Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng Nam Tây Nguyên

02:24 01/10/2013 Lượt xem: 1405 In bài viết

Những năm cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đặt chân đến Đà Lạt, cư dân Việt từ khắp nơi trong cả nước cùng tụ cư về sinh cơ lập nghiệp. Từ thời điểm này về sau, cư dân Mạ, K’ho và Churu ngoài những giá trị văn hóa truyền thống còn tiếp thu nhiều hình thái văn hóa của các cộng đồng cư dân khác. Các buôn làng người Mạ, K’ho và Churu du nhập, tiếp thu các yếu tố tiến bộ của các dân tộc khác từ văn hóa vật thể (nhà cửa, ẩm thực, trang phục…) đến văn hóa phi vật thể (ngữ văn dân gian, nghề thủ công truyền thống, âm nhạc dân gian,…). Mặc dù văn hóa truyền thống có sức sống bền bỉ và mãnh liệt nhưng để tránh bị mai một là điều cần được quan tâm thoả đáng.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, nhiều năm qua ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch của tỉnh đã tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc Mạ, K’ho và Churu, đặc biệt là những yếu tố tích cực. Việc khảo sát, điều tra, hệ thống hóa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể nhằm nắm rõ hiện trạng và từ đó đề ra những phương thức bảo tồn di sản có hiệu quả được quan tâm trước nhất. Đến nay, mức độ bảo tồn một số giá trị văn hóa đặc trưng của các tộc người tại chỗ Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực. Đáng chú ý hơn cả là những hình thái văn hóa phi vật thể đặc trưng Nam Tây Nguyên đang từng bước được khôi phục, phát huy tác dụng trong đời sống như: lễ hội, nghề thủ công truyền thống, âm nhạc dân gian…

Thông qua các nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã thực hiện có kết quả nhiều dự án sưu tầm. Nổi bật như: Lễ hội Lìr boong của người K’Ho Srê (năm 1999); Lễ hội Nhô R’he của người Mạ (năm 2000); Lễ hội Pơthi của người Churu (năm 2001); Lễ hội Nhô Gùng mìr của người Mạ (năm 2004) và một số loại hình âm nhạc dân gian khác.

Lễ hội hay đúng hơn là nghi lễ dân gian của các tộc người Mạ, K’ho và Churu ở Lâm Đồng vốn gắn liền với tín ngưỡng truyền thống, phương thức sinh hoạt kinh tế truyền thống. Từ những năm giữa thế kỷ XX, việc bảo tồn lễ hội trong một thời gian dài chỉ dừng lại ở mức bảo tồn hình thái hoặc phục dựng. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây - khi mà đời sống kinh tế một số vùng cư dân bản địa dần ổn định, bền vững, thêm vào đó là sự tác động của các biện pháp bảo tồn di sản văn hóa - lễ hội đã thực sự trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng dân cư K’ho nhóm Srê ở Di Linh, cộng đồng người Mạ ở huyện Bảo Lâm… Trong đó khả năng “tự điều chỉnh” là một trong những nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và xã hội để di sản văn hóa Mạ, K’Ho và Churu không ngừng được duy trì và phát triển phù hợp với thời đại. Từ không gian lễ hội được khôi phục, môi trường văn hóa truyền thống và các loại hình văn hóa bản địa khác đã có động lực, sức sống để phát huy giá trị, vẻ đẹp vốn có. Nghề thủ công truyền thống, vốn là một hoạt động hỗ trợ cho đời sống của cộng đồng bằng việc tạo ra các vật dụng sinh hoạt cũng được đẩy mạnh trở lại. Cần lưu ý rằng nghề thủ công của các dân tộc tại chỗ Lâm Đồng chưa đạt đến một hình thức sinh hoạt kinh tế (làng nghề) nhưng là một biểu hiện sinh động cho các giá trị văn hóa rất riêng của khu vực dân cư khu vực này. Thể hiện qua các đặc điểm, chi tiết có tính khu biệt của vật dụng sinh hoạt, vật dụng lao động, vật dụng văn hóa, các chi tiết hoa văn trang trí trên vải dệt, gùi, chiếu… của người K’ho Cil (Chil) ở Lạc Dương, người Mạ ở B’Lao, Cát Tiên…

Văn hóa các dân tộc tại chỗ Lâm Đồng là một trong những yếu tố cấu thành “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài việc bảo tồn nguyên bản - gắn với môi trường văn hóa cộng đồng, gắn với lễ nghi dân gian - âm nhạc cồng chiêng đang trở thành một hoạt động văn hóa mang lại giá trị kinh tế, góp phần giải quyết công ăn việc làm và nâng cao mức thu nhập của một số cộng đồng tại chỗ. Người Mạ, người Churu và người K’ho ở một số địa phương có du lịch phát triển đã biết khai thác tiềm năng của âm nhạc cồng chiêng để phục vụ cuộc sống - kinh tế. Hiện cả tỉnh có 11 đội nhóm cồng chiêng hoạt động tại chân núi Langbiang phục vụ khách du lịch. Đó chỉ là “phần nổi” của văn hóa cồng chiêng Nam Tây Nguyên, chỉ là một bộ phận nhỏ bé trong cộng đồng các dân tộc Mạ, K’ho và Churu ở Lâm Đồng. Ngoài việc định hướng, quản lý các hoạt động liên quan đến văn hóa cồng chiêng trong du lịch, ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các biện pháp để bảo tồn nguyên trạng giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng đối với từng buôn làng, từng cộng đồng cư trú. Đề án: Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2009-2015 và tầm nhìn đến 2020) tuy bước đầu triển khai nhưng đã có tác động tích cực làm chuyển biến nhận thức, ý thức tự giác bảo vệ của chủ thể văn hóa cồng chiêng ở Lâm Đồng - tức là chính các cư dân tại chỗ ở đây.

Như vậy, sử dụng không gian văn hóa bản địa gắn với hoạt động kinh tế, nâng cao đời sống - xã hội của cộng đồng cư dân là một ý tưởng khá táo bạo và có tính khả dụng cao của Lâm Đồng. Những kết quả bước đầu cho thấy nó đảm bảo yếu tố bảo tồn, phát huy đồng thời nâng cao giá trị văn hóa - nét đẹp vốn có của cộng đồng dân cư tại chỗ nơi đây.

Việt Dũng

[TT: PLN]