Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc năm 2011: Triển khai nhiệm vụ năm 2012

02:33 11/03/2013 Lượt xem: 287 In bài viết

Năm 2011, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nguồn vốn từ ngân sách đầu tư cho các chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được đảm bảo. Cùng với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, do đó, tình hình kinh tế-xã hội, đời sống người dân vùng miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn cơ bản ổn định, tiếp tục được cải thiện và có nhiều đổi mới, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước. Hầu hết các tỉnh trong vùng đều giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt trên 4%, một số tỉnh giảm trên 5% như Hà Giang, Bắc Giang, Lâm Đồng… Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp: 97,42% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 80,7% thôn, bản thuộc xã đặc biệt khó khăn có đường giao thông đến đường trục; 84,6% số xã đặc biệt khó khăn có điện lưới, với gần 70% số hộ được sử dụng điện; 98,7% xã có bưu điện văn hoá xã; 100% số xã có điện thoại; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt trên 90%, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt gần 80%. Văn hoá-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. 100% các tỉnh vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn quốc gia về giáo dục trung học cơ sở; gần 70% trạm y tế xã vùng này có y, bác sĩ, bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, người nghèo ở vùng miền núi và dân tộc cơ bản được giải quyết. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiếu số được quan tâm. Tình hình chính trị-xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, giữ vững truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Năm 2011, công tác chỉ đạo, điều hành công tác dân tộc đã có nhiều đổi mới, linh hoạt. Uỷ ban Dân tộc đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành chỉ đạo tổng kết các chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2010 và xác định được 28 đề án, chương trình, chính sách trọng tâm đối với lĩnh vực công tác dân tộc giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020 đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015, trong đó Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Đề án thành lập Học viện Dân tộc trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư tạo sự đột phá sâu rộng cho sự phát triển của công tác dân tộc giai đoạn mới. Các địa phương vùng dân tộc và miền núi đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, vận dụng linh hoạt vào điều kiện, đặc điểm, lợi thế của tỉnh để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc. Ở một số tỉnh, Tỉnh uỷ có nghị quyết riêng về công tác dân tộc như: Hà Nội, Bình Phước, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hoá…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vùng miền núi, dân tộc nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết: Tỷ lệ nghèo cao, bình quân 26,5%, riêng các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, tỷ lệ nghèo bình quân lên tới 57,5%, cá biệt có những xã, bản, nhóm dân tộc rất ít người, tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 90%; trên 220 nghìn hộ thiếu đất sản xuất và hàng triệu người ở vùng cao núi đá thiếu nước sinh hoạt; một bộ phận đồng bào còn đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, đồng bào thiếu kiến thức, thiếu tư liệu sản xuất, năng suất lao động thấp. Công tác sắp xếp ổn định dân chưa tốt, nhất là vấn đề di cư tự do…

Triển khai nhiệm vụ năm 2012, Uỷ ban Dân tộc xác định tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện Chiến lược và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc giai đoạn 2011-2020; xây dựng mới, rà soát, bổ sung, sửa đổi 28 chương trình, chính sách cho vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011 - 2016, định hướng đến năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc. Tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc như: đồng bào di cư tự do, du canh du cư, thiếu đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt. …

Ghi nhận thành tích đã đạt được trong năm 2011, tại Hội nghị Tổng kết, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 cá nhân. Cũng trong dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban tặng cờ thi đua của Ủy ban Dân tộc cho 6 Vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc, 12 Ban Dân tộc tỉnh, thành phố cùng nhiều Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.