Người Mông bản Cát Cát làm du lịch
04:16 16/06/2014 Lượt xem: 1065 In bài viếtBản Cát Cát cách trung tâm huyện lỵ khoảng 3km, là điểm du lịch cộng đồng "vệ tinh" của khu du lịch, nghỉ mát nổi tiếng Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Bản có gần 80 hộ, 100% là người dân tộc Mông. Thế mạnh của bản là có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, với điểm nhấn là Thác Cát Cát và cầu Si bắc qua nơi hội tụ của 3 con suối: Tiên Sa, suối Vàng, suối Bạc. Người dân thành thục nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, rèn dụng cụ và đang bảo lưu khá tốt bản sắc văn hoá dân tộc trong cuộc sống, lao động, sản xuất thường ngày. Từ khi triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng (năm 2005), Cát Cát có gần 30% số dân tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch như: bán hàng, hướng dẫn khách tham quan… Toàn xã có trên 50 hộ kinh doanh sản phẩm dệt thổ cẩm, hàng lưu niệm chạm khắc bạc, đá tinh xảo. Đến với Cát Cát, du khách có thể trải nghiệm các sản phẩm du lịch: “Một ngày làm nông dân người Mông”, “Một ngày làm cô dâu người Mông”; thưởng thức văn nghệ với các tiết mục đặc sắc: Múa giã lanh, múa chiêng, múa sàng sảy… của người Mông… Nếu đến bản vào những ngày xuân, du khách còn có dịp tham gia lễ hội Gầu Tào cầu phúc, cầu mệnh cho dân bản.
Lào Cai hiện có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đang trong quá trình làm hồ sơ xin xếp hạng. Quan điểm của tỉnh đó là chính lợi thế, tiềm năng du lịch và cần "biến di sản thành tài sản". Cách phát huy vai trò của người dân tham gia làm du lịch và bảo tồn văn hóa dân tộc như bản Cát Cát là một mô hình tốt để nhân rộng trong bối cảnh mối quan hệ giữa di sản văn hóa và du lịch ngày càng bền chặt. Di sản văn hóa là nguồn lực cho du lịch cộng đồng phát triển. Ngược lại, du lịch phát triển càng khuyến khích người dân bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hải Minh - Hoàng Thu
Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014
[TT: PLN]
Tin khác