Lễ hội Căm Mương của người Lào ở Núa Ngam

03:16 13/06/2014 Lượt xem: 1320 In bài viết

“Căm Mương” theo tiếng Lào nghĩa là kiêng bản, kiêng mường (cấm mường). Căm Mương cũng là tết năm mới của người Lào tính theo Phật lịch từ 15/3 đến 20/3 âm lịch, cũng là lúc chuẩn bị bước sang một mùa vụ mới. Đây là dịp con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, những người đã khuất, các thần linh đã phù hộ cho con người, gia súc, mùa màng năm qua tươi tốt và tiếp tục phù hộ cho năm tới. Đây cũng là dịp để cộng đồng vui chơi, giải trí sau một năm lao động vất vả, để gia đình sum họp và mỗi cá nhân tự nhìn lại mình trong năm qua.

Núa Ngam vốn là vùng đất người Khơ Mú đã sinh sống và khai hoang các cánh đồng, nương rẫy ở đây. Để tránh sự giết hại của “phỉ Thái Trắng”, những người Khơ Mú còn sống đã di cư để lánh nạn và không quay lại nữa. Do vậy, khi đến đây, người Lào phải cúng ma cai quản cả vùng, những vong hồn của chủ đất cũ - tổ tiên của người Khơ Mú. Theo đó, lễ hội Căm Mương cổ truyền cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.

Căm Mương diễn ra từ ngày 13/3 Âm lịch, mỗi nhà cử một người lên khu rừng thiêng để sửa sang lại miếu thờ (lông sân). Đàn ông vào rừng săn thú, phụ nữ, trẻ em, người già ra suối bắt cá để tích trữ lương thực dùng trong những ngày lễ, vì những ngày này họ phải kiêng sát sinh, lao động, săn bắt, hái lượm. Các hoạt động nhằm đánh thức và báo với các vị thần linh ngày hôm sau bản sẽ tổ chức lễ Căm Mương, mời các thần về hưởng lễ. Để lễ hội diễn ra trang nghiêm, đúng luật thì chảu sửa (người cao tuổi, có uy tín), chảu chẳm (thầy cúng), trưởng các dòng họ trong thôn bản sẽ họp để bàn, thống nhất và đưa ra các khoản chi mà từng gia đình phải đóng góp cho lễ hội, phân công người chịu trách nhiệm chuẩn bị lễ vật, người giúp việc cho thầy cúng, người bê lễ vật lên miếu thờ…

Khi làm lễ Căm Mương, họ phải cúng áo một người cao tuổi (chảu sửa) của một dòng họ phìa tạo trước đây (có thể là phìa tạo người Thái hoặc của người Lào). Khác với người Thái, Chảu sửa của người Lào không trực tiếp cúng lễ mà có người thuộc dòng họ khác giúp việc chuẩn bị và tế lễ gọi là “chảu chẳm” (thầy cúng). Thầy cúng được coi là “thông ngôn”, “phiên dịch” giữa con người với thần linh, đồng thời cũng là người đại diện cho cộng đồng trong buổi lễ. Vì vậy, thần linh có thấu đạt và chấp nhận lời cầu xin của con người hay không phụ thuộc rất nhiều vào tài năng và tư cách của thầy cúng. Chảu chẳm được lựa chọn rất kĩ, phải là người am tường các bài cúng, hiểu biết, tốt bụng, con cái đầy nhà, vợ chồng yên ấm… Khi hành lễ lên khu rừng thiêng, chảu chẳm là người dẫn đầu đoàn người bê đồ lễ và phải được che ô. Che ô mang ý nghĩa che sương, che gió, tà ma cho cả bản để cả năm mọi người đều khoẻ mạnh, không ốm đau bệnh tật… Nghi lễ cúng tế bắt đầu vào 13h chiều ngày 15/3 Âm lịch hàng năm. Chảu sửa, chảu chẳm cùng với những người giúp việc mang đồ lễ lên lông sân, theo sau họ là một số người khiêng chiêng, trống vừa đi vừa đánh từ nhà chảu sửa lên đến nơi thờ cúng. Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chảu chẳm khấn: “Mời thần cai quản bản mường, thần bảo trợ vùng, thần sông, thần suối, thần rừng, những người đã mất, những linh hồn cù bất cù bơ không nơi nương tựa… về chứng kiến và hưởng lễ vật mà dân bản dâng lên, nếu tất cả đã tụ tập về đầy đủ thì hãy cho hai mảnh gỗ tung lên, rơi xuống một nửa úp một nửa ngửa”. Khi các thần linh đã hội tụ đầy đủ, mọi người bày và đặt mâm lễ vào nơi cúng. Chảu chẳm đốt hai ngọn nến sáp ong gắn lên bệ cúng to nhất (pan luông) và cúng. Trước khi cúng chính thức, chảu chẳm sẽ phai lảu (mời rượu) các thần linh, tổ tiên rồi mới đến bên mâm lễ to nhất để cúng mời tất cả các thần đến hưởng lễ. Bài cúng gồm bốn phần với nội dung mời các vị thần linh cai quản, những người đã hi sinh để bảo vệ cuộc sống cho bản về dự hội. Vào năm mổ bò, thầy cúng mời rượu bảy lần, năm cúng lợn thì chỉ mời năm lần. Trên lông sân, người Lào tổ chức các nghi lễ: Lễ tạ ơn - nghi lễ chính của Căm mương với vật hiến tế là bò (hoặc lợn) để dâng lên người có công sáng lập nên bản (Xen Kẻo, Xen Cang - người Khơ mú), tổ tiên, ông bà, những người đã mất, thần cai quản và giữ bình yên cho bản làng; trong lễ tạ ơn cũng có một phần của lễ cầu an. Lễ vật là mâm cúng thứ hai, sau pan luông. Đây là mâm cúng các thần cai quản bản làng, thổ địa, các linh hồn không nơi nương tựa, các ma lành… để cầu mong sự bình yên, che chở của các thần cho dân bản được khoẻ mạnh, không ốm đau, các ma xấu, linh hồn không nơi nương tựa không về làm hại người sống. Cúng xong, mọi người lạy tạ ơn thần linh dưới sự điều khiển của Chảu chẳm. Sau đó Chảu chẳm, Chảu sửa cùng mọi người ăn uống no say tại lông sân để cầu mong một năm mới no đủ, hạnh phúc.

Kết thúc buổi lễ, những người khiêng và đánh chiêng, trống đi trước để rước thần về chung vui, kiêng khem với dân bản tại nhà Chảu sửa. Khi chiêng trống treo ở xà nhà Chảu sửa là lúc cả bản bắt đầu kiêng cữ. Mọi người sẽ thay phiên nhau đánh chiêng, trống hết ngày lễ. Ngoài các nghi lễ trên, diễn ra đồng thời với lễ cầu mưa (ý lúm, ý lang) do phụ nữ thực hiện.

Khi nam giới bê lễ vật lên lông sân thì một nhóm phụ nữ do một người lớn tuổi có uy tín trong bản dẫn đầu sẽ đến từng nhà để xin đồ lễ. Khi đến mỗi nhà, họ cùng nhau đứng dưới sàn nhà và hát:

“ý lúm ơi ý lang/Xin nước mưa cho ruộng mạ/Xin nước mưa cho nương cạn/Con ruồi chết vì ngột ngạt/Lúa ở nương chết cháy/Lúa ở ruộng chết khô/Men gác bếp ám khói/Mưa xuống đi/Mưa to bằng hạt mít/Mọi suối đều lũ đen/Mọi khe đều lũ đỏ/Ăn cơm xong là mưa đến ngay”.

Họ tin làm như vậy khiến cho thần mưa tỉnh giấc, thấy nỗi thống khổ của người dân khi bị hạn hán và năm đó thần sẽ làm mưa nhiều hơn. Hình thức cầu mưa của người Lào rất đơn giản, không có cúng tế, lễ vật nhưng thể hiện được ước vọng, niềm tin của người dân vào các thế lực siêu nhiên, mong mùa màng bội thu, sông suối nhiều nước… Đoàn người đến nhà nào, nhà ấy phải chuẩn bị trước một chậu nước, bánh chưng hoặc gói cơm, thịt để đưa cho đoàn. Họ té nước xuống đoàn người đi xin lễ để ban phát lộc, thay trời làm mưa. Họ quan niệm ai càng ướt nhiều thì chứng tỏ năm đó lộc sẽ đến nhiều và cả năm không bị ốm đau, bệnh tật.

Ước nguyện của người dân không chỉ ở các nghi lễ mà còn được thể hiện thông qua các trò chơi dân gian, câu hát, điệu múa… Hát dân ca luôn được thanh niên hưởng ứng nhiệt tình. Ngày thứ hai của lễ (16.3 AL), từ tối đến gà gáy sáng, họ tập trung đến nhà chảu sửa ăn uống và hát giao duyên. Hát giao duyên được chia thành hai đội một bên nam, một bên nữ, mỗi bên sẽ cử một người ra hát và đối đáp lại, nếu thấy mình không thể trả lời được câu đố của đối phương thì người khác trong đội đối lại cho đến khi tan cuộc. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên qua những đêm hát giao duyên đó. Nếu thanh niên nam nữ hát giao duyên với nhau, thì tầng lớp trung niên, người già hát chúc mừng nhau một năm qua mùa màng bội thu và cầu chúc cho năm tới mọi người đều mạnh khỏe, được nhiều thóc lúa... Múa là phần không thể thiếu trong lễ hội, chủ yếu là điệu múa truyền thống của người Lào ở “đất nước triệu voi” mà họ mang theo khi di cư. Sau khi đủ ba người đánh trống, đánh chiêng, đánh ché, một số người gõ ống nứa… tất cả những người còn lại sẽ nhảy múa theo nhịp chiêng, trống, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người chia từng đôi cùng múa điệu “lăm vông”. Các trò chơi dân gian được tổ chức vào ngày thứ 3 (ngày 17/3 âm lịch). Lễ Căm Mương của người Lào ở Núa Ngam thường diễn ra nhiều trò chơi dân gian thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân, như trò mác ý tò (cầu mây), phăn viêng (một hình thức đấu võ), tó lasa (rùa ấp trứng), tó má lẹ (trò chơi bằng hạt đậu rừng), tó mác sáng (chơi đánh cù/quay), Ngu kin khiết (trò chơi rắn bắt ếch), Tọt con (ném còn)… Trò chơi của người Lào không đơn thuần là giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong mùa màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Trong xu hướng giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội Căm Mương đang bị tác động mạnh. Ngoài việc giữ được những giá trị văn hoá đặc trưng, riêng biệt của dân tộc, thì lễ hội Căm Mương còn chịu ảnh hưởng văn hoá của các dân tộc khác như: múa xòe, múa sạp, ném còn (Thái), lịch tổ chức thay đổi trùng với tết Nguyên Đán của người Việt, nghi thức, lễ vật cũng biến đổi và xu hướng đơn giản hoá.

Căm Mương hiện nay không còn nhiều kiêng kỵ, ngày trước họ cấm tuyệt đối phụ nữ và trẻ em lên lông sân khi những người đàn ông chuẩn bị lễ vật, ngày nay, khi hành lễ phụ nữ cũng có thể bê khay lễ, đánh trống, múa; trẻ con cũng được lên lông sân và đợi xin lộc cùng mọi người hoặc các nghi thức, kiêng kị đối với Chảu sửa, Chảu chẳm hiện cũng đỡ khắt khe hơn. Trước đây, trong những ngày lễ hội, Chảu sửu, Chảu chẳm không được tắm (sẽ làm cạn dòng nước), Chảu chẳm không được về nhà mình, không được sang nhà người khác, nếu không ma bản, các ma khác sẽ đi cùng và làm hại đến gia đình mà Chảu sửa, Chảu chẳm đến… Nay, chảu chẳm có thể về nhà mình từ ngày mự căm tăn 16.3 (nay là mồng 2 tết) và đi chúc tết các gia đình trong bản - những hoạt động trước đây bị cấm tuyệt đối vì sợ sẽ đánh thức thần linh, sợ bị thần quở phạt. Hội ngày nay cũng không giữ được không khí như xưa, các trò chơi dân gian và những điệu hát dân ca không còn được tổ chức nữa, chỉ còn điệu múa lăm vông vẫn được duy trì nhưng cũng bị xen lẫn với múa xòe, múa sạp Thái và đôi khi còn xuất hiện cả các dòng nhạc và những vũ điệu hiện đại.

Ngày nay, tuy Căm Mương vẫn giữ được những đặc trưng truyền thống nhưng cũng bị nhiều biến đổi do các nhân tố nội-ngoại cảnh tác động và chi phối, làm mất đi nhiều giá trị văn hóa. Vì vậy, cần phải có những định hướng, giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống của người Lào sinh sống ở Việt Nam trong lễ hội Căm Mương.

ThS. Phan Thị Hiền Thu

Tạp chí Dân tộc số 161, thangs5/2014

[TT: PLN]