Hội nghị cộng tác viên khu vực miền Trung Tây Nguyên

10:36 25/03/2013 Lượt xem: 287 In bài viết

Tới dự Hội nghị có TS Nguyễn Văn Lý-Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III, các đồng chí trong Ban Giám đốc, Đảng uỷ Học viện; đại diện các ban, ngành của thành phố Đà Nẵng; đại diện Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng; lãnh đạo Ban Dân tộc cùng các cộng tác viên của Tạp chí tại miền Trung-Tây Nguyên.

Sau báo cáo của đồng chí Tổng Biên tập về những trọng tâm tuyên truyền trên Tạp chí Dân tộc, các ý kiến trong Hội nghị đã ghi nhận Tạp chí đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền; nội dung đa dạng, phong phú, bám sát thực tiễn vùng miền núi, dân tộc; là cầu nối truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc cũng như tâm tư, nguyện vọng của cấp uỷ, chính quyền các cấp và đồng bào vùng miền núi, dân tộc đối với Đảng, Nhà nước. Các bài viết đăng trên Tạp chí đã phản ánh được cơ sở khoa học, đề xuất các giải pháp phát triển nhanh, bền vững, toàn diện vùng miền núi, dân tộc cùng những vấn đề thực tiễn đặt ra để hoàn thiện các chính sách dành cho vùng miền núi, dân tộc. Tạp chí là tài liệu tham khảo thiết thực cho các nhà khoa học, cán bộ làm công tác dân tộc, giảng viên các Học viện, trường Đại học, là người bạn đồng hành của các độc giả quan tâm đến vùng miền núi, dân tộc.

Nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng bài viết trên Tạp chí trong năm 2012 và những năm tới. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị Lê Khước đề nghị Tạp chí có những bài viết đề cập đến vấn đề bức xúc như: Chuyển biến về nhận thức và hành động chưa đáp ứng yêu cầu của một số cấp, ngành đối với công tác dân tộc; những bất cập trong tổ chức thực hiện những chính sách dành cho vùng miền núi, dân tộc nhưng Uỷ ban Dân tộc không trực tiếp quản lý; đề xuất thay đổi quan điểm của các cấp, các ngành đó là, với vùng miền núi, dân tộc phải thực hiện chính sách đầu tư cho phát triển, có đầu tư, có hỗ trợ thay vì chỉ hỗ trợ…
Theo TS Ngô Văn Minh-Phó Trưởng khoa Dân tộc, Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III, các bài trên Tạp chí cần làm rõ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để Học viện tham khảo giảng dạy, truyền tải cho các học viên là cán bộ cơ sở đang công tác tại vùng miền núi, dân tộc. Đặc biệt cần có bài nghiên cứu giữa chủ trương, chính sách với cách làm trong thực tiễn, tránh tình trạng chủ trương, chính sách đúng nhưng cách làm lại sai do không hiểu đúng những đặc thù về địa bàn, cách sống, suy nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cộng tác viên Nguyễn Bá Thâm-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam đề xuất Tạp chí mở rộng diện phát hành và tham mưu cho Uỷ ban Dân tộc có thông cáo báo chí về tộc danh các dân tộc để các báo, Tạp chí trong cả nước thống nhất cách viết tên các dân tộc.

Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng, Đại tá Đỗ Trung Hội đề nghị Tạp chí mở rộng cộng tác với các giảng viên, nhà khoa học ở các trường Đại học trên địa bàn để đẩy mạnh mảng lý luận, vì có lý luận đúng mới có phương pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại vùng miền núi, dân tộc.

TS Nguyễn Thị Sửu-Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế mong muốn Tạp chí xây dựng quy chế hoạt động cho cộng tác viên; có những bài viết sâu về chủ trương, chính sách, chương trình, dự án tại vùng miền núi, dân tộc, nhất là những chủ trương, chính sách đang còn những nhận thức nhiều chiều và đa dạng về cách làm; Tạp chí nên chọn chủ đề cho từng số để có sự tập trung nghiên cứu, phản ánh chuyên sâu…

Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Những ý kiến tâm huyết của các cộng tác viên sẽ được Ban Biên tập Tạp chí Dân tộc tiếp thu, xem xét, cụ thể hoá vào quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng tuyên truyền trên Tạp chí trong thời gian tới.

Trần Trí Dũng