Nghị quyết Trung ương V (Khóa VIII) với vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa

09:29 01/11/2013 Lượt xem: 593 In bài viết

Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chỉ rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”.

Di sản văn hoá là toàn bộ sản phẩm sáng tạo của các thành viên trong cộng đồng dân tộc; được thể hiện dưới dạng vật thể (hữu hình) và phi vật thể (vô hình) mang tính biểu tượng, được lan toả (vô thức) và trao truyền (hữu thức) từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ thế hệ trước cho thế hệ sau.

Di sản văn hóa vật thể gồm: Di tích, di vật và môi trường cảnh quan xung quanh di tích đó. Theo kết quả kiểm kê, hiện nay cả nước có trên 4 vạn di tích.

Di sản văn hoá phi vật thể gồm: Tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết nghề thủ công truyền thống, tri thức y, dược học cổ truyền, văn hoá ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác. Việt Nam đã có 7 di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới và đang còn rất nhiều bộ môn âm nhạc và nghệ thuật như: hát xẩm, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, các loại hát và đàn của các dân tộc vùng Việt Bắc, các dân tộc Tây Nguyên… có thể được UNESCO đánh giá đúng mức để công nhận trong tương lai.

Đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cùng với đó là sự giao lưu, hội nhập toàn diện đã tác động sâu rộng đến mọi tầng lớp cư dân. Do đó, di sản văn hóa cũng rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Nhận diện những vấn đề mà di sản văn hóa phải đối mặt cũng như cần có các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc trong sự phát triển đất nước, làm cho di sản văn hóa truyền thống tiếp tục tỏa sáng trong xu thế giao lưu, hội nhập là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn hiện nay.

Hiện nay, vấn đề bảo tồn các di sản được triển khai ở các tỉnh, thành trong cả nước nhưng mới dừng lại ở mức độ điều tra, khảo sát, thống kê các loại hình di sản mà chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng bộ. Đặc biệt, loại hình di sản văn hóa phi vật thể làng nghề truyền thống đang dần mai một, thất truyền do không được đầu tư vốn và sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Đối với di sản văn hóa truyền thống, một trong những nguyên tắc cần phải quan tâm là tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập, ghi chép lại các dạng thức văn hóa, những kĩ năng, những tri thức do nghệ nhân sử dụng trong trình diễn các loại hình nghệ thuật hay chế tác sản phẩm bằng việc ghi chép, ghi âm, ghi hình. Việc sử dụng máy ghi âm, máy ảnh giúp lưu giữ và tái hiện lịch sử một cách đầy đủ hơn, đặc biệt trong việc lưu giữ các loại hình nghệ thuật biểu diễn như múa, ca nhạc, sân khấu và chế tác sản phẩm thủ công truyền thống. Tuy nhiên bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ các ấn phẩm, băng hình, băng tiếng, trưng bày ở bảo tàng, sân khấu hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống mà quan trọng hơn là lưu giữ trong môi trường sản sinh ra chúng. Tức là bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng, đưa di sản văn hóa trở lại với chủ thể văn hóa và tạo điều kiện tốt nhất cho nó tồn tại. Cộng đồng là môi trường sản sinh ra các hiện tượng văn hóa, là nơi nuôi dưỡng và làm phong phú nó trong đời sống. Đây là nguyên tắc được UNESCO và nhiều quốc gia trên thế giới đề xuất.

Văn hoá phi vật thể tồn tại trong trí nhớ của một số người mà chúng ta thường gọi là nghệ nhân. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cũng có nghĩa là “bảo vệ” người kế thừa di sản văn hoá - những nghệ nhân dân gian. Thực tế đã chứng minh, “chỉ cần những người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn còn sống thì những di sản văn hoá truyền thống sẽ không bị biến mất; chỉ cần những người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn còn tràn đầy sức sống thì di sản văn hoá phi vật thể sẽ không ngừng được sáng tạo trong quá trình trao truyền và kế thừa; chỉ cần người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn thu nhận đồ đệ để truyền nghề, thì di sản văn hoá phi vật thể có người kế thừa, kéo dài mãi mãi”. Để “bảo vệ” những báu vật nhân văn sống, ngoài việc thừa nhận tài năng, Nhà nước và cộng đồng cần tôn vinh và tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần để họ có thể phát huy khả năng bảo tồn các di sản văn hoá truyền thống. Và quan trọng hơn để họ có ý thức trao truyền những giá trị vô giá kết tinh trong di sản văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ tương lai.

Những giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong nhân dân và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi nhân dân. Biện pháp huy động sức dân chỉ có hiệu quả trên nền tảng ý thức sâu sắc của người dân về giữ gìn di sản văn hóa truyền thống. Người dân chính là chủ thể của mọi hoạt động bảo vệ di sản văn hóa; đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn bền vững di sản văn hoá của chính họ. Thực tế mọi hoạt động bảo tồn di sản văn hoá truyền thống chỉ có thể mang lại hiệu quả và thành công khi có sự tham gia tự nguyện của người dân, thu hút và huy động tối đa mọi nguồn lực của chủ thể văn hoá.

Thời gian gần đây, các ý kiến bàn về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa truyền thống được đề cập khá nhiều trên các diễn đàn học thuật cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng. Một số nhà khoa học và quản lý cho rằng cần bảo vệ tính nguyên gốc của di sản văn hóa; số khác lại cho rằng cần phải bảo tồn theo hướng phát triển. Nhiều ý kiến bàn về vai trò của cộng đồng, vai trò của chủ thể trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Có ý kiến chống lại xu hướng “sân khấu hóa” di sản, mà yêu cầu bảo tồn di sản trong môi trường nguyên gốc của nó... Có một thực tế là di sản văn hóa rất phong phú và đa dạng, sự tồn tại và đời sống của từng di sản rất khác nhau, do vậy những nỗ lực để có một phương án duy nhất đúng trong công việc bảo tồn di sản chỉ đem lại thất bại. Các di sản khác nhau, không thể có một giải pháp bảo tồn chung, máy móc. Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản không thể tách rời các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội khác. Mặt khác, với mỗi di sản, cũng có thể đồng thời áp dụng nhiều phương án bảo tồn. Di sản thích nghi với càng nhiều hình thức sống, nhiều không gian khác nhau sẽ càng có sức sống mãnh liệt hơn trong bối cảnh ngày một biến đổi của xã hội đương đại.

Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, Công ước của UNESCO khuyến nghị, trước tiên cần tập trung kiểm kê những di sản hiện có. Khi điều kiện cho phép, chúng ta sẽ tiến hành phục hồi một số di sản đã mai một. Việc thống kê, phân loại cần thực hiện một cách có hệ thống và cụ thể. Công việc nhận dạng, xác định các hiện tượng văn hóa truyền thống đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng. Biện pháp có hiệu quả nhất là phát huy tối đa sự tham gia của chủ thể văn hóa, bởi họ là người chỉ ra cái gì là của mình, cái gì cần phải làm với di sản của họ và họ là người góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa.

Thứ hai, tiếp tục sưu tầm di sản văn hoá. Trước đây, việc ghi chép đã giúp chúng ta lưu giữ được một khối lượng di sản văn hóa truyền thống đáng kể như: văn học dân gian, di sản thơ ca, văn bia, địa chí, hương ước, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, nghề truyền thống… Với các thiết bị máy móc hiện đại như máy ảnh, máy ghi âm, máy quay, công việc sưu tầm di sản văn hóa truyền thống sẽ mang lại hiệu quả khi chúng ta huy động được nhiều thành phần tham gia như: học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa và đặc biệt là nhân dân ở các địa phương. Vấn đề quan trọng đặt ra đối với những người tham gia sưu tầm là tôn trọng khách quan, ghi chép một cách trung thực, đầy đủ, tránh sự ngụy tạo.

Thứ ba, nâng cao nhận thức và giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân. Đối với di sản văn hóa truyền thống, không nên chỉ dừng lại ở việc bảo vệ, giữ gìn mà coi việc phát huy tác dụng thực tế của các tài sản văn hóa, đặc biệt là trong nhận thức và giáo dục. Việc bảo tồn di sản văn hóa không thể chỉ đóng khung trong phạm vi bảo tàng, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ chết nếu nó không được làm sống lại trong đời sống cộng đồng của cư dân quốc gia, dân tộc đó. Chính vì thế, cần tìm mọi biện pháp để giúp nhiều người hiểu rõ hơn về tính lịch sử cũng như giá trị văn hóa của những di sản văn hóa truyền thống.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Ngoài việc phổ biến các quy định, cần thiết phải giải thích và cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định chung của Nhà nước và của các tỉnh, thành. Gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Đa dạng hóa các chương trình tuyên truyền, cần đưa vào nội dung chương trình những thông tin cụ thể, sát thực và gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân nhằm mang lại hiệu quả cao.

Thứ năm, đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Ở nhiều địa phương trên cả nước, cán bộ văn hóa cấp xã, phường là những người gần gũi với dân, nắm bắt mọi diễn biến của đời sống văn hóa cơ sở, do đó, hơn ai hết, họ là người có thể làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trên địa bàn quản lí của mình. Do gắn bó chặt chẽ với dân, nên chính họ là người có thể kịp thời phát hiện sớm nhất những sai phạm hay những biến động bất thường diễn ra trên địa bàn. Họ cũng là người có thể tham gia góp ý, phản biện các dự án bảo tồn văn hóa trên địa bàn một cách cụ thể và sát thực nhất. Do đó cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã, phường đáp ứng yêu cầu công việc bảo tồn di sản văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống chỉ có thể đạt hiệu quả cao trong sự tổ chức có hệ thống, chặt chẽ và sự phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đội ngũ cán bộ quản lí văn hóa cơ sở và sự tự nguyện tham gia của người dân.

ThS. Trung Thị Thu Thủy

Học viện Chính trị- Hành chính Khu vực III

[TT: PLN]