Pháp luật quốc tế về tảo hôn và những gợi ý về Việt Nam
09:30 01/10/2013 Lượt xem: 1594 In bài viếtTảo hôn là một tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều nhóm cộng đồng và các dân tộc trên thế giới. Tảo hôn trong một số nhóm cộng đồng và dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng vẫn là vấn đề nan giải. Tảo hôn không chỉ gây hại cho sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em gái, mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của nhóm cộng đồng và dân tộc đó cũng như cả quốc gia…Bài viết này xem xét vấn đề tảo hôn dưới góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người, nhằm hướng tới xây dựng quan hệ hôn nhân tiến bộ. Thông qua việc phân tích thực trạng và nguyên nhân của vấn đề tảo hôn ở một số cộng đồng và dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm và pháp luật của một số nước trên thế giới và trong khu vực, các tác giả đề xuất những giải pháp nhằm giảm thiểu vấn đề tảo hôn, thúc đẩy việc tôn trọng và bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam.
Tảo hôn có thể xảy ra đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai, nhưng trẻ em gái luôn là đối tượng chịu những thiệt hại nặng nề nhất do tình trạng hôn nhân sớm gây ra. Tảo hôn thường xảy ra trước tuổi dậy thì, ở độ tuổi từ 11 đến 13. Theo các nghiên cứu y học, đây là thời kỳ các em đang phát triển chưa hoàn thiện cả về thể chất và tinh thần. Quan hệ tình dục ở giai đoạn này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cả về thể chất cũng như tinh thần của các em. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy, trong một số xã hội, tảo hôn thường là những cuộc hôn nhân do sắp đặt, do người lớn định đoạt; trong một số trường hợp, tảo hôn là do đề cao quá mức tầm quan trọng của sự trinh tiết hoặc do cha mẹ bé gái gả con để trang trải nợ nần hoặc chi phí cho các thành viên khác trong gia đình… Tảo hôn thường xảy ra phổ biến trong những nhóm cộng đồng và dân tộc thiểu số biệt lập hoặc có trình độ phát triển kinh tế-xã hội thấp kém. Đó thường là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, trong những nhóm cộng đồng khép kín - những nơi chính quyền tiếp cận rất khó khăn.
Ở khía cạnh khác quan trọng, tảo hôn là sự vi phạm nghiêm trọng các quyền con người của các em. Hiện nay, trên thế giới có 60 triệu trẻ em gái bước vào hôn nhân trước tuổi đồng nghĩa với việc các em bị tước đoạt các quyền con người một cách vô thức mà chính các em lại là những người sẽ sinh ra những đứa trẻ mà hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại.
Điều này rõ ràng tác động không nhỏ đến việc đạt được Các mục tiêu Thiên niên kỷ và hậu quả ảnh hưởng không chỉ đến các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển.
Nhận thức rõ hậu quả của tảo hôn, ở nhiều nơi trên thế giới, các sáng kiến tiếp tục được đề xuất và triển khai nhằm đẩy lùi “thảm họa” này.
Việt Nam là quốc gia thành viên tích cực của nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước Quốc tế về quyền trẻ em (CRC) và Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW)… Theo đó, quốc gia có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ nói chung, quyền trẻ em gái nói riêng, bao gồm quyền không bị kết hôn trước tuổi được quy định trong pháp luật (không bị tảo hôn). Nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng ngăn cấm việc tảo hôn. Tuy nhiên, tập tục văn hóa và truyền thống không có lợi cho sức khỏe, sự phát triển toàn diện, quyền và lợi ích của trẻ em gái đang là rào cản đối với quá trình tôn trọng, bảo đảm và thực hiện quyền con người nói chung, quyền trẻ em gái nói riêng.
* Quy định pháp luật của một số quốc gia về ngăn cấm tảo hôn
Theo quy định Ôt-xtrây-lia, người chưa thành niên được kết hôn phải có sự tư vấn của người giám hộ, cha mẹ hoặc cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt với sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan tư pháp địa phương hoặc tòa án các cấp.
Ấn Độ: Tòa án tối cao Delhi đưa ra những phán quyết nghiêm khắc để trừng phạt những người vi phạm Luật nghiêm cấm Hôn nhân trẻ em. Bất cứ trường hợp kết hôn giữa nam dưới 21 tuổi và nữ dưới 18 tuổi sẽ bị tuyên án là vô hiệu. Trẻ em gái đều có quyền tiếp cận với Tòa án theo mục 3 điều luật này để tìm kiếm việc bảo vệ các quyền của mình thông qua hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp hôn nhân với trẻ em gái dưới 16 tuổi được coi là đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội theo điều 376 của Bộ luật Hình sự Ấn Độ và sẽ bị truy tố, xét xử.
Từ quan điểm của Liên hợp quốc và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, chúng tôi cho rằng, vấn đề tảo hôn ở Việt Nam cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, với quan điểm cởi mở, nhưng phải phù hợp với xu hướng chung của thời đại. Để giải quyết vấn đề tảo hôn, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cần nhìn nhận vấn đề tảo hôn dưới góc độ nhân quyền. Phải xem nạn nhân của tảo hôn là chủ thể quyền con người của các công ước nhân quyền, đặc biệt là các công ước CRC và CEDAW. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện thể chế, bộ máy, tổ chức giám sát, thực hiện các chế tài đối với cá nhân vi phạm và những tổ chức thiếu trách nhiệm. Trên phạm vi toàn thế giới, khu vực và quốc gia cũng cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn (mà đa phần là tảo hôn đối với trẻ em gái) là sự kỳ thị, phân biệt đối xử giới, những rào cản văn hóa, tập tục tác động đối với thực tiễn tảo hôn. Vì vậy, cần tăng cường việc thúc đẩy và bảo đảm quyền phụ nữ, quyền trẻ em nói riêng và quyền con người nói chung.
Thứ hai, trong hoàn thiện pháp luật, cần nâng độ tuổi trẻ em Việt Nam lên như quy định của Công ước về quyền trẻ em - tức là ở Việt Nam, trẻ em là những người dưới 18 tuổi; cùng với đó là việc giữ nguyên quy định về tuổi kết hôn như hiện nay. Những quy định này vừa thể hiện sự tiến bộ của chế độ xã hội ở Việt Nam, vừa thể hiện sự cầu thị và nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời cần khẳng định rõ, pháp luật quốc gia phải là thống nhất, không nên có quy định khác (như kiểu hạ tuổi kết hôn để hợp thức hóa tình trạng tảo hôn hiện nay).
Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn xã hội, nhất là trong các nhóm cộng đồng dân cư và đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại của tảo hôn, nhằm từng bước xóa bỏ nạn tảo hôn, hướng tới hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; giáo dục, tuyên truyền từ bỏ những hủ tục, tập tục và luật tục trái với xu hướng tiến bộ, văn minh, hội nhập và phát triển. Cần nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ các cấp trong việc tôn trọng quyền phụ nữ và quyền trẻ em, nỗ lực đấu tranh nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn.
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật hôn nhân và gia đình cho các gia đình ở vùng sâu , vùng xa, miền núi; giáo dục cho cả chủ thể thực thi pháp luật, chính sách (đội ngũ cán bộ, công chức,…) và chủ thể thụ hưởng các chính sách này (người dân, cộng đồng dân tộc thiểu số,…)
Thứ năm, đầu tư nguồn lực cho các địa phương và vùng có nạn tảo hôn cao nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt là cải thiện các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, việc làm… cho người dân.
Thứ sáu, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Khai thác những truyền thống tốt đẹp trong luật tục, góp phần hạn chế, tiến tới đẩy lùi nạn tảo hôn.
Thứ bảy, tăng cường năng lực thực thi chính sách, pháp luật về phòng cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua xây dựng và hoàn thiện các thể chế, cơ chế thực thi. Phối hợp, xử lý hiệu quả việc phòng ngừa và trừng trị vi phạm pháp luật hôn nhân tiến bộ; tăng cường các biện pháp tư pháp (truy tố, xét xử) đối với các hành vi cố tình vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình;
Tảo hôn liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội. Tại Việt Nam, tảo hôn chủ yếu tập trung ở các vùng dân tộc thiểu số, một số cộng đồng dân cư thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ phát triển chưa cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cơ chế thị trường hiện nay, tảo hôn có thể được núp dưới nhiều hình thức tinh vi, như nhận con nuôi, thuê người giúp việc… nhằm đáp ứng nhu cầu tình dục bệnh hoạn hoặc một niềm tin ma quái nào đó. Nhận biết đầy đủ những tội phạm mới này cũng là góp phần đẩy lùi một vấn đề xã hội mà cộng đồng quốc tế đã dành rất nhiều nguồn lực, nhưng chưa đạt được kết quả tương xứng.
TS. Đặng Dũng Chí- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia HCM
TS. Hoàng Văn Nghĩa- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia HCM
[TT: PLN]