Kết quả triển khai thí điểm Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đồng Phú

10:47 25/03/2013 Lượt xem: 334 In bài viết

Thực hiện kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo số 238-Tb/TW ngày 7/4/2009 về chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tỉnh ủy Bình Phước đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng, thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp xã gồm 32 thành viên, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Xã Tân Lập huyện Đồng Phú là 1 trong 11 xã của cả nước được Trung ương chọn làm điểm để triển khai xây dựng nông thôn mới.

Đồng Phú là huyện miền núi, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Phước, có diện tích tự nhiên 93.543 ha, dân số 86.890 người. Toàn huyện có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống; đồng bào dân tộc thiểu số có 4.260 hộ, với 18.200 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ gần 22% so với tổng dân số. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ gồm Stiêng, Khmer và các dân tộc di cư từ nơi khác đến như: Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Sán Chay, Dao, Ê Đê, Hoa… sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, cư trú phân tán trên địa bàn 11 xã, thị trấn trong huyện. Đến cuối năm 2011, toàn huyện còn 1.640 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,5%, trong đó có 690 hộ nghèo là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 42,07% so với tổng số hộ nghèo toàn huyện và 16,2% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số.

Trước khi Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, Huyện ủy-Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 30/10/1998 của Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc và thu được nhiều kết quả quan trọng. Từ chỗ trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số còn sống du canh, du cư, điều kiện canh tác lạc hậu…, đến nay đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao su, điều, tiêu… đưa nền sản xuất lạc hậu chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, hòa nhập vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Trong những năm qua, từ nguồn vồn Chương trình 135 đã đầu tư 26,116 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện lưới… cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn; Chương trình 134 đã đầu tư 2,037 tỷ đồng hỗ trợ cho 178 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, trong đó hỗ trợ đất ở cho 41 hộ, đất sản xuất cho 159 hộ, nhà ở cho 106 hộ, định canh định cư cho 128 hộ (theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010). Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức thực hiện tố các chương trình, chính sách xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; xét cử tuyển con em đồng bào vào các trường dân tộc nội trú, các trường đại học, cao đẳng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; đào tạo nghề, đào tạo cán bộ; phát triển sản xuất; trợ giúp pháp lý; cấp phát báo, tạp chí, ấn phẩm đến các xã, thôn, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc để khơi dậy niềm tự hào và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án và chính sách dân tộc đã tác động tích cực, trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đổi thay; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm so với sự phát triển chung của huyện; kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, điện lưới một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp còn chậm; công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; chất lượng giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.

Từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo thực hiện chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước đến nay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới chính là việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với sự tham gia của người dân vì người dân chính là chủ thể và là người hưởng lợi trực tiếp. Do đó, ngay từ khi triển khai, huyện đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi; trên cơ sở đó mỗi người dân tự giác, chủ động, tích cực tham gia xây dựng thí điểm nông thôn mới tại xã Tân Lập nói riêng và xây dựng nông thôn mới đối với các xã còn lại của huyện nói chung, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Lập, bằng quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Lập đã đạt 16/19 tiêu chí (tính đến hết năm 2011). Trong 3 năm (2009-2011), tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện thực hiện trên 239 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước trên 207 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 69 tỷ đồng và ngân sách địa phương trên 138 tỷ đồng), vốn trái phiếu Chính phủ và công trái giáo dục trên 10 tỷ đồng, vốn đầu tư công khác (chủ yếu nhân dân đóng góp) trên 01 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 17,8 tỷ đồng và các nguồn vốn khác (thực hiện nhà ở theo Chương trình 167) gần 01 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai thực hiện đúng quy trình về đầu tư, tuẩn thu đúng quy định của pháp luật về đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng được triển khai đồng bộ và đạt chất lượng. Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới huyện thực hiện trên 87 tỷ đồng, trong đó đấu tư cho xây dựng nông thôn mới đối với xã Tân Lập thực hiện trên 83,3 tỷ đồng và đầu tư trên 3,9 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đối với Thuận Phú và Tân Phước.

Việc thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Lập theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng rất phù hợp với lòng dân, vì vậy đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, đó là: sản xuất phát triển, bước đầu hình thành được vùng sản xuất hàng hóa như cao su, rau sạch, chăn nuôi heo, gà; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao nhanh; hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được hoàn thiện; môi trường, cảnh quan nông thôn có bước tiến bộ; bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ; trình độ dân trí và chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng lên…

Từ việc triển khai thành công thí điểm xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Lập đã tạo tiền đề vững chắc và có sức lan tỏa, khích lệ các xã còn lại trong huyện phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn huyện nói chung và đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện nói riêng đạt yêu cầu, mục tiêu Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, cần làm tốt công tác truyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và trong cộng đồng dân cư nông thôn về nội dung, phương pháp, biện pháp, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; phải làm chuyển biến căn bản về mặt nhận thức trong cộng đồng dân cư đó là: xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân phải là chủ, làm chủ và là người hưởng lợi trực tiếp, huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì chương trình mới thành công và bền vững.

Hai là, đối với những xã đông đồng bào dân tộc thiểu số thì việc xây dựng nông thôn mới chính là xây dựng kết cấu hạ tầng như: trường học, trạm y tế, đường giao thông, nước sinh hoạt, các công trình dân sinh phục vụ đời sống thường ngày của bà con; do đó, trong khả năng nguồn vốn đến đâu làm đến đó, không nên đầu tư dàn trải. Việc thứ hai là phải gắn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân với xóa đói giảm nghèo; vì vậy, nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án đã được duyệt cần bố trí kịp thời, triển khai sớm, không nên để các hộ thụ hưởng phải trông chờ; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề nghị cắt giảm thủ tục hành chính trong thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, cần đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”, cần biểu dương nhân rộng những cá nhân sẵn sàng hiến đất, hiến tài sản, tiền của… từ mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Lập ra diện rộng trên toàn địa bàn huyện để người dân các xã còn lại học tập, làm theo. Việc sử dụng các nguồn lực do huy động vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, khi triển khai thực hiện phải có sự giám sát của cộng đồng để đảm bảo dân chủ, minh bạch và công khai.

Bốn là, về cơ chế điều hành, quản lý các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn kịp thời đối với những vấn đề liên quan đến công tác lập quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật trong lập báo cáo đầu tư, phân bổ, sử dụng, quyết toán nguồn vốn; đồng thời, nên phân cấp quản lý đầu tư cho phù hợp. Các tiêu chí phải thật sát với tình hình thực tế của từng vùng, miền.

Năm là, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, cần phát huy vai trò, uy tín của các Hội đồng già làng, cá nhân các già làng và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới - đây có thể được xem là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong huyện; sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành trong tỉnh cùng với sự chung tay của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện sẽ là cơ sở, là động lực, là niềm tin để huyện Đồng Phú hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thành Chương
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú