Kỷ niệm 87 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2012): Bác Hồ làm báo

10:49 25/03/2013 Lượt xem: 311 In bài viết

Những ngày bắt đầu học viết báo là những ngày rèn luyện thật vất vả. Sau này, trong lần nói chuyện tại trường Đảng Trung ương, Bác Hồ kể lại: “ Muốn tuyên truyền về nước mình nhưng không viết được chữ Pháp, làm thế nào bây giờ?”. Nhất định phải học viết cho kỳ được. Có một đồng chí tên là Longuet, cháu ngoại của Các-Mác làm việc trong tờ báo “Sinh hoạt công nhân” bảo: “Có tài liệu gì, anh cứ viết, tôi đăng cho”. Bác nói: “Tài liệu thì có, chỉ tội tôi không viết được”. Đồng chí ấy nói “Anh cứ viết ba dòng, năm dòng cũng được. Có thế nào viết thế ấy, nếu viết có sai mẹo mực thì tôi sửa cho”.

Thế là từ ấy trở đi, mình học viết báo. Viết ba bốn dòng, khi viết rồi chép ra hai bản, một bản gửi cho nhà báo, một bản mình giữ lại. Lần đầu tiên bài mình được đăng báo, có thể nói là sướng nhất trong đời người. Mình đã đem bài báo đăng rồi với bản mình giữ lại coi thử sai lạc chỗ nào, họ sửa cho thế nào. Cách ít lâu, đồng chí ấy nói:

- Anh viết được ba dòng rồi, bây giờ kéo dài ra.

Mình cố gắng kéo dài, cho đến lúc viết được 10 dòng. Đồng chí ấy lại nói:

- Anh kéo dài nữa đi, cho tài liệu thành một bài nhé.

Thế là mình cứ kéo, đồng chí ấy cứ sửa, cứ khuyến khích mình. Cách hướng dẫn như thế thật tốt. Cứ kéo, kéo đến khi viết hết một cột và hơn một cột, rồi một cột rưỡi. Thế rồi đồng chí ấy lại nói:

- À, bây giờ anh viết được rồi, anh nên làm cách khác. Rút ngắn lại.

Thật là rầy rà! Trước thì bắt kéo dài, bây giờ lại bắt rút ngắn. Nhưng mà đồng chí ấy nói: “Anh kéo dài thì được thì bây giờ rút ngắn cũng được. Từ một cột rưỡi, nay chỉ viết một cột thôi. Viết cho thật chặt, xem đi xem lại, những cái gì lôi thôi, dài dòng không cần thiết thì bỏ nó đi…”. Thế rồi mình phải đếm lượng chữ. Một dòng có mấy chữ, một cột có mấy dòng. Nó có số chữ của nó rồi, đếm từng chữ mà viết cũng khó chứ không phải là dễ. Cách ít lâu, đồng chí ấy lại nói: “Được rồi đấy, viết dài được, viết ngắn được. Bây giờ có vấn đề gì thì viết dài, viết ngắn tùy anh”…

Vì mục đích chính trị, Bác Hồ kiên nhẫn học viết báo, không quản ngại bất cứ khó khăn nào. Từ những bài, tin có chủ đề nhỏ, Bác Hồ đã viết những bài có chủ đề lớn.

Có thể nói, từ lúc Bác viết được 3 dòng đăng báo đến lúc Bác viết một bài báo lớn là một quá trình học hỏi rất khiêm tốn và rèn luyện tính kiên nhẫn rất cao. Điều chú ý là Bác viết báo vất vả như vậy nhưng không trong những điều kiện thuận lợi. Những bài báo Bác viết đều đăng trên báo phái tả, là những báo quỹ không có bao nhiêu, nên không có tiền trả nhuận bút. Vì thế ban ngày Bác Hồ phải đi làm, tối tham gia mít tinh và đêm ngồi viết bài.

Trong thời gian học tập viết báo, Bác Hồ bắt đầu viết tin cho báo “Đời sống công nhân”, rồi báo “Nhân đạo”-cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp xuất bản ở Pa-ri. Bài báo đầu tiên của Bác đăng trên báo “Nhân đạo” là bản yêu sách của dân tộc Việt Nam dưới đầu đề “Quyền các dân tộc”. Trong bài này, với 8 điểm yêu sách nổi tiếng, Bác đã đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, trong đó có quyền tự do báo chí và tự do tư tưởng… Sau đó, hàng loạt tờ báo khác do Bác tham gia sáng lập như: Tờ báo Le Pari (Người cùng khổ) là tờ báo có ý nghĩa lớn, vì đó là sự đóng góp quan trọng vào việc thực hiện khẩu hiệu chiến lược của Lê-Nin: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”. Cuối năm 1924, đầu năm 1925, Bác Hồ đã bắt liên lạc với phong trào cách mạng trong nước, mở trường huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ và sáng lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng ta. Tháng 6 năm 1925, Bác Hồ sáng lập báo “Thanh niên”, cơ quan Trung ương của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và số đầu tiên ra mắt bạn đọc vào ngày 21/6/1925. Sau này, Ban Bí thư Trung ương Đảng ta quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là ngày Báo chí Việt Nam.

Sau sáng lập báo Thanh niên, Bác Hồ đã sáng lập báo Công nông vào tháng 12/1926 dành cho công nhân và nông dân nước ta; sáng lập báo “Lính Kách Mệnh” vào tháng 2 năm 1927, dành cho binh lính người Việt Nam (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) và sáng lập nhiều tờ báo nữa… Đến ngày 11 tháng 3 năm 1951, Bác Hồ sáng lập báo Nhân dân-cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Riêng báo Nhân dân, từ năm 1951 đến năm 1969, Bác Hồ đã viết cho báo 1.205 bài, với 23 bút danh khác nhau (theo tên thống kê của báo Nhân dân).

Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Cuộc đời hơn nửa thế kỷ làm báo của Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên trì học tập và rèn luyện. Người đã sáng lập, lãnh đạo và đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp báo chí vô sản Việt Nam và báo chí thế giới, trở thành một nhà báo vô sản vĩ đại.

Nguyễn Duy Cách