Văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Cor huyện Trà Bồng

02:38 07/08/2013 Lượt xem: 3543 In bài viết

Với đời sống gắn bó lâu đời và chịu nhiều ảnh hưởng từ núi rừng, đồng bào Cor có tín ngưỡng nguyên thuỷ vạn vật hữu linh. Trong di sản văn hóa dân tộc Cor có hệ thống các truyện cổ tích, đặc biệt là các làn điệu dân ca như: Xà ru, Agiới, Cà lu, Alát, Xaru Arợp... Âm nhạc đã trở thành một phần máu thịt của bà con - từ sinh hoạt hằng ngày đến các lễ nghi trong đời sống tâm linh. Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Cor ở Trà Bồng không thể không nhắc đến nghệ thuật cồng chiêng; những nhạc cụ như: Đàn Bro, đàn Katak, đàn môi, sáo Talía, kèn Amáp; các làn điệu dân ca như: Xalía, hát đối đáp… đặc sắc và hấp dẫn. Nghệ thuật điêu khắc truyền thống của dân tộc Cor cũng rất đặc biệt với những cây Nêu, Gur, Lavang... thể hiện rõ cốt cách, tinh thần của một nền văn hóa, tín ngưỡng tộc người.

Đồng bào Cor ở Trà Bồng còn có những lễ hội phong phú như: Lễ ăn lúa mới, làm nhà mới; lễ hội ăn trâu đậm màu sắc dân tộc. Trong lễ ăn trâu có sự xuất hiện của các yếu tố tín ngưỡng thể hiện sự giao thoa văn hóa lâu đời như cây Nêu bên cạnh cái Gu cùng các bái vật hết sức độc đáo. Một lễ hội vô cùng đặc biệt không chỉ đối với người Cor mà với tất cả các dân tộc hiện sống tại Trà Bồng, đó là lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức từ ngày 15-17/4 (Âm lịch hàng năm). Điện Trường Bà là nơi thờ Thánh mẫu Thiên Yana cùng Trấn quốc công Bùi Tá Hán và Phó Đô tướng Dương Võ, công thần Mai Đình Đông-những vị có công trong buổi đầu mở đất vùng từ Quảng Nam đến Phú Yên. Vào dịp lễ trên, không chỉ người dân trong tỉnh mà cả người Chăm ở Châu Đốc, người Việt gốc Hoa ở Hội An, Quảng Nam... cùng tề tựu dâng hương, tế lễ. Đối với đồng bào các dân tộc sinh sống tại Trà Bồng, họ thường chuẩn bị lễ bái là sản vật từ núi rừng, nơi người Cor sinh sống như mật ong, quế, trầu cau... về dâng lễ.

Ý thức một cách sâu sắc về giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc đối với cuộc sống hiện tại, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy vốn văn hoá, văn nghệ của dân tộc Cor được cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm. Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng đã thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy một số di sản văn hoá dân tộc Cor giai đoạn 2007 - 2012” với kinh phí hơn 3 tỷ đồng nhằm xây dựng và phát triển những giá trị văn hoá dân tộc Cor.

Chính quyền địa phương và ngành văn hóa ở Trà Bồng đã triển khai, tổ chức các đoàn khảo sát nghiên cứu và sưu tầm các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của dân tộc Cor. Các cán bộ tìm đến bản làng, gặp già làng, người cao tuổi để sưu tầm và hoàn thiện những bài dân ca cổ, sau đó phổ biến cho các thế hệ trẻ cùng hát theo. Địa phương còn đưa ra những phương pháp sưu tầm và phổ biến văn hóa truyền thống bằng việc tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ, đêm hội cồng chiêng, đàn và hát dân ca… tại nhiều thôn bản khác nhau, thu hút đông đảo bà con tham gia; qua đó, một mặt sưu tầm và đưa những làn điệu dân ca trở về với đồng bào, mặt khác tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết giữa nhân dân các thôn bản trong huyện.

Để các tác phẩm nghệ thuật dân gian có thêm sức sống và sức cuốn hút, chính quyền huyện Trà Bồng vận động và có chính sách hỗ trợ để mỗi xã trong huyện đều xây dựng đội văn nghệ, đội cồng chiêng làm hạt nhân trong việc sáng tác và biểu diễn nghệ thuật. Sau đó, huyện tổ chức những cuộc thi cồng chiêng và múa hát các làn điệu như: Xà ru, Agiới, Cà lu, Alát… qua đó phát hiện và kịp thời bồi dưỡng lực lượng sáng tác và biểu diễn để âm nhạc cổ truyền thực sự sống trong cộng đồng dân tộc. Cạnh đó là các cuộc liên hoan về trang phục dân tộc, hội diễn ca múa nhạc dân tộc, thi hát dân ca... được tổ chức thường xuyên để giữ lửa cho phong trào văn nghệ quần chúng.

Trước thực trạng nhiều thanh niên có xu hướng chạy theo các yếu tố văn hóa, tôn giáo ngoại lai, xa dần các hình thức văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Cor, Mặt trận Tổ quốc huyện đã cơ cấu ủy viên gồm những người có uy tín để họ có điều kiện phát huy vai trò của mình trong cộng đồng, nhất là động viên thanh thiếu niên tham gia các đội văn hóa của thôn bản nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa và xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu.

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cor được bảo lưu và phát triển. Tuy nhiên, để các yếu tố văn hóa truyền thống thực sự có sức sống bền chặt trong cộng đồng, cần tiếp tục sưu tầm và khôi phục nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của đồng bào Cor. Hiện nay, nhiều làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống và cả những nhạc cụ dân tộc chỉ còn tồn tại trong một bộ phận rất ít người già, nếu địa phương không nhanh chóng sưu tầm, khảo cứu sẽ có nguy cơ mất đi vĩnh viễn.

Một điều đáng quan ngại là trên địa bàn huyện không còn một nhà Rông, nhà dài nào của người Cor. Được biết, bước đầu huyện đang xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng theo mô hình nhà Rông, nhà dài của đồng bào nhưng việc triển khai còn chậm. Nếu chưa có điều kiện để thực hiện việc xây dựng trên một cách rộng khắp thì ít nhất cũng cần đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân, già làng đến tư vấn và tự tay làm nên một mô hình có tính đặc trưng nhất của đồng bào Cor để sau này có điều kiện đầu tư còn có mô hình chuẩn để nhân rộng.

Thực tế từ trước đến nay, người Cor chưa có chữ viết. Những yếu tố văn hóa truyền thống còn lại cho đến đều thông qua con đường truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này dẫn đến những hạn chế lớn trong việc nghiên cứu, khôi phục văn hóa dân gian, đặc biệt là văn học, thơ ca, hò vè ở dạng truyền khẩu. Theo thời gian, hình thức bảo lưu trên là rất khó tránh khỏi tình trạng “tam sao thất bản”. Việc liên hệ với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam để định dạng, phiên âm, kí hiệu hóa là rất quan trọng và cần thiết. Thực hiện việc này sẽ khó khăn nếu chỉ tiến hành bằng nguồn lực của địa phương nên rất cần có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cả về vật lực, nhân lực, trí lực.


Già làng đọc lời cầu nguyện trong ngày hội (Ảnh: Thu Lê)

Giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và bảo lưu văn hóa: Thực tế, đây là vấn đề chung trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của mọi dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến một vấn đề nhỏ là tái định cư như thế nào để không mất văn hóa. Năm 2009, huyện Trà Bồng tổ chức triển khai kế hoạch di dời 63 hộ dân tại khu vực có nguy cơ lở núi ở Làng Cheng, thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm về nơi ở mới (cách làng cũ khoảng hơn 2 km) có diện tích 3 ha. Huyện đã hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào với mức 32 triệu/nhà, diện tích mỗi nhà hơn 30m2. Tuy nhiên, sau khi khu tái định cư được xây dựng thì có nhiều điểm không phù hợp. Nhà ở trong khu tái định cư được làm sát nhau nên rất xa lạ với những yếu tố văn hóa, phong tục của đồng bào. Không những thế, địa điểm tái định cư lại cách xa nương rẫy hơn 4 km nên bất tiện cho việc sản xuất. Chính vì những yếu tố trên mà hầu hết dân làng chỉ đến trú chân tạm thời. Nhiều gia đình chỉ về ngủ buổi tối, thậm chí rất lâu mới về nhà và không còn mặn mà với việc tạo dựng một không gian văn hóa cộng đồng truyền thống như trước đây. Như vậy việc bố trí tái định cư như thế nào để không dẫn đến sự xói lở về văn hóa truyền thống là điều nhất thiết cần được bàn bạc và tiến hành một cách khoa học, thận trọng.

Cần có một “chiến lược lâu dài” để đồng bào có thể sống được trong cộng đồng với những nghề nghiệp truyền thống của mình. Bởi yếu tố cộng đồng bền chặt và công việc sản xuất hàng ngày chính là môi trường sống của văn hóa truyền thống. Người Cor rất giỏi nghề đan lát. Những sản phẩm đồ đan của người Cor thật sự là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đẹp mắt. Tuy nhiên việc tìm đầu ra cho các sản phẩm trên lại là một vấn đề nan giải. Hay nghề trồng quế của người Cor cũng vậy. Thương hiệu “Quế Trà Bồng” tuy đã được tạo lập, nhưng để cây quế đủ sức giúp đồng bào ổn định cuộc sống của mình thì vẫn còn là một hành trình dài. Lễ hội Điện Trường Bà Thánh mẫu thiên Yana chính là điểm nhấn, giúp địa phương phát triển du lịch kết hợp với các địa danh có phong cảnh đẹp. Song thời gian tới, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cấp ngành mở rộng quy mô để đưa lễ hội trở thành ngày hội của tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong tỉnh và những vùng miền lân cận, trở thành yếu tố văn hóa - du lịch có thể đem lại những nguồn lợi cho quê hương.

Có chính sách khuyến khích, động viên các già làng, trưởng bản, những người có tâm huyết và năng khiếu sáng tác, sưu tầm, dàn dựng, bảo tồn các giá trị, nét đẹp tinh hóa văn hóa truyền thống. Chính lực lượng này là cầu nối để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu.

TS. Đoàn Triệu Long

Học viện Chính trị- Hành chính KV III Đà Nẵng

[TT: PLN]