Một vài suy nghĩ về đổi mới công tác báo chí tuyên truyền về miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số

02:44 11/04/2013 Lượt xem: 351 In bài viết

Nói suông và không có tính phát hiện đó là tình trạng phổ biến ở nhiều bài báo. Báo chí tìm tòi, phát hiện, biểu dương cái mới, nhưng cũng phải chỉ ra những khuyết tật, chưa làm được hoặc những dấu hiệu gây nguy hiểm ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ, an ninh đất nước, hạnh phúc người dân. Trước khi xảy ra vụ bạo loạn do các thế lực phản động tổ chức ở Tây Nguyên năm 2001 và vụ bạo loạn ở Mường Nhé, Điện Biên, năm 2011, không có báo nào viết bài chỉ ra một cách cụ thể về các dấu hiệu gây bạo loạn ở các địa chỉ nói trên. Điều bất ngờ nhất là người tham gia biểu tình, bạo loạn lại chính là đồng bào của ta bị các thế lực thù địch lừa gạt, xui khiến. Năm 2004, có gia đình một người dân địa phương tỉnh Gia Lai, cán bộ tỉnh, huyện thường chọn làm nơi ở mỗi khi về công tác, đúng hôm có cán bộ tại nhà, người trong gia đình lại đi biểu tình, vậy mà cán bộ không biết. Lại như năm 2011 ở Mường Nhé, Điện Biên, khi xảy ra sự việc giải quyết xong rồi mới biết huyện này có rất nhiều dân di cư tự do từ nơi khác đến. Còn ở những nơi không có yếu tố “địch”, lại nảy sinh tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy, tiếp tay cho lâm tặc, buôn bán ma túy, buôn người, vượt biên trái phép…các vấn đề “nóng” nảy sinh ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có một phần do cán bộ nói chung và cán bộ báo chí nói riêng không đi sâu, đi sát, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động không đi đôi với thực hành, tuyên truyền theo kiểu cũ, không đổi mới, không sát thực. Hàng năm, từ nhiều nguồn, Nhà nước bỏ ra một khối lượng tiền lớn đầu tư cho báo chí tuyên truyền về miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Báo để đọc, đài để nghe, để xem dẫu có tiếp cận nhưng đồng bào vẫn không hiểu hết. Các báo địa phương ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ cùng một lúc ra các ấn phẩm báo viết, báo điện tử, tin ảnh, nhưng cả nội dung và hình thức thể hiện đều ít sát với thực tế. Tiếng là viết về đồng bào dân tộc thiểu số và dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số nhưng lại như viết cho đồng bào Kinh, ai đọc, ai nghe cũng được. Đã có chuyện một tờ báo ở tỉnh này đăng một bài báo về xây dựng Đảng ở tờ báo của tỉnh khác rồi độ lại, thay tên, đổi họ, còn nội dung giữ lại nguyên xi. Rồi như mới đây, đang diễn ra vụ kiện ầm ỹ về chuyện ông trưởng phòng biên tập Đài PT-TH ở một tỉnh Tây Nam bộ cóp bài trên mạng của báo khác, độ lại rồi phát sóng mấy năm liền để lấy tiền nhuận bút. Các báo viết bài tuyên truyền các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số nhưng nặng về trích dẫn văn bản không đi sâu phân tích, giới thiệu những nét mới, những điều cụ thể hơn, khiến cán bộ, đảng viên và người dân vẫn tưởng như cũ. Tuyên truyền về khai hoang, làm thủy lợi, thủy điện không gắn với tuyên truyền bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, khiến cho rừng bị chặt phá, môi trường sinh thái bị hủy hoại, dẫn đến tình trạng khô hạn, lũ lụt, mất mùa ở nhiều địa phương. Tuyên truyền về việc đưa đồng bào vào làm công nhân trong các doanh nghiệp trồng cao su, cà phê hay các loại cây công nghiệp xuất khẩu khác không gắn với việc giải quyết quỹ đất cho bà con trồng trọt, chăn nuôi ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp. Tuyên truyền, cổ vũ cho lối sống mới, hiện đại đến mức quá đà, khiến cho một bộ phận không chỉ lớp trẻ mà cả người cao tuổi cũng mất dần phong tục, tập quán tốt đẹp mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc tại chỗ. Khắp trong Nam, ngoài Bắc, đi tới tỉnh miền núi nào cũng gặp cảnh người ở các làng bản ăn mặc, nói tiếng phổ thông hệt như người đồng bằng, thậm chí có người còn quên cả tiếng dân tộc mình. Có báo tuyên truyền cho dân nuôi con đi học để làm…cán bộ, được về huyện, về tỉnh, thậm chí về Trung ương sống cuộc đời sung sướng, không phải lao động vất vả như người ở làng bản. Cách tuyên truyền như vậy dẫn đến tình trạng người dân tộc thiểu số muốn cho con mình thoát khỏi địa phương, cũng tìm cách đút lót, hối lộ để chúng được đỗ đạt, được công ăn việc làm như ý muốn. Lại có kiểu tuyên truyền phản ánh quá nhiều, quá sâu về những khó khăn, gian khổ, truy nguyên nhân là thiếu vốn, thiếu nhân lực, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư. Có lần tôi chứng kiến một già làng được mời ra Thủ đô thăm lãnh đạo Đảng và Chính phủ, trước khi đi ông tập đi, tập lại cách phát biểu, cách trình bày theo kiểu kêu khổ, kêu khó, đề nghị Đảng, Nhà nước giúp đỡ từ bữa ăn hàng ngày, quần áo, nước uống đến con đường, thửa ruộng…Thấy vậy, tôi liền bảo ông, ra Thủ đô, trước hết phải báo cáo với Đảng, Nhà nước mình và bà con mình đã làm thế nào để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, sau đó mới trình bày những khó khăn, yêu cầu Đảng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, đầu tư, như thế mới đúng. Vào một gia đình ở xã vùng sâu Tây Nguyên, thấy không có cái chổi quét nhà, hỏi vì sao không có thì bà chủ nói giọng tỉnh queo: “Cán bộ có cho tiền mình mua chổi đâu?”. Nhà nước đầu tư không biết bao nhiêu tiền lắp đặt đường điện cao thế xuyên quốc gia, sau đó hạ thế kéo về tận trung tâm xã. Thế nhưng người dân lại đòi Nhà nước phải tiếp tục đầu tư kéo điện về từng nhà đồng thời miễn luôn cả tiền điện. Biết được tính ỷ lại này, các thế lực thù địch dùng thủ đoạn cho một số gia đình ít tiền kéo điện từ đường dây hạ thế vào nhà, thế là nảy sinh tâm lý mang ơn có tính sai lệch: “Ơn “chúa” mình mới có điện đó”.

Công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên báo chí phải đổi mới, không sáo mòn. Các cơ quan báo chí cần tổ chức cho cán bộ, phóng viên nghiên cứu, học tập, nắm vững nội dung từng văn bản, đặc biệt là những nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí phải đi sâu thực tế, bám sát làng bản, phản ánh kịp thời, trung thực những vấn đề, những sự kiện có tính thời sự diễn ra trong cuộc sống. Tuyên truyền về định canh, định cư, xây dựng đồng ruộng, làm thủy lợi, thủy điện phải gắn với tuyên truyền về bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Phải tránh tình trạng tuyên truyền thiên về một phía như trước đây chúng ta tuyên truyền về việc xây dựng các công trình thủy điện, chỉ nói về lợi ích về việc cung cấp năng lượng, ánh sáng mà quên cảnh báo những hệ lụy sau đó là phá vỡ môi trường sinh thái, gây lũ lụt, hạn hán, sạt lở núi gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống người dân. Tuyên truyền về việc mở rộng diện tích trồng cao su, cà phê và các loại cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị cao khác, ngay cả việc đưa người dân vào làm việc trong các doanh nghiệp, cần tính tới việc dành quỹ đất để bà con trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo việc làm và đời sống lâu dài cho mọi thành viên trong gia đình. Tuyên truyền về các mô hình nông dân sản xuất giỏi, phải là nhân tố điển hình, cụ thể, phù hợp, có suy nghĩ, cách làm giúp cho người dân học tập, vận dụng và làm theo được. Tuyên truyền xóa bỏ những tập tục lạc hậu không chỉ nêu những tác hại của các tập tục lạc hậu đó mà phải chỉ ra cách khắc phục, hạn chế và chấm dứt các tập tục lạc hậu đó như thế nào, hiệu quả ra sao. Hiện nay tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại ở một vài dân tộc thuộc khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, ngoài việc chỉ ra hậu quả của nó, còn phải chỉ ra cách khắc phục, thiết lập mối quan hệ hôn nhân ngoài huyết thống giữa cộng đồng dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác. Duy trì và phát triển nòi giống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có số dân quá ít là vấn đề phải chú ý. Trong tình hiện nay, cần chú ý tuyên truyền, biểu dương những điển hình về công tác nắm dân, nắm cơ sở. Bỏ rơi cơ sở, không nắm vững cơ sở là khuyết điểm phải kiên quyết khắc phục.

Lê Văn Thiềng