Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống vùng đồng bào dân tộc Hà Giang
02:36 11/03/2013 Lượt xem: 331 In bài viếtHà Giang, vùng đất địa đầu biên cương cực Bắc của Tổ quốc, nơi 22 dân tộc cùng đoàn kết chung sống. Diện tích tự nhiên của tỉnh tương đối rộng, trên 7.914 km2 nhưng chủ yếu là núi đá, địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thiếu chất đốt, thiếu đất, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... là những khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với 87% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Từ khi có Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi” và đặc biệt khi Nghị Quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc được ban hành, Đảng bộ tỉnh Hà Giang càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân tộc.
Để cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc, Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề: Về tăng cường cán bộ xuống cơ sở, gắn với phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các ngành phụ trách, giúp đỡ, đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số tham mưu xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xoá đói giảm nghèo; Chính sách “hạ sơn” cho đồng bào ở 4 huyện vùng cao núi đá xuống vùng thấp xây dựng kinh tế mới; Hỗ trợ người nghèo xoá nhà tạm, với chương trình “Mái nhà, bể nước, con bò”, từ đó hàng vạn ngôi nhà tạm được xoá và xây dựng mới, hàng vạn con trâu, bò, dê được cán bộ, đảng viên, các nhà hảo tâm quyên góp tặng cho các hộ nghèo; Nghị quyết về đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, xoá thôn bản trắng đảng viên, xây dựng chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh, thực hiện công cuộc đổi mới, xóa đói giảm nghèo; Vận động nhân dân không trồng, không hút, không buôn bán tàng trữ thuốc phiện, xoá bỏ hủ tục lạc hậu phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đồng thời, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23, 24 của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới phù hợp với đặc thù địa phương; chỉ đạo kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Nhiều dự án đặc thù dành riêng để phát triển một số dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Các dự án, đề án về bảo vệ và phát triển rừng; giải quyết chất đốt; xây dựng hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc... được thực hiện có hiệu quả, giải quyết một phần khó khăn cho đồng bào và gắn với giảm nghèo bền vững.
Cùng với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, Hà Giang đã và đang quan tâm làm tốt công tác xây dựng, vận động và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đã chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát, lập danh sách đưa trên 600 người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số vào diện vận động, tranh thủ; định kỳ hằng năm, tỉnh chỉ đạo các huyện ủy, thành uỷ tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến biểu dương những người có uy tín tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ đạo xây dựng, nhân rộng và phát triển mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” nhằm phát huy, duy trì bảo tồn, lưu giữ vốn văn hoá vật thể, phi vật thể và văn hoá tín ngưỡng, các phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đồng thời tập hợp những người có tài năng, sáng tạo, có công gìn giữ, truyền dạy những giá trị văn hoá dân gian của các dân tộc cho thế hệ sau. Mở các lớp dạy chữ và tiếng dân tộc cho cán bộ, đảng viên…
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc, miền núi và đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần tạo nên diện mạo mới, nhất là về kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường học, trạm xá, nhà văn hoá, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình, trụ sở...) được xây dựng khang trang, kinh tế của tỉnh từng bước tăng trưởng, đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,42% so với năm 2010, còn 35,38%, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được giữ vững, hệ thống chính trị cơ sở, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số được củng cố và tăng cường.
Hà Giang trở thành một trong những điển hình thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc gắn với xoá đói giảm nghèo, xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất trên cao nguyên đá, khai thác, phát triển ruộng bậc thang, xoá nhà tạm, xã hội hoá giáo dục đối với loại hình trường, lớp học nội trú dân nuôi... được Chính phủ ghi nhận, tặng Bằng khen.
Những kết quả trên khẳng định chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng đã đi vào cuộc sống vùng đồng bào các dân tộc Hà Giang. Phát huy những thành tích đã đạt được, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra: 4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm, với khẩu hiệu hành động: “Quyết tâm không cam chịu đói nghèo; biến khó khăn thành cơ hội phát triển; vì Hà Giang phát triển, hãy làm việc nhiều hơn, tốt hơn, hiệu qủa hơn” nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc.
Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác dân tộc còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề giảm nghèo nhanh và bền vững; nhận thức của đồng bào trong triển khai các chương trình đầu tư phát triển kinh tế-xã hội chưa cao; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền các dân tộc gặp nhiều khó khăn... Đặc biệt là âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc theo, học đạo và phát triển các đạo lạ trái phép trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc... tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Từ những thành công đạt được và tồn tại hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc những năm qua cho thấy cần có những tổng kết, đánh giá và nghiên cứu sâu hơn đối với từng vùng, từng dân tộc thiểu số để cung cấp cho Đảng, Nhà nước cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm hoạch định chiến lược công tác dân tộc phù hợp với thực tiễn thời kỳ hội nhập, công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Triệu Tài Vinh
Ủy viên Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang