Hội Nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015

09:45 11/06/2015 Lượt xem: 54547 In bài viết

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội đồng dân tộc Quốc hội, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; lãnh đạo UBDT, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

Năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, tình hình vùng dân tộc, miền núi của cả nước tiếp tục có bước khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh trong vùng đạt từ 8 - 10%, một số địa phương có mức tăng trưởng cao trên 10%. Vùng dân tộc thiểu số đạt và vượt kế hoạch về giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi giảm từ 2 - 4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%. Hệ thống công trình hạ tầng được tăng cường. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc, miền núi có chuyển biến tích cực; giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Các địa phương đã chủ động nắm chắc tình hình địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, chủ động phòng ngừa, đấu tranh và giải quyết các vụ việc nổi cộm phát sinh ngay từ cơ sở, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tình hình an ninh chính trị vùng dân tộc, miền núi tiếp tục được giữ vững và ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đặc biệt, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập Học viện Dân tộc. Đây là bước ngoặt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện lần thứ II trên phạm vi 363 huyện, 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đủ điều kiện tổ chức Đại hội, đảm bảo an toàn, hiệu quả, thiết thực. Đây là sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa rất sâu sắc ở các địa phương vùng dân tộc, miền núi, nhất là vào thời điểm các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Đại hội đã tổng kết, đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2009 - 2014, cũng là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để cấp ủy, chính quyền các cấp bổ sung hoàn thiện báo cáo chính trị và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ủy ban Dân tộc cũng tích cực chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đổi mới công tác thi đua khen thưởng, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hợp tác quốc tế về công tác dân tộc.

Năm 2014, ghi nhận sự tích cực, chủ động của các Bộ, ngành Trung ương trong công tác phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện chính sách dân tộc. Đến nay, đã có 16 Bộ, ngành, cơ quan TW xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020. Một số Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung, đề xuất xây dựng mới nhiều đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi như: Chính sách đối với cán bộ công tác tại địa bàn đặc biệt khó khăn (Bộ Nội vụ), Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số (Bộ Giao thông Vận tải), Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo (Bộ Công Thương), giáo dục giá trị văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số (Bộ Giáo dục và Đào tạo)...

Ở cấp địa phương, đã có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc TW ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020. Nhiều tỉnh tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa IX về công tác dân tộc; ban hành mới các nghị quyết chuyên đề, các quyết định về chính sách dân tộc đặc thù, tăng thêm nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi.

 Bên cạnh thành tựu đạt được, Hội nghị thống nhất đánh giá: năm 2014 cũng như nhiều năm trước, nguồn lực bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án rất thấp so với nhu cầu, kế hoạch vốn, chưa đủ tạo ra bước đột phá. Do đó, kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi phát triển chậm, khoảng cách chênh lệch lớn so với các vùng miền khác trong cả nước; kết cấu hạ tầng nhiều bất cập, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, y tế; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực còn thấp; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu...

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Dân tộc trong công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, nắm chắc tình hình, diễn biến vùng dân tộc, miền núi trong cả nước, không để xảy ra yếu tố bất ngờ. Phó Thủ tướng khẳng định những kết quả ngành công tác dân tộc đạt được trong năm 2014 đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 trong bối cảnh năm 2015 là năm cuối nhiệm kỳ, đồng thời tình hình quốc tế, công tác dân tộc của các nước nói chung, Việt Nam nói riêng cũng có nhiều diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn ngành công tác dân tộc cần tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ. Các Bộ, ngành TW, các tỉnh, thành ủy các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường công tác kêu gọi đầu tư, viện trợ cho vùng dân tộc, miền núi. Tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc, 5 năm thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, trong đó cần quan tâm đề xuất các thể chế, chính sách dân tộc phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác dân tộc, tập trung giải quyết vấn đề đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quy hoạch dân cư, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng dẫn đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cho đồng bào dân tộc thiểu số trước những âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các địa phương cần có nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn; bố trí cán bộ đủ năng lực trực tiếp làm công tác dân tộc.

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử yêu cầu hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc trong năm 2015 tập trung xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ủy ban Dân tộc nhiệm kỳ 2016 - 2020 theo hướng đề nghị chuyển thành Bộ Dân tộc cho phù hợp với tình hình mới; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; chủ trì, phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát kết quả và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020; tăng cường quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đối với các địa phương vùng dân tộc, miền núi tập trung rà soát, tổng kết, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu của từng chính sách dân tộc nói riêng và công tác dân tộc nói chung; xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020...

Tại hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, đồng chí Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Ủy ban Dân tộc đã phát động phong trào thi đua thực hiện công tác dân tộc năm 2015.

Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định tặng Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc cho 12 Vụ, đơn vị trực thuộc, 25 Ban Dân tộc địa phương cùng 28 Bằng khen, công nhận 10 danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ”.

Quang Hải - Phương Liên
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]