Ủy ban Dân tộc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

09:51 09/06/2015 Lượt xem: 1839 In bài viết

Uỷ ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của ngành theo quy định của pháp luật. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đủ tiêu chí thành lập Ban Dân tộc, Ban Dân tộc có chức năng tham mưu, theo dõi, quản lý công tác dân tộc tại địa phương. So với các ngành khác, ngành công tác dân tộc có một số tính đặc thù:

Một là, công tác dân tộc là lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực, cần có sự tham gia của nhiều ngành, do đó, đòi hỏi cán bộ phải hiểu biết chuyên môn đa ngành, nắm rõ đặc điểm dân tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào, có kỹ năng vận động đồng bào các dân tộc.

Hai là, đặc thù về địa bàn: Công tác dân tộc được thực hiện trên địa bàn rộng, chiếm ¾ diện tích cả nước, phần lớn là vùng phên giậu Tổ quốc. Do tính chất công việc nên cán bộ làm công tác dân tộc có tần suất đến địa bàn vùng dân tộc, miền núi cao so với các ngành khác.

Ba là, đặc thù về đối tượng: Đối tượng của công tác dân tộc là cộng đồng 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, nước ta có trên 12,2 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm gần 14,3% dân số cả nước, sinh sống rải rác ở 52 tỉnh, thành và tập trung chủ yếu ở 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa, ngôn ngữ riêng và phát triển không đều; cá biệt, có những dân tộc rất ít người hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặt ra yêu cầu cần phải có chính sách đặc thù để bảo tồn và phát triển.

Bốn là, đặc thù về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ: Hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương chưa hoàn chỉnh trên toàn quốc. Cả nước chỉ có 52/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Ban Dân tộc cấp tỉnh. Mặt khác, Ủy ban Dân tộc không phải là cơ quan chuyên ngành, công chức làm việc tổng hợp trên tất cả các lĩnh vực nên việc đánh giá năng lực cán bộ theo trình độ, năng lực chuyên môn theo ngành lĩnh vực rất khó khăn. Điều đó cũng dẫn đến việc khó bố trí người làm việc phù hợp với năng lực, trình độ đào tạo. Bên cạnh đó, hai năm gần đây, đội ngũ cán bộ được đánh giá là có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với công tác dân tộc đều đã nghỉ chế độ. Đội ngũ công chức hiện nay cơ bản được trẻ hóa, tuy nhiên hầu hết chưa thực tế qua cơ sở, thiếu kinh nghiệm, năng lực hoạch định, xây dựng, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi.

Trong bối cảnh công tác dân tộc có nhiều đặc thù như đề cập ở trên, cùng với yêu cầu cao của cải cách hành chính về việc cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hệ thống cơ quan công tác dân tộc theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả trong thực thi công vụ đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ của ngành công tác dân tộc phải tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2012 - 2016, Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc đã chú trọng đổi mới công tác tổ chức cán bộ và chọn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công tác dân tộc làm khâu đột phá, là “mắt xích” quan trọng, là đòi hỏi tất yếu khách quan để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc vừa hồng, vừa chuyên, có tâm, có tầm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Ngày 25/4/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã ký Quyết định số 86/QĐ-UBDT phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực hệ thống cơ quan công tác dân tộc giai đoạn 2012-2020. Mục tiêu cụ thể của quy hoạch là: Tăng tỷ lệ đào tạo khối kinh tế từ 27% lên 40% và tăng tỷ lệ khối chính trị, lịch sử dân tộc, dân tộc học từ 20% lên 35%; từng bước điều chỉnh giảm tỷ trọng đào tạo khối văn hóa xã hội xuống mức hợp lý; phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 20% cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc có trình độ từ Thạc sĩ trở lên và 4% có trình độ Tiến sĩ, người lao động được đào tạo chuyên môn theo yêu cầu công việc; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, tận tâm, thạo việc, có khả năng phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh ở vùng dân tộc và miền núi; 90% cán bộ lãnh đạo quản lý và công chức, viên chức làm công tác dân tộc đều được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về công tác dân tộc; 100% cán bộ chủ chốt của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương đều được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân tộc và kiến thức về lĩnh vực dân tộc. Quy hoạch yêu cầu cán bộ là người dân tộc thiểu số đặc biệt với các vị trí lãnh đạo chủ chốt công tác trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc đến năm 2020 ở cả 3 cấp: Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện phải chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Thi hành Điều 11 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở xã, phường, thị trấn.

Nhằm đạt mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Giàng Seo Phử - Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu toàn ngành công tác dân tộc cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức toàn ngành công tác dân tộc, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, các vụ, đơn vị về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tổ chức cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số; về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Gắn đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đảng viên với việc thực hiện kiểm điểm, phê bình và tự phê bình trong từng cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI); nâng cao tính tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống, tinh thần đoàn kết, phát huy năng lực, trình độ cán bộ, đảm bảo tham mưu và thực hiện chính sách dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ hai, đổi mới phương pháp tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự, cấp uỷ đảng đối với công tác cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể. Chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch và bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác đi liền với việc sử dụng cán bộ công tác dân tộc, cụ thể :

- Quy trình đánh giá cán bộ trong ngành công tác dân tộc bảo đảm công khai, minh bạch, trung thực, dân chủ, khách quan, toàn diện; lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo; chống các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá cán bộ.

- Nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ. Xem xét, lựa chọn đưa vào quy hoạch cán bộ tốt, có triển vọng phát triển về năng lực lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện.

- Chú trọng chất lượng tuyển dụng cán bộ, công chức vào cơ quan công tác dân tộc; phấn đấu từng bước đảm bảo tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số, tiến tới cơ cấu cán bộ toàn ngành có đủ đại diện người các dân tộc thiểu số.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công tác dân tộc; chú trọng nâng cao trình độ, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ công tác dân tộc trong sạch, vững mạnh, thích ứng yêu cầu thực tiễn đang diễn ra ở vùng dân tộc và miền núi. Yêu cầu bắt buộc để chính sách dân tộc đi vào cuộc sống là phải xuất phát từ thực tiễn ở cơ sở. Muốn vậy, cán bộ ngành công tác dân tộc không thể ngồi nhà “vẽ” ra chính sách mà phải lăn lộn, gắn bó và trưởng thành từ thực tiễn, nắm bắt và tổng kết đòi hòi từ cuộc sống đồng bào vùng dân tộc và miền núi thành ý tưởng chính sách đề xuất với cấp có thẩm quyền. Tập trung làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại; công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; công tác luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết với công tác dân tộc vào các vị trí lãnh đạo của các vụ, đơn vị theo nguyên tắc giao đúng người, đúng việc, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ có năng lực, trong quy hoạch tham gia công tác lãnh đạo, quản lý.

Thứ tư, quan tâm thực hiện chính sách cán bộ, đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để cán bộ, công chức yên tâm công tác, tận tâm với công việc. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển; đồng thời mỗi cán bộ trẻ, cán bộ nữ phải tự giác phấn đấu, khẳng định năng lực và uy tín của mình. Khen thưởng, động viên kịp thời và có biện pháp xử phạt nghiêm minh. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn và đặt niềm tin vào cán bộ, công chức để họ cống hiến hết mình cho công tác dân tộc.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến cả trong tư duy và nội dung, hình thức tiến hành công tác cán bộ. Kiện toàn cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ vừa có tâm, vừa đủ tầm. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ đảng và đảng viên; xử lý nghiêm các vi phạm về nguyên tắc, quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

TCDT
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]