Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực hệ thống Cơ quan Công tác dân tộc giai đoạn 2012 - 2020

10:02 25/03/2013 Lượt xem: 299 In bài viết

Quan điểm và mục tiêu tổng quá của quy hoạch là: Quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc phải đặt trong điều kiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; quy hoạch phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực phải đảm bảo về số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu vùng miền, trình độ chuyên môn, ngành nghề được đào tạo, đồng bộ về các giải pháp tổ chức thực hiện, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu học tập, khả năng cống hiến và thăng tiến của đội ngũ cán bộ công chức trong toàn hệ thống; từng bước đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, toàn diện cả về thể lực, tâm lực và trí lực phục vụ lâu dài trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc.

Từng bước phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc.

Mục tiêu cụ thể của quy hoạch là: Tăng tỷ lệ đào tạo khối kinh tế từ 27% lên 40% và tăng tỷ lệ khối chính trị, lịch sử dân tộc, dân tộc học từ 20% lên 35%; từng bước điều chỉnh giảm tỷ trọng đào tạo khối văn hóa xã hội xuống mức hợp lý; phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 20% cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc có trình độ từ Thạc sĩ trở lên và 4% có trình độ Tiến sĩ, người lao động được đào tạo chuyên môn theo yêu cầu công việc; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, tận tâm, thạo việc, có khả năng phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh ở vùng dân tộc và miền núi; 90% cán bộ lãnh đạo quản lý và công chức, viên chức làm công tác dân tộc đều được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về công tác dân tộc; 100% cán bộ chủ chốt của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương đều được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân tộc và kiến thức về lĩnh vực dân tộc.

Quy hoạch yêu cầu cán bộ là người dân tộc thiểu số đặc biệt với các vị trí lãnh đạo chủ chốt công tác trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc đến năm 2020 ở cả 3 cấp: Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện phải chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Để thực hiện quy hoạch, nhiều nhóm giải pháp được đề ra, gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ cán bộ làm công tác dân tộc, chính sách thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong và ngoài ngành tham gia nghiên cứu, xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc; rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một số vụ, đơn vị chức năng đã được thành lập theo hướng chuyên sâu, không chồng chéo, phù hợp với tình hình mới, thành lập mới một số Vụ, Viện và đơn vị chức năng như: Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục (Vụ) Định canh, Định cư, Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Dân tộc thiểu số, Học viện Dân tộc, Nhà xuất bản Dân tộc, củng cố lại Vụ II và Vụ III tại Đắk Lắk, Cần Thơ theo cơ chế tự chủ về mặt tài chính…Quy hoạch yêu cầu 50% lãnh đạo cấp vụ là người dân tộc thiểu số; thực hiện quy chế một vị trí quy hoạch nhiều người và một người có thể quy hoạch vào nhiều vị trí để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo tính linh hoạt trong bố trí, sử dụng; hàng năm cơ quan phụ trách nguồn lực chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo và ký kết với các Trường Đại học, các Trung tâm đào tạo lớn ở trong và ngoài nước thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc; xây dựng và thực thi nghiêm quy trình kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ, áp dụng hình thức thi tuyển vào các chức danh quản lý từ cấp Vụ trở xuống...

Ủy ban Dân tộc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quy hoạch do Bộ trưởng, Chủ nhiệm làm Trưởng ban và 01 Phó Chủ nhiệm làm Phó Ban chỉ đạo. Vụ Kế hoạch-Tài chính là cơ quan thường trực có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ và các đơn vị trực thuộc Ủy ban, Ban Dân tộc các tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.