Những thành tựu của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh qua thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer theo Nghị quyết của Đảng

02:43 11/03/2013 Lượt xem: 1673 In bài viết

Cộng đồng 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Trà Vinh có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời; giàu lòng yêu nước, có tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có ý chí tự lực, tự cường, lao động cần cù, sáng tạo. Tuy nhiên, là tỉnh có điểm xuất phát kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng còn thấp kém và chưa đồng bộ; vị trí địa lý có mặt không thuận lợi; đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo còn nhiều; các thế lực thù địch luôn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động, chống phá với nhiều hình thức, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn...

Với đặc điểm, đặc thù trên, trong lãnh đạo, Tỉnh ủy Trà Vinh luôn xác định công tác dân tộc là một trong những trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ngay sau khi tái lập tỉnh (ngày 13/10/1992), Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01 “Về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer”. Điều đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn chiến lược của Tỉnh ủy đối với công tác này trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết 01 sớm đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tâm tư, nguyên vọng của đông đảo bà con đồng bào dân tộc Khmer, tạo ra sức bật chuyển mình rất lớn trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

Tháng 3/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 7 và ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”. Trên cơ sở quan điểm, định hướng của Nghị quyết 24-NQ/TW, Tỉnh ủy Trà Vinh đã nhanh chóng chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 01 ngày 13/10/1992 và kịp thời ban hành Nghị quyết số 06 ngày 10/10/2003 "Về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer". Qua hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) và Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa VII), vùng đồng bào dân tộc Khmer đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế không ngừng phát triển; GDP giai đoạn 2005-2010 tăng bình quân 11,64%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới; giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa với trên 1.800 km; trên 84,5% hộ Khmer được sử dụng điện, đang thi công dự án cho 20.000 hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer, khi hoàn thành sẽ có trên 98% hộ Khmer có điện sử dụng; trên 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; Internet đạt 1,7 thuê bao/100 dân; bình quân mỗi hộ có 1,3 phương tiện xe gắn máy; thu nhập bình quân đầu người năm 2003 là 5,3 triệu đồng tăng lên 17,1 triệu đồng vào năm 2011.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc; mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích từ 28,5 triệu đồng/ha/năm 2003 lên 45 triệu đồng/ha/năm 2010. Phát huy hiệu quả chương trình ngọt hóa Nam Mang Thít, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rộng khắp, đến nay hệ thống thủy lợi của tỉnh đảm bảo yêu cầu tưới tiêu trên 80% diện tích sản xuất.

Đảng bộ đặc biệt quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Khmer bình quân hàng năm giảm từ 3 - 4%. Các chính sách an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Tỉnh đã chú trọng các giải pháp về vốn và hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích đối với các hộ đồng bào vay vốn để sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng vay nặng lãi trong cộng đồng dân cư.

Sự nghiệp giáo dục-đào tạo vùng đồng bào Khmer có những chuyển biến quan trọng, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên. Thực hiện tốt các chính sách đối với học sinh, sinh viên Khmer như: Chế độ cử tuyển, xét tuyển, cấp học bổng, hỗ trợ vay vốn, miễn học phí và các khoản đóng góp khác cho học sinh thuộc diện hộ nghèo. Phong trào học chữ phổ thông và Khmer có nhiều tiến bộ; duy trì và phát triển việc dạy và học song ngữ ở các trường phổ thông và các điểm chùa, chất lượng dạy và học cũng như số lượng học sinh ngày càng được nâng lên.

Toàn tỉnh hiện có 568/2.950 cán bộ y tế là người dân tộc Khmer; trên 90% trạm y tế xã hoặc Phòng khám Đa khoa khu vực vùng đồng bào Khmer có bác sĩ; 39/50 xã, phường, thị trấn vùng có đông đồng bào dân tộc được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bệnh nhân là sư sãi Khmer đều được giảm, miễn viện phí và thuốc điều trị bệnh; hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hộ cận nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế...

Cấp ủy và chính quyền các cấp luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào và sư sãi Khmer phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cổng thông tin điện tử của tỉnh có phiên bản tiếng Khmer; tăng thời lượng phát thanh, phát hình, báo ảnh, báo chữ Khmer với hình thức và nội dung ngày càng phong phú; tạo điều kiện cho Trường Đại học Trà Vinh thực hiện việc đào tạo văn hóa và tiếng Khmer bậc đại học, đầu tư xây dựng khoa Văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ bậc cao đẳng, đại học.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy quan tâm. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức Khmer trong hệ thống chính trị chiếm trên 18%.

Với những thành tựu đã đạt được và kinh nghiệm thực tiễn qua 20 năm triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa IX), tin rằng Đảng bộ, quân, dân Trà Vinh sẽ tiếp tục giành được những thành tựu mới vững chắc hơn, toàn diện hơn về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương.

Trần Trí Dũng

Ủy viên Trung ương Đảng

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh