Chăm lo tết cho người nghèo và gia đình chính sách vùng dân tộc, miền núi

10:49 26/08/2015 Lượt xem: 54498 In bài viết

Vùng dân tộc, miền núi chiếm ¾ diện tích cả nước. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,27% tổng dân số cả nước. Những năm qua, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội cùng sự chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi. Nhờ đó, diện mạo vùng dân tộc, miền núi không ngừng khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh trong vùng đạt từ 8 - 10%, một số địa phương có mức tăng trưởng cao trên 10%. Vùng dân tộc thiểu số đạt và vượt kế hoạch về giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi giảm từ 2 - 4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%. Hệ thống công trình hạ tầng được tăng cường. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc, miền núi có chuyển biến tích cực; giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Các địa phương đã chủ động nắm chắc tình hình địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, chủ động phòng ngừa, đấu tranh và giải quyết các vụ việc nổi cộm phát sinh ngay từ cơ sở, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tình hình an ninh chính trị vùng dân tộc, miền núi tiếp tục được giữ vững và ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy vậy, vùng dân tộc, miền núi vẫn đang là vùng khó khăn nhất, “lõi nghèo” của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững, cơ sở hạ tầng thấp kém. Một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở địa bàn vùng núi cao, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai; cơ sở hạ tầng yếu kém, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của vùng dân tộc, miền núi thấp so với mặt bằng chung...

Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi là một bộ phận quan trọng trong chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Với những khó khăn nội tại hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số chính là những người thiệt thòi trong xã hội. Thực hiện tốt an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số là tiền đề của sự ổn định, là điều kiện của phát triển, là thước đo nhân văn của một xã hội phát triển bền vững. Với những ý nghĩa đó và trên quan điểm không để hộ nào vì bất kỳ lý do gì mà không có tết, “người người có tết, nhà nhà có tết”, hàng năm, vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, Ủy ban Dân tộc đều sớm chỉ đạo các Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành địa phương rà soát, lập danh sách đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách, người có công, người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ, tặng quà Tết theo định mức chung của Trung ương; tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chính sách, chế độ thăm hỏi, động viên bằng ngân sách địa phương.

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc dành thời gian trực tiếp tới địa bàn, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chúc tết cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng dân tộc, miền núi; xuống tận hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình người có công, hộ chính sách, người có uy tín để thăm hỏi, động viên. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương cũng thường xuyên bám nắm địa bàn thăm hỏi, động viên đồng bào. Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc chỉ đạo các báo, tạp chí tham gia thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg và 1977/QĐ-TTg tự nguyện trích nguồn kinh phí hoạt động hoặc làm cầu nối vận động các nhà hảo tâm, các “mạnh thường quân” quyên góp, ủng hộ tiền, đồ dùng, nhu yếu phẩm... trị giá hàng trăm triệu đồng, tạo điều kiện thiết thực để các hộ nghèo, hộ chính sách dân tộc thiểu số có điều kiện vui xuân, đón tết. Việc xã hội hóa công tác chăm lo tết cho đồng bào dân tộc thiểu số đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự giác tham gia, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa đối với vùng dân tộc, miền núi - cái “nôi” của căn cứ cách mạng Việt Nam. Lịch sử đã khắc ghi trong những năm tháng khó khăn của cách mạng, Việt Bắc, Tây Bắc, vùng núi miền Trung, Tây Nguyên và vùng đồng bào các dân tộc đã có những đóng góp cực kỳ to lớn, góp phần tạo nên chiến thắng lẫy lừng cho cách mạng nước ta. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, vùng miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang tạo ra thế chiến lược lâu dài cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội và là phên giậu cho sự nghiệp giữ vững nền độc lập dân tộc. Quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi vì thế không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, xã hội. Bởi vậy, đó phải là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó lễ, Tết là dịp có ý nghĩa quan trọng để thể hiện.

Cộng đồng 53 dân tộc thiểu số Việt nam có bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo. Tết đến, xuân về là khoảng thời gian quý báu trong năm đồng bào được nghỉ ngơi, vui chơi trước khi bước vào năm lao động sản xuất mới. Niềm tự hào về giá trị bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc được nâng lên đáng kể qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày xuân. Từ đó đồng bào cũng ý thức được nhiều hơn trách nhiệm phải gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Dù còn khó khăn, song những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào trong các dịp lễ, tết cũng ngày càng lớn. Sau Tết thường là thời điểm đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức các lễ hội đầu xuân cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đó cũng là thời điểm thích hợp để tổ chức các lễ hội văn hóa cấp vùng, cấp khu vực. Năm 2014 vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo hệ thống cơ quan công tác dân tộc các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên phối hợp với các sở, ngành liên quan và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức thành công 02 sự kiện văn hóa Ngày hội bản làng “Sắc xuân Tây Bắc” dành cho đồng bào dân tộc thiểu số 6 tỉnh vùng Tây Bắc gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai và Lễ hội buôn làng “Âm vang đại ngàn” dành cho đồng bào 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắc Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk. Lễ hội đã nhận được sự hoan nghênh, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng; là hoạt động thiết thực của hệ thống cơ quan công tác dân tộc nhằm chăm lo, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần củng cố, nhân lên niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ sở; tạo khí thế phấn chấn, hăng hái thi đua bước vào năm lao động, sản xuất mới ở vùng dân tộc, miền núi. Thành công của các lễ hội hy vọng sẽ góp phần mở ra hướng đi mới trong việc xã hội hóa công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở quy mô lớn hơn, đối tượng thụ hưởng rộng hơn.

Cùng với nhân dân cả nước, hơn 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam hân hoan chào đón Xuân Ất Mùi 2015. Với trách nhiệm được Chính phủ giao, Ủy ban Dân tộc phấn đấu thực hiện thắng lợi công tác dân tộc năm 2015, từ việc chăm lo tốt các hoạt động vui xuân, đón tết cho đồng bào, góp phần cổ vũ, tiếp sức cho những khát vọng vươn tới trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi nước ta.

Nông Quốc Tuấn
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Thứ Trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
(Tạp chí Dân tộc số 170, tháng 02/2015)