Rà soát các chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc
03:08 11/04/2013 Lượt xem: 982 In bài viếtThực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, tại Bộ Y tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đồng chủ trì cuộc họp rà soát đánh giá hiệu lực của các chính sách; bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp hoặc hết hiệu lực; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách để tiếp tục thực hiện; đề xuất ban hành chính sách mới chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, chính sách
y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực
hiện theo 3 nhóm: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của người nghèo và đồng
bào dân tộc thiểu số; Tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y
tế có chất lượng phục vụ đồng bào; Giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho
người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, người nghèo, đồng bào dân tộc
thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn,
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận
với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng.
Tuy nhiên, lĩnh vực y tế vùng dân tộc và miền núi đang đối diện với những tồn
tại: Kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền làm tăng sự bất bình
đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội, trong đó có dịch vụ chăm
sóc sức khỏe mà đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu rất lớn; cơ sở hạ tầng,
trang thiết bị y tế thiếu và chưa đồng bộ; số cán bộ có trình độ chuyên sâu
thiếu trầm trọng, nhất là cán bộ người địa phương; đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực y tế theo chế độ cử tuyển gặp nhiều bất cập do chỉ tiêu giao không ổn
định, thiếu kinh phí…; công tác phòng chống dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu bởi
nhận thức của đồng bào còn hạn chế, phong tục, tập quán lạc hậu; do thiếu thông
tin về chính sách bảo hiểm y tế nên tần suất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của
đồng bào thấp, kết dư quỹ bảo hiểm y tế lớn trong khi người dân lại chưa được
tiếp cận đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe cơ bản; tình trạng
tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc còn diễn ra, đòi phải có giải
pháp can thiệp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng dân số ở khu vực dân tộc ít
người (dưới 1 vạn người); tỷ lệ mắc và tử vong do HIV/AIDS có chiều hướng gia
tăng…
Sau khi phân tích tình hình, Lãnh đạo hai Bộ nhất trí cần xây dựng một số chính
sách đặc thù trong chăm sóc sức khỏe, dân số và kế hoạch hóa gia đình vùng miền
núi, dân tộc như: Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà mẹ có thai và trẻ em suy
dinh dưỡng nặng tại những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cư trú ở vùng sâu, vùng
xa là đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện các mô hình nâng cao chất
lượng dân số các dân tộc rất ít người…; chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện Chương
trình vệ sinh môi trường nông thôn vùng dân tộc, miền núi; thống nhất giao cho
các vụ, đơn vị chức năng xây dựng Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2011-2016
nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, triển khai các chính sách y
tế liên quan đến vùng dân tộc, miền núi; triển khai thực hiện theo dõi, kiểm tra,
trao đổi thông tin về y tế, sức khỏe, dân số, dinh dưỡng, địa danh các khu vực
huyện, xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Bộ Y tế chủ động báo
cáo và nghiên cứu các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi; rà soát để sửa đổi, bổ sung và xây dựng chính sách y tế
cho nhiệm kỳ này và chính sách dài hạn đến 2020, đồng thời chủ động triển khai
thực hiện các nhiệm vụ y tế được quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công
tác dân tộc, kiến nghị chính sách giai đoạn 2011-2016.
Hai bộ thống nhất kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ,
ngành liên quan 4 nhóm chính sách về tài chính; đầu tư; đào tạo cán bộ, phát
triển nguồn nhân lực ngành y tế vùng miền núi dân tộc; chính sách đặc thù đối
với chăm sóc sức khỏe, dân số và kế hoạch hóa gia đình vùng dân tộc, miền núi,
vùng đặc biết khó khăn giai đoạn 2012-2015 và đến 2020 với các nội dung: Tăng
nhanh tỷ trọng nguồn tài chính công cho y tế; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y
tế theo hướng ngân sách Nhà nước đóng Bảo hiểm y tế cho mọi người dân là đồng
bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo và người Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó
khăn; bãi bỏ quy định cùng chi trả đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu
số, hộ cận nghèo và người Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Chính phủ chỉ
đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế,
đưa mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế vào các chương
trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; cải cách và đơn giản
hóa thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh bảo
hiểm y tế. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các tuyến,
đặc biệt là trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa; đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép
tiếp tục gia hạn hiệu lực thực hiện Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 về đầu
tư xây trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn, trước hết ưu tiên cho các xã, thị trấn
thuộc huyện nghèo 30a; các bộ, ngành xây dựng tiêu chí để các địa phương có cơ
sở bố trí ngân sách đầu tư từ các chương trình, dự án cho lĩnh vực y tế; ưu tiên
đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế và chi phí xử lý; phát triển mô
hình đội y tế lưu động để triển khai các hoạt động khám chữa bệnh tại vùng sâu,
vùng xa; xây dựng chế độ, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành
y tế vùng miền núi, dân tộc. Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều
chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quyết định 1544/QĐ-TTg ngày 14/11/2007 về “Đề
án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh miền Bắc, miền
Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển” góp phần đến
năm 2020, giải quyết cơ bản số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế cho vùng
miền núi, dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Nội dung này cũng được Bộ Y tế đề
nghị bổ sung vào Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 và
chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Bộ. Bộ Y tế chủ trì xây dựng và trình
dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và
đãi ngộ đặc biệt đối với nhân lực y tế công tác tại vùng miền núi, dân tộc, vùng
khó khăn.
Hai bộ kiến nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đưa các chỉ tiêu
giảm tỷ lệ mắc, chết và lây lan do HIV/AIDS vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển
kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội đưa chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe và dân số kế hoạch hóa gia đình
vào nội dung Đề án An sinh xã hội trình Hội nghị Trung ương ban hành Nghị quyết
riêng về y tế, giáo dục và giảm nghèo.
PV