Quan hệ song hành giữa luật tục " Shặm nhịt hụi " với Luật hôn nhân và Gia đình của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh

09:49 01/11/2013 Lượt xem: 857 In bài viết

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo kinh tế - xã hội của huyện đã thay đổi rõ rệt. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây được cải thiện và nâng lên. Mặc dù, còn hạn chế về điều kiện vật chất so với vùng thành thị, đồng bằng của tỉnh, song nhân dân các dân tộc trong huyện vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tiến bộ của mỗi tộc người: Các làn điệu Then của người Tày đang phát triển trong học đường; trang phục của người Dao hiện được sử dụng phổ biến; Hội Soóng cọ của người Sán Chỉ và các phong tục truyền thống tốt đẹp khác vẫn đang tồn tại và phát triển...

Tộc người Sán Chỉ có số dân đứng thứ ba toàn huyện, sau tộc người Tày và tộc người Dao. Họ có một số phong tục tập quán đặc sắc, trong đó có tập quán tổ chức “shặm nhịt hụi”- Hội Soóng cọ vào ngày 16/3 (Âm lịch) hàng năm. Gọi là ngày Hội Soóng cọ vì trong ngày đó, người ta giao lưu với nhau chủ yếu bằng cách thức “sóong cọ”. “Soóng cọ” theo tiếng Sán Chỉ nghĩa là “xướng ca”, “hát đối”, “hát giao duyên”. Khác với các kiểu hát đối, hát giao duyên của các tộc người khác, Soóng cọ của tộc người Sán Chỉ ở Bình Liêu có những đặc điểm rất đặc biệt: Hội được ấn định tổ chức vào một ngày duy nhất trong năm, ngày trăng tròn của tháng cuối xuân, khi tiết trời trở nên ấm áp, cũng là lúc nông nhàn; Hội Soóng cọ xưa chỉ dành cho người đã trưởng thành, trẻ em không được phép đến dự, bởi mục đích chính khi tổ chức là để “cải thiện tình yêu” đối với những cặp vợ chồng thiếu hạnh phúc trong cuộc sống; là ngày “hiến tế tình yêu” đối với những người yêu nhau say đắm mà không cưới được nhau...


Thuở trước, chuyện hôn nhân đôi lứa chủ yếu là do bậc sinh thành định đoạt: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, nên đã xảy ra những chuyện tình ngang trái:

“Yêu nhau không lấy được nhau/ Bây giờ cách biệt để sầu đôi nơi”. Đối với một số tộc người dân tộc thiểu số, nhiều khi cha mẹ gả bán con từ năm 12-13 tuổi, vợ thường nhiều hơn chồng năm, bảy tuổi hoặc hơn thế. Nhà trai cưới dâu về, trước là để lấy người làm việc nhà, nương rẫy, ruộng đồng, sau là sinh con đẻ cháu… Tộc người Sán Chỉ cũng chịu ảnh hưởng tập tục hôn nhân lạc hậu đó. Nhiều cặp vợ chồng ăn ở với nhau, gọi là vợ chồng nhưng không có tình yêu.

Xuất phát từ sự khát khao yêu thương trong cảnh ấy, người Sán Chỉ xưa đã tự tổ chức ra một ngày gọi là Shặm nhịt hụi- Hội Soóng cọ. Sẵn có vốn dân ca của dân tộc mình, người Sán Chỉ ứng tác thành lời ca, tiếng hát nói nên cảm xúc, tâm trạng và suy nghĩ của mình và đem hát trong ngày Hội tháng Ba để tìm người tâm đầu ý hợp kết thành tình nhân. Đến hội năm sau, họ lại gặp nhau trong ngày Hội và chỉ trong những ngày hội đó, họ mới được thoải mái hát ca, tâm tình, ở bên nhau mà không bị cười chê.

Nguyên tắc bất thành văn của "shặm nhịt hụi" là: Không cho trẻ em tham gia trong ngày hội; Để tránh kết tình với người cùng huyết thống, cùng dòng họ và tránh việc không kìm chế được cung bậc tình cảm mà phá vỡ quy định của luật tục, Shặm nhịt hụi cấm kỵ việc hát với người cùng làng, cùng bản, cùng vùng; Sau khi giã hội (Hội kết thúc), ai về nhà nấy, không được tơ vương, tự ý hẹn hò, không được can thiệp vào đời sống gia đình riêng của nhau gây mất hạnh phúc, dẫn đến tan nát, đổ vỡ gia đình của bên kia. Nếu vi phạm các nguyên tắc trên thì cả hai người (được quen thân nhau trong ngày hội đó) sẽ bị con ma làng làm hại, bị hai họ phế truất ra khỏi dòng họ, bị cả làng, bản, xã chê cười... Bản chất của “Shặm nhịt hụi” và luật tục của “shặm nhịt hụi” xưa là thế. Nó cho phép những người đã có vợ hoặc có chồng có một ngày 16/3 âm lịch để thực hiện ý nguyện “ngoài vợ, ngoài chồng” với người mình yêu thích. Song, các chủ thể trong quan hệ hôn nhân đó không được phép quên gia đình hợp pháp của mình để sống chung như vợ chồng với người khác. Đó là điểm tiến bộ của luật tục “shặm nhịt hụi”. Nó giải phóng những tâm hồn cô quạnh bị trói buộc hoặc làm tươi mới những tâm hồn khô héo của một bộ phận đồng bào về dự Hội mà vì lý do nào đó không được toại ý trong hôn nhân. Bên cạnh đó, kiềm chế những cung bậc tình cảm và hành vi đi quá giới hạn quy định của luật tục. Nếu phát huy điểm tiến bộ đó, Shặm nhịt hụi thực sự đồng hành cùng pháp luật về Hôn nhân và gia đình hiện hành. Và thực tế, hàng trăm năm qua, nó đã tồn tại song hành cùng luật pháp về hôn nhân và gia đình ở nước ta.


Tuy nhiên, hiện nay, luật tục trên đang có nhiều ý kiến khác nhau. Khi xã hội tồn tại song song hai thể chế là Nhà nước và cộng đồng làng bản thì đồng nghĩa với việc chấp thuận sự tồn tại song hành luật pháp và luật tục. Cả hai cùng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Song, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. nên nếu luật tục trái với pháp luật thì luật tục đó sẽ bị luật pháp điều chỉnh để các quan hệ xã hội đi trong hành lang pháp luật của Nhà nước.

Với luật tục trên của người Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu, nếu được thực hiện ở những năm thuộc thập kỷ 80-90 thế kỷ XX trở về trước thì có thể nhận định hoàn toàn đảm bảo đúng các nguyên tắc của luật tục truyền thống và không vi phạm luật pháp... Nhưng gần đây, khi xã hội phát triển, có thể sẽ có những hiện tượng trá hình, biến tướng của hình thức sinh hoạt cộng đồng này, luật tục này có thể bị lạm dụng dẫn đến hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành.

Từ vấn đề trên, hiện nay, chính quyền, đoàn thể và nhân dân huyện Bình Liêu đã tổ chức và quản lý Shặm nhịt hụi theo mô hình văn hoá vừa mang tính truyền thống, vừa có tính hiện đại. Shặm nhịt hụi vẫn mang sắc thái của ngày hội hát đối giao duyên, tâm tình của các đôi trai gái, nhưng chủ yếu là của các đôi nam thanh, nữ tú chưa vợ, chưa chồng tìm hiểu nhau để đi đến hôn nhân. Chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức thi hát đối giữa các cặp đôi đã có gia đình ở các lứa tuổi, lồng ghép vào đó là thi biểu diễn các tiết mục văn nghệ, thể thao truyền thống như: Đánh quay, ném còn, đẩy gậy, chạy vượt đồi, đi cà kheo, bắn nỏ; thi gói bánh của dân tộc mình; thi xay thóc, nấu cơm, thổi xôi… nhằm lưu truyền và quảng bá văn hóa của tộc người Sán Chỉ trên địa bàn huyện. Thiết nghĩ, đây là cách làm hay, đảm bảo cho luật tục và luật pháp tiếp tục cùng tồn tại song hành trong Shặm nhịt hụi của đồng bào Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Ân Thị Thìn- Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh

[TT: PLN]