Mốc son lịch sử chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh
10:47 26/08/2015 Lượt xem: 55104 In bài viếtVới tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: “Đảng ta thật là vĩ đại!” (Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ mít tinh kỷ niệm 30 thành lập Đảng, ngày 5/01/1960)
Ngày 03/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị của những đại biểu đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng họp tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã đi đến thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này đã mở ra một chương mới chói lọi và vẻ vang cho lịch sử dân tộc Việt Nam. 85 năm đã qua đi, nhưng các thế hệ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân cả nước luôn trân trọng, khắc sâu và ghi nhớ về sự kiện trọng đại này.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tiến hành tự phê bình và phê bình về những thành kiến giữa các tổ chức cộng sản ở trong nước, dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau; đồng thời phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để thống nhất các tổ chức cộng sản.
Ngày 3/2/1930, các đại biểu đã thảo luận và tán thành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thông qua kế hoạch thành lập một Đảng Cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thống nhất cách cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, bao gồm: Bắc Kỳ, Trung Kỳ có 5 ủy viên do Đông Dương Cộng sản Đảng cử; Nam Kỳ có 2 ủy viên do Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng cử. Như vậy là Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng số 7 ủy viên. Tuy nhiên, về sau này, vào ngày 18/2/1930, trong Báo cáo về hội nghị gửi Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cho biết thêm ngoài 7 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời còn có 7 ủy viên dự khuyết.
Hội nghị cũng đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: “Chánh cương vắn tắt của Đảng”; “Sách lược vắn tắt của Đảng”; “Chương trình tóm tắt của Đảng”; “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam” do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đây là những cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị thành lập Đảng đã quyết định chủ trương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội phản đế. Về báo chí của Đảng, Hội nghị đã quyết định bỏ những tờ báo của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng xuất bản trước đây. Xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền.
Ngay sau khi hội nghị kết thúc, chiều ngày 7/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã “thiết đãi” các đại biểu một bữa cơm nhân dịp Tết Nguyên đán, tiết kiệm nhưng “linh đình và ấm cúng” nhân sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày hôm sau, 8/2/1930, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng khẩn trương quay trở về Việt Nam để hoạt động, củng cố, mở rộng, phát triển đảng viên và hệ thống tổ chức cơ sở Đảng.
Sau ngày thành lập Đảng và chia tay các đại biểu về nước được mấy hôm, ngày 18/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã soạn “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Báo cáo, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng thông báo cho Quốc tế Cộng sản biết là Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới thành lập có 310 đảng viên (Thái Lan: 40 đảng viên; Bắc Kỳ: 204 đảng viên; Nam Kỳ: 51 đảng viên; Trung Quốc và nơi khác: 15 đảng viên). Ngoài ra còn có 3.588 hội viên của các tổ chức quần chúng. Phong trào đấu tranh đã diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, nhất là phong trào đình công của công nhân. Phần cuối bản Báo cáo, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng đưa ra một số kiến nghị với Quốc tế Cộng sản nhằm thống nhất hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc và mở rộng địa bàn phối hợp hoạt động tại Sinhgapo, Thái Lan, Hồng Kông, Thượng Hải...
Cùng với bản “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng viết “Lời kêu gọi” gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức bóc lột. “Lời kêu gọi” nêu rõ: “Sự áp bức bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng: có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết. Chính vì vậy, phong trào cách mạng đang ngày càng lớn mạnh: công nhân bãi công, học sinh bãi khóa, nông dân đòi ruộng đất, nhà buôn nhỏ đóng cửa hàng, nhân dân cả nước đang vùng dậy chống bọn đế quốc”.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng phân tích rõ những nguyên nhân làm cho cách mạng Việt Nam không thể bị tiêu diệt: “Nếu đế quốc Pháp tưởng có thể dùng khủng bố trắng hòng tiêu diệt cách mạng An Nam thì chúng đã lầm to! Một là, cách mạng An Nam không bị cô lập, trái lại nó được giai cấp vô sản thế giới nói chung và giai cấp cần lao Pháp nói riêng ủng hộ. Hai là, giữa lúc các cuộc khủng bố trắng lên đến đỉnh cao thì những người cộng sản An Nam trước kia chưa có tổ chức đang thống nhất lại thành một đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam, để lãnh đạo toàn thể anh chị em bị áp bức chúng ta làm cách mạng”.
Cuối cùng, đồng chí Nguyễn Ái
Quốc kêu gọi: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp
vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm
giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị
em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng...”.
Sự kiện ngày 3/2/1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là mốc son đánh dấu sự
trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt của lịch sử cách
mạng Việt Nam. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với
phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Trong suốt 85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn làm tốt vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đấu tranh thắng lợi, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước chúng ta đã không ngừng giành được những thắng lợi to lớn, đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Những năm tới, thời cơ và thách thức còn nhiều, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nỗ lực để vượt qua. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, với kim chỉ Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng sâu sắc rằng, chúng ta sẽ tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
(Tạp chí Dân tộc số 170, tháng
02/2015)
[NNL: DH]