Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công tác dân tộc trên địa bàn huyện Si Ma Cai
02:59 11/04/2013 Lượt xem: 443 In bài viếtSi Ma Cai là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai có 13/13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, sinh sống trên 96 thôn bản. Dân số 32.436 người với 5.930 hộ gồm 15 thành phần dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 82%. Đồng bào các dân tộc huyện Si Ma Cai luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, thờ cúng tổ tiên và luôn có sự đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau giữa các dòng họ trong bản làng. Trong những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh được đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện có hiệu quả, các hủ tục lạc hậu đã được quan tâm chỉ đạo đẩy lùi và đã thu được những kết quả khả quan, theo xu hướng tiến bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện, ngày càng phấn khởi tin tưởng vào Đảng, Nhà nước yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Để công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số đạt
kết quả, trong những năm qua, huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cấp,
các ngành của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Trung
ương và của tỉnh, huyện có liên quan đến công tác dân tộc cho các già làng,
trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Thường xuyên thăm hỏi
động viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kiến nghị với các cấp chính
quyền xem xét, giải quyết và động viên đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết xây
dựng bản làng văn minh, tiến bộ. Từ đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đồng bào
dân tộc thiểu số có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng,
tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện…
Trong phát triển kinh tế, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nỗ
lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở mang ngành, nghề, giải quyết việc
làm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới tập quán canh
tác lạc hậu kém hiệu quả sang cách làm mới có năng suất, chất lượng cao. Nhiều
hộ đã kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với khai thác thế mạnh đồi rừng, trồng
cây thuốc lá mô hình VAC... Đến nay tổng diện tích gieo trồng cây lương thực
trên toàn huyện đạt 5.507 ha tăng 865 ha so cùng kỳ năm trước, sản lượng lương
thực có hạt đạt 18.665 tấn, cây đậu tương 2.144 ha, năng suất bình quân đạt
10,14tạ/ha, cây thuốc lá 111,2 ha, cây lạc 156 ha, năng suất bình quân đạt
9,74tạ/ha. Công tác chăm sóc rừng phòng hộ được quan tâm đúng mức, toàn huyện có
diện tích rừng 7.465,7 ha, trong đó rừng trồng là 3.522 ha. Nét mới trong năm
nay là một số hộ đã mạnh dạn phát triển các mô hình kinh doanh dịch vụ như: Xe
gắn máy, đồ gỗ, đồ gia dụng, kinh doanh xăng, dầu, vận tải, vật liệu xây dựng…
Thông qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu trong lao động
sản xuất, “Xóa đói giảm nghèo” ở địa phương . Trong phong trào thi đua công tác
xã hội tốt, các cấp, các ngành của địa phương cũng đã tích cực vận động đồng bào
dân tộc thiểu số đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc
văn hóa dân tộc, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các quy ước, hương ước, nếp
sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; các hoạt động văn
hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, duy trì các lễ hội truyền thống… Hàng năm,
100% khu dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu đăng ký đạt tiêu chuẩn khu dân
cư văn hóa, có từ 85% trở lên số hộ gia đình đăng ký đạt tiêu chuẩn gia đình văn
hóa… Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ quỹ “Ngày vì người nghèo” và phong trào xóa
nhà tạm, làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo do Mặt trận Tổ quốc phát động,
đồng bào các dân tộc thiểu số đã tham gia tích cực giúp người nghèo vươn lên
thoát nghèo, đến nay tỷ lệ hộ đói nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 53,83%, giảm
17% so với năm 2010. Trong công tác giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ, được nâng
cao cả về qui mô và chất lượng, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, tỷ lệ
học sinh trong độ tuổi đến trường đạt cao; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp phổ
thông trung học đạt 62,2%; năm học vừa qua có 19 em học sinh là người dân tọc
thiểu số thi đỗ đại học, điển hình có học sinh dân tộc Mông ở xã Sín Chéng thi
đỗ đại học với 23 điểm, 21 em đỗ vào các trường cao đẳng; trẻ em từ 6-14 tuổi ra
lớp đạt tỷ lệ 100%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được quan tâm đúng
mức, đã có 84,404 lượt đồng bào đến các cơ sở y tế khám và chữa bệnh, trẻ em
dưới một tuổi được tiêm chủng đạt 97%.
Bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện,
các cấp, các ngành đã tích cực vận động đồng bào phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ
cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia xây dựng
Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Sau Đại hội Đảng bộ các cấp
nhiệm kỳ 2010-2015, đã có trên 70% cán bộ dân tộc thiểu số tham gia giữ các
cương vị lãnh đạo chủ chốt như: Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch,
Trưởng các ban, ngành đoàn thể cấp xã… nhiều cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong
các lĩnh vực công tác đã được bổ nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở cấp
huyện … Từ đó đã góp phần mở rộng khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội,
thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội trên địa bàn
toàn huyện Si Ma Cai ngày càng có hiệu quả.
Tuy nhiên phong trào thi đua trong đồng bào dân tộc thiểu số còn những tồn tại,
hạn chế: công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước chưa sâu rộng, kịp thời. Các phong trào thi đua có chuyển biến tích cực
song chưa đồng đều. Những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, xóa đói
giảm nghèo ở các địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa chưa được kịp thời
nhân ra diện rộng. Một bộ phận đồng bào chưa mạnh dạn đầu tư và áp dụng các tiến
bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các mô hình phát triển kinh tế còn nhỏ lẻ,
chưa mang tính cộng đồng, chất lượng sản phẩm còn thấp, không đáp ứng nhu cầu
hàng hóa theo cơ chế thị trường. Các hoạt động xã hội triển khai chưa thật đồng
bộ, do vậy còn tình trạng cưới tảo hôn, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương không rõ lý
do vẫn còn tồn tại ở một số địa phương…
Thời gian tới, huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp
tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên
và nhân dân có nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của việc phát huy sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; Hhướng
dẫn đồng bào tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng và nhân
rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, đoàn kết vượt
khó, xây dựng gia đình văn hóa, bản làng văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội,
bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Công tác đào tạo, bồi dưỡng và
thực hiện đồng bộ các chính sách đối với đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu
số và người có đạo cần được tăng cường. Tăng cường mối đoàn kết toàn dân, cảnh
giác trước những âm mưu chia rẽ dân tộc, làm tốt việc hòa giải, giải quyết những
mâu thuẫn nội bộ... tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc
vận động xã hội gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế
bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; chỉ đạo tổ chức thực
hiện các chương trình, dự án, các chính sách của Nhà nước và của địa phương, chú
trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí cho đồng bào
dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo,
già làng, trưởng bản tiêu biểu, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng
đồng dân cư, qua đó để vận động đồng bào thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội trên địa bàn. Trong công tác vận động quần chúng cần đề cao ý thức
trách nhiệm, ý thức cộng đồng của đồng bào trong tham gia xây dựng Đảng, xây
dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Lưu Đức Trưởng
Bí thư Huyện ủy-Huyện Si Ma Cai