Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) ra Nghị quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng
02:33 11/03/2013 Lượt xem: 262 In bài viếtThực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XI) đã họp Hội nghị lần thứ tư để xem xét, cho ý kiến về: Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2011; Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2011; bầu bổ sung Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI; và một số vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
1. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khoá đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác quan trọng này. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng Đảng đã được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng từng bước được nâng cao, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, có mặt còn phức tạp thêm. Những hạn chế, yếu kém đó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nhận thức sâu sắc tình hình, nhiệm vụ và những yêu cầu đặt ra, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn và nhất trí ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng
trong thời gian tới, Ban Chấp hành Trung ương xác định: Trong quá trình thực
hiện tốt 8 nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên về
công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của
Đảng đã đề ra, cần tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề
cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay như sau:
Một là: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất
là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu
của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Hai là: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung
ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập
quốc tế.
Ba là: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu của cấp uỷ, chính
quyền các cấp và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị để tiếp tục đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những khâu quan trọng nhất.
Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt; vấn đề
thứ hai và vấn đề thứ ba vừa là vấn đề cấp bách, vừa là giải pháp để thực hiện
vấn đề thứ nhất.
Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu là: Phải tạo được chuyển biến thực sự,
khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng
Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò và nâng cao năng lực
lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động
viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị
quyết của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá
đúng sự thật, khách quan, không né tránh; phân tích sâu sắc, thuyết phục về
những nguyên nhân chủ quan và khách quan; các giải pháp phải bảo đảm đồng bộ, có
trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi
đôi với làm, bằng hành động cụ thể để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện
nay. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng. Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt,
nhất là cấp Trung ương phải thật sự gương mẫu làm trước để tạo niềm tin. Phải
làm kiên quyết, kiên trì, xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành,
làm từng bước vững chắc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ. Làm tốt nhiệm
vụ này cũng là để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị. Xây dựng, chỉnh đốn
Đảng là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội,
cực đoan, nhưng cũng không được chậm trễ; giữ vững nguyên tắc, không để các thế
lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích, gây
rối nội bộ.
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí đề ra các nhóm giải pháp bao gồm : nhóm giải
pháp về thực hiện gương mẫu của cấp trên; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và
sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và nhóm giải pháp về công
tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rõ trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,
các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ và tổ chức đảng để
việc thực hiện Nghị quyết đạt kết quả cao.
2. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chiến
lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Chương trình làm việc của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khoá XI, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ
chuẩn bị và trình Ban Chấp hành Trung ương Đề án “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ
tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện
đại vào năm 2020”.
Ban Chấp hành Trung ương đã dành thời gian thảo luận, đánh giá kỹ về các nội
dung của Đề án và khẳng định: Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách
đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta
đã bước đầu xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển cả về chiều rộng
và chiều sâu, phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần bảo đảm tốc độ
tăng trưởng kinh tế nhanh; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội; giảm nhẹ
thiên tai và bảo đảm an ninh, quốc phòng; nâng cao đời sống nhân dân; rút ngắn
khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng của nước ta chưa theo kịp yêu cầu đẩy mạnh
sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; còn thiếu đồng bộ,
hiện đại và tính kết nối chưa cao; công tác quản lý, công nghệ vận hành còn lạc
hậu; chất lượng dịch vụ hạ tầng còn thấp, chi phí cao, hạn chế năng lực cạnh
tranh của nền kinh tế; chính sách phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa
phù hợp với cơ chế thị trường, chưa thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia
vào đầu tư phát triển và quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng; chính sách về đất đai
nhiều mặt không còn phù hợp, công tác giải phóng mặt bằng còn rất khó khăn, ảnh
hưởng đến tiến độ thi công và làm tăng chi phí đầu tư; đầu tư còn dàn trải, hiệu
quả thấp, chưa tập trung được nguồn lực cho các công trình trọng điểm, chất
lượng nhiều công trình còn thấp.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải
pháp chủ yếu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản
trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tập trung
phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ thống kết cấu hạ tầng trong 10 năm tới, Ban Chấp
hành Trung ương nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo sau:
Một là, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải hiện
đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp
ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; có phân kỳ đầu tư và thứ tự
ưu tiên. Lựa chọn những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan toả
lớn để tập trung đầu tư. Tăng cường công tác quản lý trong khai thác sử dụng
công trình.
Hai là, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội để thu hút các nhà đầu tư vào
phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nguồn vốn nhà nước tập trung đầu tư
vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi vừa là
nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp,
trước hết là trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; Nhà nước
bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Bốn là, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm
quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền; gắn với
bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ
tầng từ nay đến năm 2020: Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết
cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, với một số công trình hiện đại, đảm bảo cho
tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng
phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững chủ quyền quốc
gia, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền
và nâng cao đời sống của nhân dân, cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước
công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn và yêu cầu đặt ra cho sự phát
triển, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ định hướng phát triển kết cấu hạ tầng
trên 10 lĩnh vực: hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thuỷ lợi và
ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng khu công nghiệp; hạ tầng
thương mại; hạ tầng thông tin; hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công
nghệ; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hoá, thể thao và du lịch. Xác định 4 lĩnh vực ưu
tiên gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó
biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị và đề ra 4 nhóm giải pháp gồm: nâng cao chất
lượng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát
triển hệ thống kết cấu hạ tầng; đổi mới chính sách giải phóng mặt bằng; nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng.
Ban Chấp hành Trung ương khoá XI nhất trí ban hành Nghị quyết “Xây dựng hệ thống
kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo
hướng hiện đại vào năm 2020”.
3. Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo:
Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2011;
Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm
2011; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2011; Báo cáo các công việc quan trọng
Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương
4 (Khoá XI).
4. Theo đề nghị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 3 đồng
chí Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI.
5. Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy kết
quả, ưu điểm đạt được trong thời gian vừa qua; khắc phục hạn chế, yếu kém; đoàn
kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực
hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 ngay từ những ngày
đầu, tháng đầu năm mới, thực hiện thắng lợi các nghị quyết vừa được Ban Chấp
hành Trung ương thông qua và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
của Đảng.