Nơi tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số

03:14 13/06/2014 Lượt xem: 1138 In bài viết

Cô giáo Lương Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường mang tên một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài văn thơ của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam - Bắc triều, cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Noi gương nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm, các thầy cô giáo trong trường luôn tu dưỡng, phấn đấu, giảng dạy sinh động, có giáo cụ trực quan để học sinh dễ đọc, dễ nhớ. Học sinh là người dân tộc nên thầy cô vừa dạy, vừa dỗ; hướng dẫn các em cả cách học, cách nói, kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử. Khi trực đêm, thầy cô như cha mẹ, có thầy cô vừa chăm sóc con ốm ở nhà, vừa chăm sóc học sinh ốm ở trường. Sự tận tâm của thầy cô giáo trong trường tạo sự tin cậy của cha mẹ học sinh.

Năm 1995, trường được thành lập với tên gọi là Trường Dân tộc Nội trú huyện Võ Nhai. Đến năm 1997 được nâng cấp thành trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên, với 25 cán bộ giáo viên, 5 lớp, 150 học sinh từ khối 6 đến khối 9. Từ năm 2007 trường đổi tên thành trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm và đạt chuẩn quốc gia tháng 11/2009. Quy mô hiện nay của nhà trường gồm 8 lớp, 267 học sinh, thuộc các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên và Thị xã Sông Công. Tổng số 41 cán bộ, giáo viên công nhân viên, được biên chế theo 3 tổ: Tổ Khoa học tự nhiên; Tổ Khoa học xã hội và Tổ Hành chính. Qua 17 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường thực sự là địa chỉ tin cậy của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cùng với việc giảng dạy theo chương trình phổ thông của Quốc gia, nhà trường đảm nhận việc nuôi dưỡng học sinh theo tiêu chuẩn chế độ đài thọ của Nhà nước, vì vậy những hoạt động được nhà trường luôn đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện đồng thời với việc dạy văn hoá là: hoạt động tập thể ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá, giao lưu, thực tế, hoạt động xã hội, văn nghệ - thể thao, các trò chơi dân gian... đã góp phần tạo sự hoàn thiện về nhân cách lứa tuổi học sinh trung học cơ sở của nhà trường. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt - Nuôi dưỡng tốt”, “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được duy trì trong cán bộ giáo viên và học sinh. Trường phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc, nâng cao tính tự giác, phát huy được sở trường, khả năng của mỗi cá nhân đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo độc lập và tạo hứng thú trong học tập, rèn luyện đạo đức học sinh. Tích cực sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và tham gia các cuộc thi do các cấp tổ chức. Đến nay, tất cả đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường đạt chuẩn và trên chuẩn, từ đó thu hút ngày càng nhiều học sinh tới trường, nếu năm học 1997 Trường có 150 học sinh thì đến nay có 267 học sinh; năm học 2012 - 2013 tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 74%, tỷ lệ học sinh hạnh kiểm khá, tốt đạt hơn 99%. Nhà trường tổ chức các chuyên đề giáo dục và khuyến khích cán bộ, giáo viên, công nhân viên viết sáng kiến kinh nghiệm và các đề tài nghiên cứu về công tác giảng dạy, nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe học sinh từ đó khích lệ được cán bộ, giáo viên, công nhân viên chú trọng và nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ năm học. Tính riêng năm học 2012 - 2013 đã có 12 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm, được áp dụng thực tế tại đơn vị và đạt kết quả tốt. 100% giáo viên thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, khách quan, công bằng; các đợt thi đua đều có đánh giá sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời. Nhà trường luôn giữ vững danh hiệu cơ quan văn hóa trong nhiều năm; 100% số gia đình cán bộ, giáo viên đạt gia đình văn hoá hàng năm. Do tổ chức tốt công tác thi đua khen thưởng nên đã góp phần khích lệ cán bộ giáo viên, học sinh lập được nhiều thành tích, từ đó nâng vị thế của nhà trường. Công đoàn kết hợp với nhà trường thường xuyên quan tâm đến đời sống của cán bộ giáo viên, động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần, giúp anh chị em an tâm công tác với chất lượng hiệu quả cao. Tổ chức cho các em học sinh tăng gia cải thiện, gây quỹ lớp, tăng cường cung cấp nguồn rau sạch cho bếp ăn của trường, năm học 2012-2013 thu hoạch được hơn 17 tạ rau xanh các loại. Tổ chức tốt đời sống nội trú cho học sinh, đảm bảo đủ định lượng bữa ăn, đúng tiêu chuẩn quy định, thường xuyên cải tiến, thay đổi món ăn cho học sinh. Các hoạt động kiểm tra, chăm sóc sức khỏe được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và kịp thời do đó học sinh đảm bảo sức khỏe để học tập. Các thế hệ học sinh được nuôi dạy, học tập từ mái trường Dân tộc Nội trú này, các em đã trở thành những cán bộ, chiến sỹ đang phục vụ quê hương và ở muôn phương của đất nước trên tất cả các mặt trận, đó là những phần thưởng quý giá, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với đội ngũ của những người làm nhiệm vụ “Nuôi - Trồng - Chăm sóc - Bảo vệ” lớp tuổi khăn hồng ở ngôi trường đặc thù này. Nhiều năm là học sinh giỏi, em Hoàng Thị Kiều, dân tộc Nùng, lớp 8A, tâm sự: “Kinh nghiệm của em là trong lớp chăm chú nghe giảng, dành nhiều thời gian học; mượn nhiều sách ở thư viện đọc và luôn phấn đấu để ngày một tiến bộ”.

Trường liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, năm học 2004-2005 và 2007 - 2008, nhà trường vinh dự được đón nhận bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo; năm học 2008 - 2009 được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm học 2010 - 2011, được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; năm 2011-2012 đón nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2012-2013 đón nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Những thành tích đó là cơ sở và nền tảng để thầy cô giáo nhà trường tiếp tục thi đua phấn đấu vươn lên về mọi mặt để trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân trên địa bàn.

Mạnh Cường

Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014

[TT: PLN]