Nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng thời kỳ đổi mới
02:36 11/03/2013 Lượt xem: 16355 In bài viếtNgay từ thời dựng nước, Việt Nam đã là quốc gia đa dân tộc (tộc người). Trong tiến trình phát triển hàng ngàn năm, các dân tộc luôn luôn sát cánh bên nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với truyền thống: “Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Cái “giàn” mà ông cha ta đã tổng kết chính là Tổ quốc Việt Nam của tất cả chúng ta. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vấn đề dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Quán triệt những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, ngay từ đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nguyên tắc và định hướng chiến lược về chính sách dân tộc ở Việt Nam, đó là đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc.
Với quan điểm cách mạng là sáng tạo không ngừng,
trong thời kỳ đổi mới, chính sách dân tộc của Đảng ta vừa đảm bảo tính nhất quán,
vừa đổi mới trước yêu cầu phát triển và hội nhập nhằm giải quyết thành công vấn
đề dân tộc ở nước ta hiện nay và trong tương lai.
Hội nghị lần thứ bẩy, Ban chấp hành Trung ương (Khóa IX) đã ra nghị quyết chuyên
đề về công tác dân tộc. Đây là Nghị quyết của Đảng ta về công tác dân tộc này
trong kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị
quyết chỉ rõ: Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng,
Đảng ta luôn xem vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị
trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Dựa trên những quan điểm của
chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, trên cơ sở đánh
giá toàn diện vấn đề dân tộc và xuất phát từ yêu cầu của tình hình mới, Nghị
quyết khẳng định: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản,
lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.
Đối với nước ta, vấn đề dân tộc thiểu số vừa là vấn đề giai cấp, vừa là vấn đề
miền núi, vừa là vấn đề biên cương, vấn đề an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh
thổ, đồng thời đây cũng là vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà Đảng ta
đã đề ra. Bài học của nhiều quốc gia trên thế giới những năm cuối thế kỷ XX cho
thấy nếu coi nhẹ vấn đề dân tộc và không xác định đúng vị trí nguyên tắc của vấn
đề dân tộc và chính sách dân tộc trong chiến lược phát triển quốc gia thì tất
yếu dẫn đến xung đột dân tộc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên
quan đến sự tồn vong quốc gia.
Sự tồn tại lâu dài của vấn đề dân tộc nhất là trong điều kiện quốc gia đa tộc
người, đa dạng về văn hóa là đặc điểm lớn ở nước ta. Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận và khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất
nước Việt Nam.
Nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc: đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa
các dân tộc đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định. Trong thời kỳ đổi mới,
các nguyên tắc cơ bản này tiếp tục được khẳng định và bổ sung thêm. Nếu như
trong các văn kiện Đại hội Đảng từ lần thứ II đến lần thứ V đều nhấn mạnh: đoàn
kết, bình đẳng giữa các dân tộc thì từ Đại hội VI trở đi nguyên tắc này đã được
xác định là: “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau’’ (Đại hội VI), “Đoàn kết,
bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau” (Đại hội VII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ’’ (Đại
hội VIII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển’’ (Đại hội
IX), “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ’’ (Đại hội X)
và “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng
phát triển” (Đại hội XI)
Bình đẳng giữa các dân tộc: là một nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc của
chủ nghĩa Mác - Lênin. Nguyên tắc này đã được thể hiện rõ trong tư tưởng Hồ Chí
Minh và các Hiến pháp ở nước ta. Hiến pháp đầu tiên ở nước ta năm 1946 đã khẳng
định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không
phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo’’.Các Hiến pháp
tiếp theo đã thể hiện rõ nguyên tắc quan trọng này.
Bình đẳng giữa các dân tộc là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị,
văn hóa. Bình đẳng còn thể hiện trong quyền phát triển, được đảm bảo và tạo mọi
điều kiện để các dân tộc thực hiện và có cơ hội phát triển bình đẳng với các dân
tộc khác. Để thực hiện bình đẳng dân tộc thì phải làm giảm, tiến tới từng bước
xóa bỏ khoảng cách giữa các dân tộc do các điều kiện lịch sử quy định trên thực
tế mang lại ấm no hạnh phúc của nhân dân.
Đoàn kết dân tộc: là một nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc mà Đảng ta xác
định. Phát triển nguyên tắc đoàn kết giai cấp công nhân tất cả các dân tộc của
Lênin, trên nền tảng truyền thống Việt Nam, Đảng ta coi đoàn kết dân tộc có ý
nghĩa then chốt đối với sự phát triển đất nước. Hồ Chí Minh đã nói: “Đoàn kết,
đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công’’. Đại hội lần
thứ X của Đảng đã khẳng định: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến
lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta.
Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đoàn kết các dân tộc đã tạo nên sức
mạnh to lớn để giành lại nền độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc. Trong công cuộc
đổi mới, đoàn kết các dân tộc nhằm hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc ở nước
ta được làm chủ vận mệnh của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính
là cơ sở để chúng ta thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách dân tộc của Đảng.
Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc: Nguyên tắc này xuất
phát từ một thực tế lịch sử là sự phát triển không đều giữa các dân tộc khi
chúng ta bắt tay vào xây dựng đất nước trong cơ chế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta cho thấy, sự chênh
lệch về phát triển kinh tế - xã hội là một đặc điểm lớn. Tương trợ giúp đỡ lẫn
nhau là sự giúp đỡ của dân tộc này với dân tộc khác, không phải là sự giúp đỡ
một chiều. Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của sự
phát triển, vì sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc gia dân tộc. Đó cũng
chính là bản chất của chính đảng vô sản. Để thực hiện vấn đề này, vai trò của
Nhà nước và hệ thống chính trị rất quan trọng. Trong các văn kiện của Đảng,
nguyên tắc tương trợ được bổ sung các thành tố tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát
triển, cùng tiến bộ. Có thể coi đây là một nguyên tắc đối với vấn đề dân tộc
trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.
Bình đẳng là cơ sở để đoàn kết, đoàn kết là biểu hiện thực hiện bình đẳng và
tương trợ giúp đỡ nhau là điều kiện để thực hiện bình đẳng và đoàn kết. Các
nguyên tắc cơ bản trên có mối quan hệ mật thiết với nhau, được xác định và triển
khai đồng bộ trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách dân tộc
ở nước ta.
PGS.TS. Lâm Bá Nam