Tăng cường xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số
09:58 09/06/2015 Lượt xem: 1969 In bài viếtThực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Điều 11, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc, vừa qua, Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ đã phối hợp xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT quy định chi tiết hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Đây là một văn bản pháp quy quan trọng, là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt công tác cán bộ người dân tộc thiểu số của Đảng từ Trung ương đến địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, dự kiến tổ chức vào Quý I năm 2016 và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Sau đây là những điểm then chốt và đề xuất một số nội dung để triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch này:
Một là, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ cấu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tỷ lệ này ở UBDT được quy định là 40% tổng số biên chế.
Đối với các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, trong quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có ít nhất 1 chức danh cấp trưởng hoặc cấp phó là người dân tộc thiểu số.
Để đạt được tỷ lệ này đồng thời với việc đảm bảo chất lượng cán bộ, đòi hỏi UBDT, các bộ, ngành Trung ương thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các khâu công tác cán bộ: từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đến bổ nhiệm, quản lý.
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc là 22,2%; đặc biệt, tỷ lệ lãnh đạo cấp Thứ trưởng trở lên là 4/6 đồng chí, chiếm 66,7%. Tuy nhiên, không phải Vụ, đơn vị nào cũng có lãnh đạo (cấp trưởng, hoặc cấp phó) là người dân tộc thiểu số. Do đó, đòi hỏi trong thời gian tới, chúng ta cần làm tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch, tạo nguồn bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 02 nêu trên.
Hai là, đối với địa phương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội; điều kiện, yêu cầu cụ thể của địa phương để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số.
Ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là nữ, trẻ, dân tộc rất ít người tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp.
Để đảm bảo cả số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ này, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và thực hiện chiến lược quy hoạch, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số một cách bài bản, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ, tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ.
Thời gian qua, thực hiện chính sách cử tuyển theo quy định tại NĐ 134 của CP, chúng ta đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, chính sách này đã lỗi thời, thay vì cử tuyển như hiện nay, chúng ta cần mở ra những trường văn hóa hoặc những lớp dự bị đại học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao trình độ, giúp họ tự đủ sức thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, từ đó họ mới có khả năng thực sự làm cán bộ giỏi. Chúng tôi đồng thuận với quan điểm này, song việc thực hiện đòi hỏi phải có lộ trình thích hợp.
Mặt khác, căn cứ vào khoản 2 Điều 10, NĐ số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, UBDT hiện nay đang phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thành lập Học viện Dân tộc; ngoài việc thực hiện nghiên cứu chiến lược công tác dân tộc, theo tôi, Học viện Dân tộc cần tập trung mở những khóa đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước để tạo nguồn đầu vào, đào tạo đa ngành ở bậc đại học cho con em các dân tộc thiểu số để tạo nguồn nhân lực phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ba là, hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định một tỷ lệ biên chế hợp lý trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để tổ chức tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào công chức, viên chức.
Trường hợp đã sử dụng hết chỉ tiêu biên chế thì cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức cấp Bộ, ngành và địa phương phải tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số bổ sung, thay thế các trường hợp đã thôi việc, nghỉ hưu, thuyên chuyển công tác.
Để đảm bảo thực hiện tốt các nội dung nêu trên, hàng năm, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch này.
ThS. Phan Hồng Thủy
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - UBDT
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]