Truyện cổ dân gian dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

03:18 13/06/2014 Lượt xem: 6038 In bài viết

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình có dân số không nhiều, lại phân thành nhiều tộc người, trong đó có những tộc người dân số chỉ vài trăm người như A rem, Rục... sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội hết sức khó khăn. Tuy vậy, trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh với thiên nhiên, đồng bào đã sáng tạo và gìn giữ cho riêng mình nhiều giá trị văn hoá vật chất, tinh thần độc đáo, trong đó có vốn văn học dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc riêng.

Trong kho tàng văn học dân gian dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình truyện cổ có tần số xuất hiện nhiều và đóng vai trò chủ đạo; thể hiện quan niệm của con người về vũ trụ, tự nhiên, cuộc đấu tranh chống chọi với thiên nhiên, phản ánh xã hội, tâm tư khát vọng của đồng bào vươn đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, truyện cổ dân tộc thiểu số Quảng Bình còn có các nội dung nhân bản khác là răn dạy đạo đức, biểu dương tính nhân đạo, khuyến khích con người sống lương thiện, chung thuỷ, biết thương yêu kẻ yếu, người nghèo, đấu tranh với bất công tàn ác của tầng lớp thống trị, hoặc các thói hư tật xấu của con người.

Mở đầu các câu truyện cổ thường là: “Pơblời Bớn (Trời đất) sinh ra chưa có người mà chỉ có cây cối và muôn loài thú vật” (truyện Blong Mứn hoá thành người- dân tộc Chứt), “Thuở ấy, người và hoang thú đều ở chung trong một bản rừng” (Truyện Pí trỏ, pí cula - dân tộc Bru- Vân Kiều).

Tuy nhiên, các hiện tượng tự nhiên khác, được đồng bào giải thích một cách độc đáo trong nhiều truyện cổ tích thần kỳ. Đối với họ, các địa danh, các dấu vết quen thuộc trong làng bản đều có một lý do sinh thành rất cụ thể. Địa danh Eo Ông Đùng hình thành nên từ một cuộc chiến giữa một người khổng lồ (ông Đùng) với thằng Sắt (Truyện Eo ông Đùng). Núi Cu Lôông sở dĩ linh thiêng là do đã trợ giúp con người thoát hiểm trước một trận đại hồng thuỷ (Truyện Sự tích núi Cu Lôông).

Trong vốn truyện cổ có nhiều truyện kể về các loại động vật, từ các con vật hiền lành thân thuộc (con heo đực, con mèo, con chó, con tắc kè, con mang, con đađa), đến các loài thú dữ hoang dã (con hổ, con báo, con rắn độc, con bò tót, mụ cá chằn). Các truyện này có nội dung phản ánh đặc điểm các loại vật, giải thích các nghi lễ, tín ngưỡng liên quan tới con vật, thông qua các tình huống kiện cáo trời, hại người, cứu người và nhiều tình huống phong phú khác trong đời sống thường nhật đầy cam go của đồng bào.

Về nguồn gốc loài người, truyện cổ Chứt-Nguồn cho rằng do Pụt (Bụt) sinh ra như trong các truyện: “Sự tích các dân tộc”, “Một cái trứng nở ra ba anh em”, “Sự tích trận lụt lớn”, “Sự tích núi Cu Lôông”. Pụt sinh ra cái bọc có hai trứng, nở ra thành hai người, sau thành hai dân tộc: Chứt và người miền xuôi. Câu chuyện này phần sau có bóng dáng của sự tích cái bọc trăm trứng của dân tộc Việt, nhưng quy mô khiêm tốn hơn. Trong khi đó người Chứt-Nguồn xưa giải thích sự ra đời của chính mình một cách “duy vật” hơn: Người Chứt ra đời từ một loài khỉ (Blong mứn), thông qua lao động.

Tuy nhiên, trong truyện cổ dân tộc thiểu số Quảng Bình có những chi tiết khác: Mặc dù các đôi nam - nữ duy nhất còn sót lại sau các trận đại hồng thuỷ trong các truyện cổ này đều là hai anh em, nhưng tuyệt nhiên họ không lấy nhau. Cũng có một số truyện cổ khác giải thích nguồn gốc các dân tộc đi lạc khỏi mô típ quen thuộc của chính họ. Chẳng hạn truyện “Người Chứt mất chữ, mất họ” kể rằng người Chứt và người miền xuôi có được là nhờ Pụt (bụt) sinh ra hai cái trứng và nở ra họ như một tiền định. Trong khi đó, truyện Người Mày và người Nguồn con một nhà mà ra lại khẳng định một cách “duy vật” rằng họ sở dĩ trở thành hai tộc người khác nhau là do điều kiện sống tạo nên, mặc dù họ trước kia đều cùng chung cha mẹ.

Truyện cổ dân tộc thiểu số Quảng Bình còn thường lấy tính nhân đạo, hạnh phúc con người, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng làm cảm hứng sáng tạo.(như truyện: Kơi lụ ma, Niềng Phuôm hom, Anh mồ côi và người con trời, Tiền Alê Piềng riềng). Qua tâm hồn lãng mạn của các tác giả dân gian, những con người sống chung thuỷ, những tâm hồn lương thiện, cũng như những mối tình say đắm, thậm chí ngang trái đều được cộng đồng hết mực ngợi ca. Bên cạnh đó, các hành vi đi ngược lại đạo đức truyền thống của cộng đồng, sự ích kỷ, tham lam, độc ác, đều bị lên án (truyện: Rú rộc Xađie, Sự tích chim thù thì, Niềng Trê, Mụ cá chằn, Anh em con Pơblời đánh ông Chávàtồng).

Tuy nhiên, truyện cổ các dân tộc thiểu số Quảng Bình còn thiếu vắng các truyện kể về những anh hùng chinh phục tự nhiên, sáng tạo văn hóa. Tuy người Chứt có cho rằng mình từng có chữ viết từ lâu do Pụt (Bụt) ban cho, nhưng vì bảo quản không tốt nên đã bị thất truyền (truyện: người Mày mất chữ mất họ -Dân tộc Chứt ). Hoặc như truyện Người Mày và người Nguồn con một nhà mà ra có đề cập đến một cuốn “sách phép” dạy các cách phù phép thổi chữa bách bệnh do chính tổ tiên họ biên soạn, nhưng đây cũng chỉ là sự “ngụy biện” yếu ớt để giải thích sự chậm phát triển của mình so với một số dân tộc khác.

Tuy kho tàng truyện cổ dân tộc ít người Quảng Bình chưa phong phú như nhiều dân tộc thiểu số khác, nhưng nó phần nào nói lên lịch sử tộc người, khát vọng của con người muốn vươn lên chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội để giành lấy cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Đồng thời nó cũng thể hiện quan niệm của đồng bào về những phạm trù mỹ học chân, thiện, mỹ và tinh thần cao thượng. Truyện cổ dân tộc thiểu số Quảng Bình vì thế có tác dụng giáo dục sâu sắc.

Trần Hùng

Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014

[TT: PLN]