Nét văn hóa độc đáo của dân ca Sán Chí ở Lục Ngạn
02:48 01/10/2013 Lượt xem: 1495 In bài viếtLục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang; địa bàn sinh sống của 8 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan, tạo nên sự giao thoa văn hoá đặc sắc, đồng thời vẫn lưu giữ được những nét độc đáo riêng. Nhắc tới Lục Ngạn, người ta thường nhớ ngay đến những đặc sản nổi tiếng: Vải thiều, mật ong rừng; các di tích lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên: Đền Hả, hồ Khuôn Thần, núi Am Vãi những giá trị văn hoá phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn về trang phục, phong tục, các làn điệu dân ca Sloong hao, Sli, lượn, hát Then, hát đối… Trong đó, nổi bật và độc đáo là hình thức nghệ thuật hát dân ca của người dân tộc Sán Chí ở xã Kiên Lao.
Dân tộc Sán Chí sống thành từng bản, chiếm tới 70% dân số trong 7 dân tộc anh em cùng sinh sống ở xã Kiên Lao. Sán Chí nghĩa là Người núi (Sơn tử). Theo biến âm của thổ ngữ còn được gọi là Sán Chấy, Sán Chới, Sán Chí, Sán Chỉ, Sán Chay đều có nghĩa là: Người núi. Trên cơ sở văn hoá riêng có của dân tộc, phong tục, tập quán và qua quá trình lao động, người Sán Chí đã sáng tạo những câu hát trữ tình, đằm thắm, phát triển thành lối hát dân ca mang tính đặc trưng. Đến nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian và các nghệ nhân cao tuổi của dân tộc Sán Chí cũng không xác định được thời điểm dân ca Sán Chí ra đời, chỉ biết rằng người Sán Chí từ đời trước sang đời sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác đã truyền dạy cho nhau học hát. Cứ như vậy dân ca của người Sán Chí được lưu truyền cho đến ngày nay.
Thiếu nữ Sán Chi
Người Sán Chí hát dân ca không dùng nhạc đệm. Quan sát các nghệ nhân biểu diễn, có thể nhận thấy cách luyến láy, nhả chữ, lên bổng xuống trầm, ngân dài nhấn mạnh từ ngữ trong câu hát đã tạo nên giai điệu, phách nhịp và thể hiện tình cảm của người hát trong từng hoàn cảnh cụ thể. Người hát dân ca Sán Chí giỏi không chỉ thuộc nhiều lời hát, thể loại hát mà còn phải thông minh, sâu sắc, giỏi ứng đối để tuỳ lúc, tuỳ nơi đưa ý tưởng từ những tình huống, đồ vật xung quanh vào làn điệu dân ca đối đáp với người mà mình giao lưu, hát đối hoặc thi hát giữa các đội.
Về thể loại, các bài hát dân ca Sán Chí chịu ảnh hưởng của luật thơ Đường, thường viết theo thể “thất ngôn tứ tuyệt” (thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ), ví dụ:
Tặc nẹng cối nhổi tảy jặm vộn/ Sích sắng chấy nện cắn tỏng phội/ Sích nắng chấy cnện pai dên chủ/ Phọng cnụi thánh tặc lọng jặm phạn.
Nghĩa là: Được lời em nói, anh vui sướng/ Tờ giấy trên đá khẽ động bay/ Tờ giấy trên đá ngồi hai đứa/ Thấy lòng xao xuyến tiếng gió bay.
Bên cạnh đó, trong một số bài, câu đầu chỉ có 5 từ, do vậy người Sán Chí phải dùng từ láy để ngâm đệm khi hát, ví dụ như:
Nẹng cạy hối líu nẩy/ Tíu nẹng nhện nhổi chải lang jặm/ Tíu nẹng nhện nhổi lang jặm jéng/ Jéng nẹng nhện nhổi tạng cnên cặm.
Nghĩa là: Em hãy ra về về đi thôi/ Lời em nói còn trong lòng chàng/ Lời em nói khiến lòng chàng nhớ/ Nhớ lời em nói đáng ngàn vàng.
Về không gian và hình thức diễn xướng, cũng giống như các loại hình dân ca khác, dân ca Sán Chí được bảo lưu theo phương thức truyền miệng. Tiếng hát của người dân Sán Chí thường được cất lên trong những sinh hoạt hàng ngày: đi làm đồng, đi chợ hát đối đáp, đến nhà chơi hát chào, hát mừng gia chủ; hát chào khách đến chơi; hát gặp bạn hữu; hát khi có hội; hát mời ăn cơm; hát đám cưới, hát đám ma. Họ hát để giao tiếp, giãi bày tình cảm. Dân ca Sán Chí có thể hát đơn, hát đôi, hát đối đáp nam nữ, hát ru, hát giao duyên.
Về nội dung, các bài hát dân ca Sán Chí phong phú và đượm chất trữ tình; ca từ vừa mộc mạc, vừa tinh tế, gần gũi với đời sống của người dân, thường có ý nghĩa ca ngợi quê hương, ca ngợi lao động, mong muốn cuộc sống hạnh phúc và tình yêu đôi lứa. Theo tổng hợp của các công trình nghiên cứu, dân ca Sán Chí chia làm 4 hình thức chính: hát ban ngày (Chục Côộ) - hát giao duyên hay hát ghẹo, hát ban đêm (Cnắng Côộ), hát đám cưới (Chắu Côộ) và hát đổi danh (Zoóng Hôồ Côộ). Trong đó, hát “Cnắng Côộ” là loại hình phong phú nhất nên khi nhắc đến dân ca Sán Chí, đồng bào thường gọi theo tên chung là “Cnắng Côộ”.
Hát ban ngày (Chục Côộ) còn được gọi là hát giao duyên hay hát ghẹo. Ở thể loại hát này, người Sán Chí hiện còn lưu giữ được khoảng 300 - 500 bài, viết bằng chữ Hán. Trong các bài hát Chục Côộ, người ta lấy việc đổi lời, đổi ý là chính. Do vậy đòi hỏi sự nhanh trí, sắc sảo trong đối đáp của các chàng trai, cô gái. Những lời hát có thể được cất lên khi các chàng trai, cô gái cùng lên nương. Họ cùng hát lên tiếng lòng để khuây khoả, xua tan mệt nhọc. Cũng có khi mới gặp nhau, người ta cùng hát để thử sức, thử tài rồi làm quen và kết bạn. Lời hát mộc mạc, giản dị nhưng rất ý nhị, chan chứa tình cảm.
Hát ban đêm (Cnắng Côộ) là hình thức hát trong nhà hoặc trải chiếu ra sân để hát, thường diễn ra 5 đến 7 đêm. Mỗi đêm hát bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối đến sáng. Có khoảng 700 - 1.000 bài hát có sẵn và theo quy luật đêm hôm sau không được hát lại bài đêm hôm trước, chính vì vậy số lượng bài hát sau mỗi đêm sẽ giảm đi. Mỗi đêm hát ở một nhà. Đến mỗi nhà có rất nhiều thứ để hát: Hát mừng cái cột của chủ nhà; hát chào cái cửa, cái sân; hát khen cái bàn thờ, khen mái ngói; hát về cái bếp, cái giường…
Hát Cnắng Côộ thường diễn ra mỗi khi nông nhàn, trai gái tụ tập để tỏ tình, giao duyên, kết bạn. Người hát thường thể hiện với giọng nhẹ nhàng, khoan thai như hát ru. Hát theo cặp 2 nam, 2 nữ. Nam hát trước, hát qua song cửa vọng vào trong nhà để đánh tiếng, xin phép cho đến khi nữ hát đáp mời vào. Cặp nam nào được sự đồng ý của cặp nữ thì cặp đó vào nhà. Cứ như thế cho đến khi tất cả các cặp nam được vào nhà. Lúc đó canh hát trong nhà tiếp tục diễn ra, chủ nhà thường chuẩn bị đầy đủ dầu đèn, chè nước, trầu thuốc để cuộc hát được trọn vẹn suốt đêm. Ở thể loại hát ban đêm, màn đối đáp diễn ra giữa khách và chủ nên ca từ thể hiện sự nhẹ nhàng, lịch sự, thăm dò ý tứ.
Hát đám cưới (Chắu Côộ) hay còn gọi là tửu ca. Ở thể loại này, người Sán Chí có khoảng 100 bài hát, được hát theo thể âm cao, thanh trong, vui vẻ. Trong đám cưới, các bạn của cô dâu, chú rể thường đến hát mừng cho họ. Khi ở nhà gái, đối tượng khởi xướng hát là bên nhà gái, đó là những người bạn của cô dâu đến giúp. Đội nam hát trả lời là người giúp việc nhà trai, bạn của chú rể. Trong quá trình hát, nếu đội hát của nhà gái thua thì nhà trai cứ việc vào nhà mà không phải đứng ở cổng đợi nhà gái cho phép. Nếu đội nam thua, họ sẽ bị phạt rượu rồi mới được vào nhà gái. Nếu cả hai bên không ai chịu thua thì chỉ khi nhà gái hát mời, nhà trai mới được bước vào nhà. Với thể loại hát đám cưới, ca từ thể hiện sự rộn ràng, vui vẻ, ngoài việc thể hiện sự chúc phúc cho cô dâu, chú rể, còn thể hiện sự mời mọc, chúc tụng rượu cưới. Người Sán Chí ở Kiên Lao có cách mời hát trong đám cưới độc đáo gắn liền với rượu. Trong tiệc cưới, người muốn mời mâm nào hát sẽ mang một cái ghế đẩu trên đó đặt một cái sàng có một số chén rượu và một chai rượu đến đặt gần đó. Sau đó cặp hát tiến đến và cuộc hát đối bắt đầu. Bên nào thua sẽ bị đổ rượu qua sàng xuống đầu.
Hát đổi danh (Zoóng hôồ côộ) là thể loại chỉ có nam giới hát với nhau trong lễ đổi danh của người con trai trưởng thành khi đủ 18 tuổi. Số lượng bài hát còn lưu truyền khoảng 50 bài. Khi hát, nam giới Sán Chí thường chia ra từng cặp hai người và hát đối đáp với nhau. Người hát thường hát giọng trầm vừa phải theo kiểu ngâm thơ, bạn hát chỉ được đứng ở ngoài sân hát vọng vào nhà. Đối với thể loại hát đổi danh, ca từ thể hiện sự chúc tụng cho người được đổi danh, chứa đựng niềm tự hào của người được đổi danh:
Chắn nhệt cnấu dặt cú jặm nên/ Pằng dảu joóng hồ tốu môn chén/ Pằng dảu joóng hồ môn cnên chủ/ Mằn nảy chôi nhặm ọn na phện/
Nghĩa là: Mồng một tháng Giêng sang năm mới/ Bạn bè tặng hiệu đến cửa nhà/ Bạn bè tặng hiệu ngồi trước cửa/ Hỏi rằng chủ nhà ngồi bên nào.
Với nét độc đáo về nội dung và hình thức, dân ca Sán Chí ở Lục Ngạn, Bắc Giang có giá trị văn hoá lớn trong kho tàng văn hoá dân tộc. Điều này cũng đã được Nhà nước đánh giá và ghi nhận trong quyết định công nhận dân ca Sán Chí là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, dân ca Sán Chí đang có nguy cơ mai một. Một trong những nguyên nhân chính là những người cao tuổi, những nghệ nhân thuộc nhiều lời hát ngày càng già yếu, trong khi nhiều người trẻ tuổi không còn đam mê dân ca truyền thống, không chịu khó học hỏi nên không thuộc, không biết hát dân ca Sán Chí. Để bảo tồn, phát huy vốn quý này, một mặt cần nhiều hơn những công trình khoa học nghiên cứu về dân ca Sán Chí, mặt khác các cơ quan quản lý văn hoá cần có chính sách, khuyến khích truyền dạy dân ca Sán Chí để bảo đảm sự tiếp nối giữa các thế hệ.
ThS. Nguyễn Thanh Huyền- Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội
[TT: PLN]