Nắm chắc đường lối, chính sách dân tộc bám sát thực tiễn nhiều đặc thù trong xuất bản Tạp chí Dân tộc

10:09 09/06/2015 Lượt xem: 9123 In bài viết

Thành công trong sáng tạo tác phẩm báo chí ở Mường Nhé

Chắc hẳn Mường Nhé cũng sẽ như các huyện miền núi vùng cao khác nếu không có sự kiện xảy ra cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011. Đó là việc hàng ngàn đồng bào Mông từ các tỉnh Tây Bắc và cả Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông) bị những phần tử phản động trong người Mông với âm mưu lập “Vương quốc Mông”, đã lợi dụng việc di dân tự do vào Mường Nhé và hạn chế trong nhận thức cùng những khó khăn trong đời sống để kích động, lôi kéo đồng bào tập trung về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè đón Vua Mông đến cho tiền. Cho tới cả trăm triệu nếu hộ nào đi cả nhà. Đi càng đông càng nhận nhiều tiền. Theo đó, những tên cầm đầu đã cho dựng rào chắn, tổ chức canh gác, ngăn cản việc đi lại của người dân và của cán bộ chính quyền địa phương; đẩy cuộc sống của hàng ngàn người, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ sống chen chúc trong những lều lán tạm bợ, giữa những ngày thời tiết khắc nghiệt mưa nắng thất thường.

Sự việc ấy ngay sau đó được một số hãng truyền thông nước ngoài gọi là “Bạo loạn của người Mông” và tung tin “Chính quyền dùng vũ lực giải tán vụ bạo động”, “nhiều người Mông đã bị bắt”… rồi kêu gọi tổ chức này, tổ chức kia can thiệp.

Mường Nhé là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Điện Biên, nằm trên biên giới giữa nước ta với 2 nước láng giềng là Trung Quốc (tuyến biên giới Việt – Trung dài 41 km) và Lào (tuyến biên giới Việt – Lào dài 165 km). Mường Nhé là huyện nghèo, nghèo nhất trong 62 huyện nghèo của cả nước. 100% số xã của huyện là xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng cho phát triển bất cập, đời sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn nhất là số dân di cư tự do đến Mường Nhé.

Thực tế ở Mường Nhé là điển hình có tính đại diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; điển hình của vấn đề dân tộc và của công tác dân tộc, nhất là việc thực hiện chính sách dân tộc.
Ở Mường Nhé, các chính sách, chương trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn như: Chương trình 135, 134, Quyết định 33, Quyết định 120, 160; Nghị quyết 30a… huyện đều thụ hưởng. Ngoài ra còn có những chính sách chuyên biệt dành riêng cho Mường Nhé, đó là Đề án Bảo tồn, phát triển dân tộc Cống, là Quyết định số 141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé giai đoạn 2008-2012.
Và thực tế ở Mường Nhé cũng tiêu biểu cho những bất cập của những chính sách, chương trình, dự án dành cho vùng dân tộc, miền núi đặc biệt khó khăn cùng những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện. Biểu hiện là: Số lượng chương trình, dự án nhiều, chồng chéo, dàn trải; ngân sách đảm bảo thấp. Cùng một lĩnh vực có nhiều chương trình, do nhiều bộ ngành đầu tư, quản lý. Việc tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Có chính sách đã ban hành nhưng không được tổ chức thực hiện như Quyết định số 141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Sắp xếp, ổn định dân cư tự do huyện Mường Nhé giai đoạn 2008-2012 đã trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển, đi lên của địa phương, đến cuộc sống của người dân, để các thế lực thù địch lợi dụng khai thác trong âm mưu gây mất ổn định chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sự việc xảy ra ở Mường Nhé đúng vào dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của Cơ quan quản lý về lĩnh vực Công tác dân tộc. Những ngày đó đối với Ủy ban Dân tộc – Cơ quan quản lý Nhà nước về Công tác dân tộc là những ngày thật “nóng”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ngay sau Lễ kỷ niệm (03/5/2011) đã ra sân bay lên Điện Biên. Với Tạp chí Dân tộc đó là sự vào cuộc hết sức khẩn trương và trách nhiệm. Ngay sau bầu cử Quốc hội khóa XII (ngày 22/5) đoàn công tác của Tạp chí lên đường đến Mường Nhé. Do có thông tin, có thời gian chuẩn bị trước nên đến Mường Nhé công việc thuận lợi.

Tại đây kỹ năng nghiệp vụ báo chí nhất là kỹ năng nắm, khai thác nguồn tin đã được thực hiện linh hoạt và hiệu quả. Bản chất của sự việc cùng những vấn đề đặt ra với công tác dân tộc, chính sách dân tộc để đảm bảo “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau vùng phát triển” được thể hiện cụ thể ở các bài viết: “Mường Nhé – Huyện đặc biệt khó khăn, nghèo nhất trong 62 huyện nghèo của cả nước”, “Hiệu quả cùng những bất cập trong chính sách dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc”, “Những vấn đề đặt ra với hệ thống chính trị cơ sở ở Mường Nhé và vùng dân tộc, miền núi đặc biệt khó khăn” và bài “Nhân tố cơ bản làm thất bại âm mưu gây mất ổn định ở vùng dân tộc, miền núi của kẻ thù là thực hiện công bằng trong phát triển” đăng trên Tạp chí Dân tộc số tháng 6 và tháng 7 năm 2011. Loạt bài đó đã đem về cho Tạp chí giải Báo chí Quốc gia (giải C) – Một mốc dấu đáng nhớ trong hoạt động nghiệp vụ của tờ Tạp chí lý luận chuyên ngành.

Để có loạt bài viết về sự kiện không ai mong muốn đã xảy ra ở nơi tận cùng Tây Bắc, huyện nghèo nhất trong 62 huyện nghèo của cả nước, các thành viên trong đoàn phải vượt dốc, trèo đèo, đi bộ đến với người dân nơi núi rừng heo hút, thấy được cuộc sống du canh, du cư thật nhiều thiếu khổ của đồng bào, rồi những tọa đàm, trao đổi với lãnh đạo chủ chốt xã Nậm Kè - nơi xảy ra sự việc; với lãnh đạo huyện Mường Nhé và các phòng, ban chức năng của huyện, với Bộ đội Biên phòng đồn Nậm Kè, với lãnh đạo Sở Công an Điện Biên, với Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên. Để từ lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút trước thực tế còn nhiều bất cập ở Mường Nhé, kịp thời có những bài viết mang đến cho người đọc – những người đọc ở những vị thế khác nhau (kể cả những thế lực thù địch) biết được sự thật và có những ứng xử phù hợp, trách nhiệm với sự thật ở Mường Nhé.

Bài học trong hoạt động nghiệp vụ rút ra từ sự kiện Mường Nhé đó chính là phải nắm, phản ánh cho được bản chất của sự kiện, của vấn đề trong sự vận động, phát triển. Để làm được nhiệm vụ không dễ ấy, Tạp chí Dân tộc phải có những “nhà báo của đồng bào”, những cán bộ, biên tập viên-phóng viên có tâm, có tầm, hết lòng vì sự phát triển, đi lên của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và cơ quan Tạp chí cần quan tâm, tạo mọi điều kiện để biên tập viên, phóng viên có mặt ở tâm điểm của sự kiện.

Nhân tố quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ

Những năm qua trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giao, Tạp chí đã bám sát các sự kiện chính trị của đất nước, của ngành và những vấn đề nổi lên ở địa bàn trọng điểm cùng quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó chọn mở chuyên mục và những vấn đề để đi sâu nghiên cứu, trao đổi như: Vấn đề chiến lược trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên; Phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số; Củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường vùng dân tộc, miền núi; Đưa nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc vào cuộc sống… Đặc biệt, trước những kỳ Đại hội Đảng toàn quốc (Đại hội IX, X, XI), mục “Góp ý kiến vào vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc” trên Tạp chí Dân tộc đã nhận và đăng nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, giàu tính lý luận và thực tiễn về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc của các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học tâm huyết với công tác dân tộc ở Trung ương và địa phương gửi đến Đại hội. Rồi những bài viết đi vào những nội dung khó, nhạy cảm của vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc, để tập trung luận giải, làm rõ nguồn gốc lịch sử, cơ sở lý luận, thực tiễn và những giải pháp nhằm giải quyết cơ bản từng vấn đề như: Tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi; tự ti dân tộc; công bằng, bình đẳng trong phát triển của các dân tộc… Cùng với đó là những bài viết của cán bộ, biên tập viên, phóng viên của Tạp chí đã vượt lên gian khổ khó khăn có mặt ở “tâm điểm” của các sự kiện như ở vùng bị lũ ống, lũ quét Nậm Coóng, tỉnh Lai Châu cuối năm 2000; ở các buôn làng sát biên giới Campuchia của huyện Đắc Min, tỉnh Đắk Lắk (nay thuộc tỉnh Đắk Nông), huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum khi đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Campuchia (đầu năm 2002); ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh vùng cao núi đá Hà Giang và các tỉnh Bắc Kạn, Gia Lai; ở huyện nghèo Sơn Động, Bắc Giang và ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (tháng 5/2011)… Những bài viết trực tiếp đề cập đến những vấn đề “nóng” vừa cụ thể, cấp bách; vừa cơ bản lâu dài như: “Đằng sau việc một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Campuchia là âm mưu hiểm độc của các thế lực chống Việt Nam” (tác phẩm nhận Giải báo chí Toàn quốc - giải khuyến khích, năm 2002), “Đề nghị tiếp tục thực hiện Chương trình 135 - Một chính sách đặc biệt dành cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn” (cuối năm 2004) góp phần vào việc ban hành quyết định của Chính phủ về thực hiện “Chương trình 135 - giai đoạn II (2006-2010); “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số - Nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển đi lên của vùng dân tộc, miền núi” hay: “Đầu tư phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi, nhân tố cơ bản quyết định làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”; “Cần một Chiến lược phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc và miền núi - Địa bàn xung yếu, chiến lược hiện kém phát triển nhất cả nước làm cơ sở cho xây dựng, ban hành các chính sách, chương trình đảm bảo tính cơ bản, thiết thực, hiệu quả”; và đặc biệt là loạt bài “Từ Mường Nhé, huyện tận cùng Tây Bắc - Những vấn đề đặt ra đối với chính sách dân tộc” loạt bài đã được trao giải Báo chí Quốc gia năm 2011. Rồi những vấn đề được chọn trong các hội thảo khoa học do Tạp chí tổ chức như: “Công tác dân tộc từ nhận thức đến thực hiện” hay “Chính sách dân tộc trong những năm đổi mới - Thành tựu cùng những vấn đề đặt ra”… đã dành được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, của đồng bào các dân tộc và đã tạo được những hiệu quả xã hội nhất định.

Sản phẩm của một cơ quan báo chí là những ấn phẩm được xuất bản. Sản phẩm của một nhà báo là những tác phẩm báo chí được sáng tạo. Giá trị xã hội của những ấn phẩm và tác phẩm báo chí ấy tồn tại khách quan ngoài ý muốn chủ quan.

Sẽ không có những thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tạp chí Dân tộc - tờ Tạp chí lý luận của Công tác dân tộc, cũng như với mỗi thành viên trong tòa soạn khi mà trong hoạt động nghiệp vụ không bám sát thực tiễn, không nắm chắc chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước và không chọn được những vấn đề cơ bản để đi sâu; thiếu bản lĩnh và năng lực trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm đòi hỏi phải có chính kiến và còn có những nhà báo không dám dấn thân để có mặt ở trung tâm của những điểm nóng. Về chủ quan, nếu cơ quan báo chí ấy thiếu cả những điều kiện đảm bảo tối thiểu để những nhà báo đến với thực tế, đem “thực tế nhiều đặc thù” của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí và làm ra những ấn phẩm báo chí.

Thực tiễn hoạt động của Tạp chí Dân tộc trong những năm đã qua - một thực tiễn đã được kiểm nghiệm qua thời gian và đã được những người làm công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc ghi nhận. Cùng đó là những phần thưởng cao quý mà Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng cho cơ quan Tạp chí.

Mong rằng những thực tiễn, kinh nghiệm bước đầu ấy được làm phong phú hơn, sâu sắc hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tạp chí, từ một đội ngũ đông đảo và nhiều quyết tâm hôm nay.

Nguyễn Phương Thảo
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]