Xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Dân tộc thiểu số nhìn từ lễ hội buôn làng " Âm vang đại ngàn "
03:31 13/06/2014 Lượt xem: 1086 In bài viếtTiếp nối thành công của Ngày hội bản làng "Sắc xuân Tây Bắc" được tổ chức trong hai ngày 5 - 6/4/2014, tại thị trấn du lịch Sa Pa, tỉnh Lào Cai, được sự đồng ý của Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Tạp chí Dân tộc và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục phối hợp tổ chức Lễ hội buôn làng "Âm vang Đại ngàn" tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.
Trời Tây Nguyên những ngày cuối tháng 4 trong xanh kỳ lạ. Mặt trời hào phóng trải nắng vàng óng như mật ong khắp các ngõ ngách vùng cao nguyên. Đất bazan sẫm màu đỏ nâu hòa cùng màu xanh ngút ngàn, mướt mắt của cà phê, hồ tiêu. Đến với Tây Nguyên thời điểm này có chút nuối tiếc không còn được chiêm ngưỡng hoa cà phê nở trắng buôn làng, nhưng du khách lại có cơ hội được trải nghiệm một thú vị khác. Dọc các tuyến Quốc lộ, những đàn bướm hàng trăm, hàng nghìn con lưu luyến chút hương hoa cà phê còn sót lại, rợp trời bay lượn tạo nên khung cảnh độc đáo. Lê Tuyết - cây văn nghệ của Tạp chí Dân tộc và Nguyễn Mỹ Hạnh - giọng ca chủ lực của Phòng Truyền thông (Viettel) rủ nhau cùng song ca những ca khúc hay nhất về Tây Nguyên. Không hiểu hai bạn trẻ thế hệ 8X ấy học từ lúc nào mà thuộc nhiều bài hát về Tây Nguyên thế. Đi giữa đất trời, trong cái nắng, cái gió cao nguyên, nghe những bài hát trữ tình về Tây Nguyên bỗng thấy mảnh đất này lạ mà quen và đáng yêu một cách kỳ lạ…
Lễ hội được tổ chức mừng kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 và các ngày lễ lớn: Quốc tế Lao động (1/5), 68 năm ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc (3/5), 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5); là dịp để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; về cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tạo ra sân chơi lớn để đồng bào các dân tộc sinh sống tại khu vực Tây Nguyên giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, tiềm năng du lịch; khám phá và trải nghiệm những dịch vụ tiện ích của Viettel phục vụ cho cuộc sống của đồng bào.
5 tỉnh Tây Nguyên có trên 20 dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi tộc người lại chia thành nhiều chi, nhánh khác nhau. Với sự đa dạng về thành phần dân tộc, Tây Nguyên tự bản thân đã là kho văn hóa dân tộc đặc sắc, phong phú - một vùng văn hóa hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ sở của nền văn minh nương rẫy, khác cơ bản văn minh lúa nước ở vùng đồng bằng. Văn hoá Tây Nguyên bởi thế mang đặc điểm phóng khoáng, tự do, nồng hậu, giàu tình yêu thương.
Hội tụ, tôn vinh và tỏa sáng bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên là ý tưởng cũng như quyết tâm của Ban Tổ chức, bởi bản sắc văn hoá dân tộc là những yếu tố độc đáo, đặc sắc của một nền văn hóa, biểu hiện đặc tính dân tộc, cốt cách dân tộc, tạo nên sức mạnh cố kết, duy trì và phát triển đời sống của dân tộc ta nói chung, các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng. Trên quan điểm đó, Ban Tổ chức đã công phu nghiên cứu, thiết kế chương trình hoành tráng với nhiều hoạt động phong phú gắn với cuộc sống lao động, sản xuất thường ngày của đồng bào: Thi trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số; thi ẩm thực dân tộc; thi đấu các môn thể thao dân tộc: giã gạo, lấy nước về buôn làng, kéo co… vô cùng sôi động và hấp dẫn, được các đoàn nghệ thuật và du khách hoan nghênh, tán thưởng.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, Đại úy Phạm Thị Thanh Vân chia sẻ: “Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc riêng. Tổ chức Lễ hội là dịp để Viettel tìm thấy chất liệu từ cuộc sống, để vừa cho ra đời những sản phẩm viễn thông phù hợp, vừa tạo cơ hội giúp đồng bào được trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa độc đáo, quý báu trong lao động, sản xuất mà thường ngày bà con không để ý”.
Thành ý của Ban Tổ chức, mong muốn được phô diễn nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào và nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của du khách cùng gặp nhau nên điểm nhấn của lễ hội là đêm biểu diễn chương trình nghệ thuật dân tộc kết hợp ca múa nhạc hiện đại với sự hiện diện của các MC nổi tiếng: Thanh Bạch, Nguyên Khang, ca sĩ Tuấn Hưng, Thu Thủy đã hấp dẫn hàng nghìn người tham gia. Cơn dông lớn chợt ập tới, kéo dài hàng tiếng đồng hồ càng khiến không khí trên Quảng trường 10/3 thêm náo nhiệt. Hàng nghìn khán giả vừa vui sướng đón mưa (Đã mấy tháng qua, Tây Nguyên chưa có mưa) vừa nồng nhiệt cổ vũ cho các nghệ sĩ dân gian đến từ các đoàn nghệ thuật của 5 tỉnh Tây Nguyên và các vị khách mời.
Sự hào hứng của các nghệ nhân, nghệ sĩ và du khách cho thấy, Lễ hội “Âm vang Đại ngàn” đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nhà báo Nguyễn Quang Hải - Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc, ông Trần Hiếu - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Ban Dân tộc, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch 5 tỉnh Tây Nguyên đồng quan điểm cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn thì phương thức xã hội hóa (Viettel tài trợ toàn bộ kinh phí tổ chức Lễ hội) hoàn toàn phù hợp với Điều 60, Hiến pháp sửa đổi năm 2013, trong đó quy định: "Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại" cũng như quy định trong Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020: "Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thông tin", tạo thêm một cơ hội để các địa phương giới thiệu, quảng bá sâu rộng bản sắc văn hóa dân tộc, tiềm năng du lịch vùng. Ý tưởng tổ chức và và thực tế đã tổ chức thành công Lễ hội “Âm vang Đại ngàn” góp phần nhân lên niềm tự hào cũng như ý thức trách nhiệm phải gìn giữ về bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo trong đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên; tạo được tiếng vang về ý nghĩa chính trị, xã hội, văn hóa của một sự kiện cấp vùng; tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước và khẳng định sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng toàn xã hội đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng trong quá trình hội nhập đi lên cùng đất nước; hội tụ, tôn vinh, tỏa sáng các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Khi niềm tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc được phát huy; tinh thần cố kết cộng đồng, đại đoàn kết dân tộc được tăng cường thì đó sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn để Tây Nguyên vững bước đi lên trong quá trình hội nhập và phát triển...
Từ thành công của Lễ hội, mong rằng không chỉ Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel mà ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay cùng Nhà nước bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số nước ta nói chung, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Những ngày tham dự Lễ hội, chúng tôi được chứng kiến
nét hồn nhiên, duyên dáng cùng bao ánh mắt hân hoan, nụ cười sảng khoái, giọng
nói hào sảng, tư chất dũng mãnh, phóng khoáng, chân thật của đồng bào các dân
tộc thiểu số Tây Nguyên. Tất cả tạo nên một "nỗi nhớ không mang tên không mang
tên người ơi"... như lời bài hát "Còn yêu nhau thì về Buôn Ma Thuột" của Nhạc sĩ
Nguyễn Cường.
Mãi rạng ngời vẻ đẹp đất và người Tây Nguyên…
Phương Liên- Minh Giang
Tạp chí Dân tộc số 161, tháng 5/2014
[TT: PLN]