước, mọi người nô nức kéo nhau đến tập chiêng ở nhà người chủ phường. Phường bùa không phân biệt gái, trai, già, trẻ mà chỉ cần có lòng đam mê. Qua luyện tập, ai cũng hát hay, đánh cồng, chiêng giỏi. Chị Bùi Thị Tới mới vào phường bùa được hai năm nay chia sẻ: Lúc đầu, thấy các mế, các bác đánh cồng, chiêng mình rất thích, muốn tham gia ngay. Được thế hệ trước truyền dạy, lúc đầu thấy khó, nhưng học mãi rồi cũng thuần thục. Bây giờ thì mình đã say mê và không thể vắng mặt trong phường bùa.

Sáng sớm, mọi người có mặt tại nhà có đám cưới để phụ giúp gia đình chuẩn bị lễ, những người khéo tay thì làm cỗ, các bà các mẹ và những chị em thân thiết với cô dâu giúp cô chuẩn bị những lễ vật để mang đi và đợi giờ nhà trai đến đón. Phường bùa đánh những điệu cồng chiêng để làm tăng không khí phấn khởi cho gia chủ.

Cỗ được sắp lên trước là để làm lễ báo với gia tiên về việc hôm nay gia đình gả chồng cho con gái và sau đó là để mời bà con, họ hàng trong làng ngồi uống rượu mừng cho gia đình, mừng cho cô gái đi lấy chồng được hạnh phúc. Giờ tốt đến, nhà trai có mặt dưới sân nhà để xin dâu, đoàn đưa dâu lên đường, tiễn chân người con gái đi lấy chồng, không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng. Đi đầu của đoàn đưa dâu là phường bùa, nét mặt ai cũng tràn trề cảm hứng. Phường bùa đi theo thứ tự, trong đó có một chiếc chiêng chủ giữ nhịp. Con đường làng quanh co vang tiếng cồng tiếng chiêng làm rộn rã, vui bản, vui Mường.

Khi về đến nhà trai, dàn chiêng dừng ở dưới sân, trên nhà sử dụng dàn nhạc cò ke, ống sáo để góp vui. Cô dâu về đến nhà chồng sau khi làm lễ thì chính thức trở thành con dâu trong nhà, toàn tâm toàn ý xây dựng gia đình mới của mình. Rồi đây cuộc sống bận rộn với những lo toan khiến người con gái quên đi cảm giác mam mác buồn khi cất bước ra khỏi nhà đi làm dâu, nhưng tiếng cồng tiếng chiêng đã tiễn bước cô về với nhà chồng sẽ mãi là những âm thanh chẳng thể nào phai nhoà. Để rồi, mỗi khi dù đang dở tay giữa nương lúa, bên bếp lửa hay lời ru con còn dở câu thì nghe đâu đó trong không gian vọng lại tiếng cồng, tiếng chiêng đưa đường nàng dâu, sẽ là những âm hưởng gợi nhớ, đưa cô về với những bồi hồi ngày cưới xưa của mình. Cồng chiêng, những âm thanh của nó đã làm nên một phần ký ức của mỗi con người và của bản Mường, những ký ức của ngày vui trọng đại trong đời.

Theo các cụ cao tuổi ở bản Mường, dàn chiêng dùng trong đám cưới để động viên tinh thần cô dâu về nhà chồng. Theo tiếng chiêng ngân vang, không chỉ người trong bản này biết đã có một người con gái được gả chồng mà nó báo cho cả mường người - mường ma - mường trời biết để chứng kiến ngày lễ trọng đại của đôi trai gái. Lý giải về nguồn gốc phường bùa thì đến nay ở các Mường vẫn còn lưu truyền truyền thuyết: Thủa xa xưa, khắp đất Mường có nhiều ma quỷ quấy nhiễu, Thánh mẫu Hoàng bà đã cho lập các đội binh Mường để xua đuổi ma quỷ và tiếng chiêng là một trong những vũ khí có sức mạnh để xua đuổi ma quỷ. Thế nên chiêng được các đội binh Mường dùng để đánh, tạo ra những bản nhạc vang như sấm rền làm ma quỷ khiếp sợ. Từ đó phường bùa luôn được duy trì và là hoạt động được đón đợi vào các ngày vui như lễ chúc thọ, lễ mừng nhà mới, lễ mừng đám cưới… hoà tấu cồng chiêng để xua đi những điều xấu, đón những điều tốt đẹp.

Với ý nghĩa như vậy, cùng trái tim và tâm huyết của những người gắn bó lâu năm với phường bùa nói riêng và với văn hoá Mường nói chung, tình yêu với văn hoá truyền thống dân tộc Mường đang được truyền lại cho những lớp trẻ người Mường. Nó cho chúng ta niềm tin, rồi đây theo thời gian, văn hoá Mường, tiếng chiêng mường sẽ được bảo lưu và còn ngân vang mãi trong đời sống của lớp lớp những thế hệ người Mường. Bởi cồng chiêng chính là hồn vía không thể mất của bản Mường. Văn hóa cồng chiêng là điểm tựa tinh thần của dân tộc Mường và là di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Có nhà nghiên cứu đã viết “cồng chiêng là nhịp sống, là tiếng lòng của người Mường giúp họ giao hòa với thiên nhiên, với cộng đồng dân tộc”. Cồng chiêng Mường được coi là vật thiêng, của báu, biểu tượng cho của cải, vật chất của cả bản. Người Mường coi cồng chiêng như vật thiêng, của quý trong nhà. Ngoài việc sử dụng tạo ra âm thanh, cồng chiêng là đồ có linh khí thiêng lành, xua đuổi tà ma đem lại sự yên lành cho gia đình.

Văn hóa cồng chiêng Mường là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa các dân tộc Việt Nam. ùng với cồng chiêng Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Mường cũng là di sản văn hóa kiệt tác của dân tộc.

Kim Nguyên

[TT: PLN]