Khi tục "Ngủ thăm" biến dạng

09:22 08/08/2013 Lượt xem: 1870 In bài viết

Tục lệ "Ngủ thăm"

Tại các xã, huyện vùng núi xa xôi như Thanh Sơn (Phú Thọ), Đà Bắc (Hòa Bình), Mường Lý, Mường Lát, Trung Lý, Pù Nhi (Thanh Hóa), Ninh Sơn và Bác Ái (Ninh Thuận), dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Dao, Mường vẫn lưu giữ tục lệ “ ngủ thăm” hay còn gọi là “ngủ thảo”. Tuy mỗi vùng, miền có những qui định riêng nhưng gần như chung một cách thức. Con trai tới tuổi trưởng thành đều có thể cạy cửa ngủ thăm nhà bạn gái. Trong không gian tĩnh lặng, ấm cúng, họ nằm bên nhau đơn thuần chỉ chuyện trò tâm sự, trao cho nhau niềm thương, nỗi nhớ và những khát vọng về một mái ấm gia đình êm đềm hạnh phúc… “Ngủ thăm” chỉ đơn giản thế thôi, chân tình, giản dị, trong sáng như ánh trăng soi trên mặt nước. Không những vậy, trong đêm bỏ mả của người Raglai, tính nhân sinh còn được thể hiện rất rõ ràng. Theo già làng Pi - Năng Tư, người đã hơn 70 tuổi ở làng Ma Oai (xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, Ninh Thuận): “Nguyên gốc tục này chỉ dành cho nam nữ gặp nhau trong những đêm trăng sáng khi làng có hội như lễ ăn đầu lúa, nhất là lễ bỏ mả…”. Cái chết làm hồi sinh sự sống, là sự phản ánh tất yếu của qui luật sinh - tử. Người Raglai ở Ninh Thuận sống rất chuẩn mực nên theo trình tự, những đôi lứa sau những đêm “ngủ thảo’ tâm đầu ý hợp, nảy sinh tình yêu mới tiến đến hôn nhân và sinh con đẻ cái. Với những ý nghĩa đó, tục ‘ngủ thăm” hay “ngủ thảo" là nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng người dân tộc thiểu số.

Khi tục lệ bị biến dạng...

Mỗi quan niệm, hành vi văn hóa đều ra đời trong phương thức xã hội nhất định. Khi xã hội thay đổi, tục lệ cũng có xu hướng thay đổi. Trong xã hội đang phát triển như nước ta hiện nay, nhiều luồng văn hóa đan xen, len lỏi vào văn hóa các dân tộc bản địa đã gây ảnh hưởng, thậm chí làm mất đi không ít giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Tục lệ “ngủ thăm” cũng không là ngoại lệ và đang bị biến dạng, không còn nguyên vẹn sự trong sáng như thuở sơ khai. Ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào, các đôi nam nữ, kể cả không phải là người dân tộc cũng có thể lợi dụng “ngủ thăm” thành “ngủ thật", gây nên những hậu quả đau buồn. Nhiều cô gái, chàng trai lợi dụng tính nhân văn và sự nghiêm túc của tục lệ để mua vui. Thực tế đáng lo ngại khi nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn của người dân tộc thiểu số sinh sống thường có nhiều công trình được thi công, một số công nhân lợi dụng tục lệ ‘ngủ thăm’ để “ngủ thật”, dẫn đến hậu quả làm nhiều cô gái mang thai ngoài ý muốn. Nhiều đoàn khách du lịch (trong và ngoài nước) khi thăm Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã trả tiền cho "cò” bản địa để được hưởng thú vui cạy cửa "ngủ thăm” sơn nữ….Biết đâu nhiều vị khách du lịch đó lại chính là nguồn lây truyền các bệnh truyền nhiễm, kể cả HIV/AIDS...

Ông Đinh Công Đại - Chủ tịch UBND xã Mường Lý (tỉnh Thanh Hóa) khẳng định: “Từ việc “ngủ thăm” dẫn đến “ăn cơm trước kẻng” khá phổ biến ở các bản làng xa xôi và gây ra những hậu quả đáng quan ngại. Năm 2012, cả xã có đến gần chục trường hợp sau đêm “ngủ thăm” đã có bầu hay bị lây nhiễm bệnh…”. Bà Pi Năng Thị Tâm, cán bộ phụ nữ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: "Khoảng 10 năm trở lại đây, trong cộng đồng người Raglai, có hàng chục cô gái sau khi "ngủ thảo" đã ở vậy nuôi con một mình. Lứa tuổi phổ biến nhất là 14-15 tuổi. Nhiều học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phải về nhà lấy vợ, lấy chồng, sinh con. Thậm chí có những thiếu nữ không chịu nổi sự dị nghị của dư luận đã làm những chuyện dại dột để lại nỗi đau cho người thân, bạn bè". Câu chuyện mà người dân ở bản Trung Tiến 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) vẫn nhớ mãi vào hai năm trước của cô gái người dân tộc Thái tên Lường Thị D khi đó mới 16 tuổi. Vì tin lời nói của một thanh niên dưới xuôi lên vùng cao làm công nhân cầu đường mà D đã trao đời con gái trong đêm "ngủ thăm" và mang thai. Nhưng người đàn ông "ngủ thăm" đêm đó đã bỏ về xuôi để mặc cô gái với cái bụng ngày càng to ra. Quá tủi nhục, D ăn lá ngón tự kết liễu cuộc đời cùng đứa con đang mang trong mình.

Cũng giống như D, có rất nhiều cô gái vướng vào duyên phận bẽ bàng khi cho ra đời những đứa con không cha. Có cô không chịu nổi sự dèm pha từ cộng đồng, đành bỏ xứ đi nơi khác. Có người thì chịu đựng nhẫn nhục, ở vậy nuôi con cho đến ngày khuất núi. Nhiều gia đình người dân tộc phải dắt trâu đi trừ nợ tình cho con.

“Ngủ thăm”, “ngủ thảo” từ chỗ là tục lệ trong phạm vi hẹp của một số tộc người đã biến dạng trở thành vấn đề xã hội với nhiều hậu quả đáng tiếc. Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất chính là gia đình, cộng đồng và xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng lối sống có trách nhiệm và biết tự bảo vệ mình cho giới trẻ, nhất là với các thiếu nữ. Nên tạo điều kiện cho thanh niên chuyển đổi hình thức tìm hiểu nhau để cùng hướng tới hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, phù hợp với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Vũ Thúy Hạnh

[TT: PLN]