Cải cách hành chính năm 2015 tập trung thực hiện Chính phủ điện tử

02:24 26/08/2015 Lượt xem: 53750 In bài viết

PV: Thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm (TT, PCN)! Năm 2014, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là khâu đột phá, đặt dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc (UBDT) và cá nhân đồng chí với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Trưởng Ban CCHC của UBDT. Do vậy, công tác CCHC của UBDT có nhiều chuyển biến rõ nét. Đề nghị TT, PCN khái quát những kết quả nổi bật công tác CCHC của UBDT trong năm vừa qua?

TT, PCN Hà Hùng: Những năm qua, UBDT đã triển khai nhiệm vụ CCHC mà Chính phủ đặt ra song chưa thực sự quyết liệt. Rút kinh nghiệm, năm 2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cùng tập thể lãnh đạo Ủy ban đã đưa CCHC thành nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những nội dung thi đua và chỉ đạo hết sức quyết liệt, bài bản, khoa học. Ngay từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, UBDT đã ban hành Kế hoạch CCHC một cách chi tiết, xác định nhiệm vụ cụ thể đối với từng Vụ, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo sát thực tế, thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Lãnh đạo UBDT đã lựa chọn thực hiện một số khâu mang tính chất quan trọng, đột phá để nâng hiệu quả công tác CCHC, cụ thể:

Một là, tiếp tục rà soát và đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính. UBDT có nhiệm vụ giúp TW Đảng, Chính phủ ban hành chính sách dân tộc, văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách đó. Đối tượng thụ hưởng chính sách là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Với UBDT, tuy thủ tục hành chính không nhiều nhưng các chính sách được ban hành cũng như văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cũng cần được cải tiến, rà soát, điều chỉnh hợp lý, làm sao đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, sự mong đợi của người dân cũng như đảm bảo thuận lợi, hiệu quả khi tổ chức triển khai thực hiện.

Hai là, tập trung cao cho nhiệm vụ hoạch định, xây dựng các cơ chế, chính sách dân tộc để tham mưu cho Chính phủ ban hành trong giai đoạn 2016 – 2020, đảm bảo phù hợp với Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải hòa nhập và bắt nhịp cùng. UBDT đã chú trọng phối hợp với các Bộ, ngành TW xây dựng các chính sách giúp đồng bào các DTTS thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống, rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các DTTS với dân tộc đa số, giữa các vùng, miền trong cả nước.

Ba là, đã chỉ đạo và quyết liệt thực hiện việc rà soát, đôn đốc các Vụ, đơn vị trong cơ quan UBDT thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong công tác tham mưu, hoạch định xây dựng chính sách, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc trên cả nước để các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng mong mỏi của người dân.

PV: Xoay quanh vấn đề CCHC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng phải thông suốt quan điểm vai trò của Nhà nước là “kiến tạo phát triển”. Vậy công tác CCHC của UBDT những năm vừa qua đã thể hiện quan điểm chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ như thế nào, thưa TT, PCN?

TT, PCN Hà Hùng: UBDT là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nằm trong hệ thống quản lý nhà nước chung của quốc gia. Để hệ thống cơ quan công tác dân tộc hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trước hết phải thông suốt chủ trương chung của Chính phủ, đó là thực hiện chính phủ điện tử. Muốn thực hiện chính phủ điện tử thì cả hệ thống và từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng phải thực hiện nhiệm vụ chính phủ điện tử. Chúng ta phải đổi mới, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý vì sẽ giúp tiết kiệm kinh phí giấy, bút, mực, điện thoại, thời gian quản lý nhanh hơn, khối lượng, dung lượng quản lý lớn hơn, lưu giữ gọn gàng, chính xác hơn. Nếu chúng ta áp dụng cách quản lý cũ bằng văn bản giấy thì rất tốn kém, mất thời gian, hơn nữa khối lượng công việc lớn cũng đòi hỏi nguồn nhân lực nhiều hơn. Chi phí quản lý sẽ không chỉ gồm nguyên vật liệu mà ngay cả chi phí cho con người, chi phí quỹ lương sẽ rất lớn.

 Đối với UBDT, CCHC là quá trình hướng đến mục tiêu đáp ứng nguyện vọng và tạo ra sự hài lòng của người dân với cơ quan hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; đáp ứng được sự hài lòng của các cơ quan trong hệ thống quản lý nhà nước từ TW đến tỉnh, huyện, xã. Do vậy, UBDT đã tích cực thực hiện rà soát các cơ chế, định mức, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở, làm cho đối tượng hưởng thụ, đối tượng thực hiện không hài lòng hoặc quá trình đưa ra các cơ chế, chính sách rườm rà, không minh bạch, tổ chức thực hiện.

Năm 2014, UBDT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động để công chức, viên chức và người lao động thay đổi nhận thức về nhiệm vụ CCHC không phải của người lãnh đạo mà là của chính mình; đồng thời tự giác chấp hành. Bên cạnh đó đổi mới, cải tiến, cải cách các thể chế, quy chế, quy định trong quá trình quản lý của UBDT một cách khoa học, bài bản. Những quy định trước đây đã ban hành nay không còn phù hợp, còn vướng mắc thì rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo ra môi trường quản lý thông thoáng, khoa học nhất.

PV: Thưa TT, PCN! Năm qua, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các Vụ, đơn vị đã được đề cao và phát huy nên kết quả CCHC của UBDT nói chung, các Vụ, đơn vị nói riêng đã được khẳng định. Có những Vụ, đơn vị do quyết liệt thực hiện CCHC đã nêu ra được số liệu rất thuyết phục như giảm 30% chi phí quản lý hành chính, thủ tục hành chính đã thông thoáng, thuận tiện hơn; sự phối hợp giữa các Vụ, đơn vị trong UBDT, giữa UBDT với các địa phương có nhiều chuyển biến. Phát huy kết quả đạt được năm 2014, đề nghị TT, PCN cho biết, năm 2015 và những năm tiếp theo, công tác CCHC của UBDT sẽ tập trung vào nội dung trọng tâm, trọng điểm nào?
TT, PCN Hà Hùng: Kế hoạch CCHC của UBDT năm 2015, tập thể lãnh đạo UBDT đã ban hành vào cuối tháng 12/2014. Quan điểm chung là vẫn tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ từ năm 2014 đặt ra, vì có những nhiệm vụ không chỉ thực hiện trong năm mà phải thực hiện nhiều năm. Ví dụ đối với công tác cán bộ, cần tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong UBDT. Nếu trình độ, năng lực của cán bộ được nâng lên thì công tác tham mưu hoạch định chính sách, triển khai chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của UBDT được Bộ trưởng, Chủ nhiệm và tập thể lãnh đạo UB rất quan tâm, nhất là về năng lực thực tiễn. Nếu cán bộ chỉ có trình độ chuyên môn, thậm chí trình độ rất cao nhưng không hiểu vùng sâu, vùng xa, những khó khăn đặc thù, phong tục tập quán và văn hóa của từng tộc người thì chất lượng hoạch định chính sách sẽ không cao, không sát nguyện vọng của người dân cũng như yêu cầu của cơ sở. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đổi mới quản lý hồ sơ nhân sự, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển cán bộ.

PV: Trân trọng cảm ơn TT, PCN đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, kính chúc TT, PCN mạnh khỏe, hạnh phúc!

Quang Hải - Phương Liên (thực hiện)
(Tạp chí Dân tộc số 170, tháng 02/2015)
[NNL: DH]