Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc qua 5 năm thực hiện "ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam"

09:29 06/11/2014 Lượt xem: 1105 In bài viết

Thực hiện Quyết định số 1688/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Chương trình Khung các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, 5 năm qua, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ở cấp Trung ương, thông qua các chương trình ký kết, giao ước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đoàn thể đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng đông đảo các báo, tạp chí, các kênh thông tin đại chúng tham gia tuyên truyền về công tác dân tộc, về nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 Tại địa phương, công tác tuyên truyền được tiến hành sâu rộng thông qua cổ động, biên soạn, dịch tin bài, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích… để đồng bào hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và tích cực hưởng ứng các hoạt động trên địa bàn; mở các chuyên mục quảng bá về Ngày Văn hóa các dân tộc trên Website, tạp chí du lịch của địa phương, cấp miễn phí báo và tạp chí cho đồng bào (trung bình gần 1.000 bản cho mỗi huyện). Các địa phương còn chỉ đạo đội chiếu bóng lưu động, các nhà hát, đoàn nghệ thuật, trung tâm phát hành phim tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào (trung bình mỗi năm trên 600 buổi) đạt kết quả cao trong việc lồng ghép tuyên truyền về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Xác định Ngày Văn hóa các dân tộc là dịp để các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc nhìn lại những kết quả đạt được và kiểm điểm những phần việc còn khiếm khuyết, cần phải khắc phục để thực hiện tốt chính sách dân tộc, đặc biệt là các chính sách đối với dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những năm qua, các Bộ, ngành Trung ương đã triển khai nhiều chương trình phối hợp, chủ động chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo ngành dọc xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ cụ thể; xây dựng và trình Chính phủ các dự án, đề án liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số (mới nhất là Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015); mở các lớp tập huấn cho cộng tác viên, phóng viên những nội dung mới về văn hóa dân tộc; Đề án bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội đối với 4 dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ và Đề án hỗ trợ các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; xây dựng các dự án mà đối tượng hưởng lợi chính là người dân, như: Dự án với những dân tộc có số dân dưới 5.000 người, tập trung vào các hoạt động: mở lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể, hỗ trợ bảo tồn lễ hội truyền thống; phê duyệt Đề án đưa các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020…

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Định kỳ hàng năm tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa vùng, miền, dân tộc, tạo điều kiện tăng cường giao lưu văn hóa, qua đó có những biện pháp phù hợp hạn chế những tác động xấu của văn hóa ngoại lai, kết hợp với tổ chức, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống mang tính tiêu biểu của các dân tộc.

Tại cơ sở, hoạt động hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc tập trung chủ yếu vào mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc, sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa (qua công tác sưu tầm có thể khẳng định vốn di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số còn được lưu giữ trong đời sống rất phong phú về tín ngưỡng, dân ca, trò diễn, lễ hội…). Đáng ghi nhận là các hoạt động, sự kiện trong chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam của địa phương, đơn vị đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia, đồng bào là đối tượng trực tiếp thụ hưởng đồng thời là chủ thể của các hoạt động này nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nêu.

 Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xác định là một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, nơi tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em giới thiệu với nhân dân trong nước và du khách quốc tế, là ngôi nhà chung nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào 54 dân tộc Việt Nam, là địa điểm tổ chức các hoạt động chính mang quy mô quốc gia của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 Từ năm 2011, tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức thành công các hoạt động: Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ I, Festival thanh niên các dân tộc Việt Nam; Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật “Sức trẻ con Lạc, cháu Hồng hôm nay”, Liên hoan ẩm thực và trò chơi, thể thao dân gian, trưng bày không gian văn hóa tại Khu các làng dân tộc, trình diễn trò chơi dân gian, thể thao giải trí, triển lãm làng nghề dân gian truyền thống; Hội thảo “Tuổi trẻ 54 dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam”…

Phát huy kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng đến cơ sở, tập trung vào tổ chức cuộc thi, các buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa, kinh tế, an ninh quốc phòng cho mọi đối tượng; tăng cường phục vụ lưu động tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; xuất bản sách song ngữ bằng tiếng Kinh - tiếng dân tộc nhằm làm phong phú thư viện công cộng và tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở; tăng cường các chương trình bằng tiếng dân tộc gắn với chủ đề của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nét đặc sắc của các dân tộc Việt Nam và các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước… Đối với các địa phương, tổ chức hoạt động thiết thực ở cơ sở, tại các thôn, bản, ấp gắn tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau tiến bộ trong mọi mặt, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa.

Hoàng Phương