Trọng tâm tuyên truyền trên Tạp chí Dân tộc
10:16 11/04/2013 Lượt xem: 268 In bài viếtNội dung trao đổi của TBT Tạp chí Dân tộc tại Hội nghị cộng tác viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên
KẾT QUẢ CỦA SỨC MẠNH TỔNG HỢP
Tạp chí Dân tộc là cơ quan lý luận của Ủy ban Dân tộc, là diễn đàn trao đổi, nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn trong thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước.
Là Tạp chí lý luận của công tác dân tộc, lấy nhiệm
vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công
tác dân tộc và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Uỷ ban Dân tộc làm mục đích, tôn
chỉ hoạt động, Tạp chí Dân tộc đã kịp thời đăng các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng,
chính sách của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với
Nghị quyết các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nội dung nói về vấn đề
dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc và nhất là với Nghị quyết Hội nghị lần thứ
bẩy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác dân tộc, Tạp chí đã đi sâu làm
rõ cơ sở lý luận, thực tiễn cùng những nội dung cơ bản qua đó góp phần vào việc
quán triệt Nghị quyết của Đảng, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đã bám sát các sự kiện chính trị và những vấn đề nổi lên ở vùng dân tộc, miền
núi nhất là những địa bàn trọng điểm cùng quá trình thực hiện các chính sách,
chương trình, dự án của Nhà nước để chọn nội dung, mở “diễn đàn trao đổi” trên
Tạp chí. Các diễn đàn trao đổi đã giành được sự quan tâm của nhiều đồng chí lãnh
đạo, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý gắn bó với công tác dân tộc ở Trung
ương và địa phương, được thể hiện sâu sắc trong những bài viết đi sâu làm rõ
thực trạng, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan cùng những giải pháp thiết
thực, giàu tính khả thi. Rồi những kinh nghiệm, những mô hình tiêu biểu trong
thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, những gương sáng giữa cộng đồng
trên các mặt của đời sống xã hội đăng trên chuyên mục “Thực tiễn-Kinh nghiệm-Mô
hình”; những truyền thống cách mạng vẻ vang, những bản sắc văn hóa của các dân
tộc và cả những kinh nghiệm quản lý, vận hành xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và
miền núi của cha ông trong lịch sử, cùng những bài học thành công và chưa thành
công trong tổ chức, quản lý công tác dân tộc, trong đầu tư phát triển vùng dân
tộc và miền núi của các quốc gia trên thế giới nhất là ở các nước trong khu vực
đã được trân trọng giới thiệu trên các chuyên mục: “Dưới mái nhà Tổ quốc”, “Văn
hóa-Xã hội”, “Từ trong lịch sử”, “Nhìn ra nước ngoài”… Đó là những nội dung
thiết thực làm phong phú tờ Tạp chí lý luận chuyên ngành, góp phần vào quá trình
thực hiện công tác dân tộc, vào sự phát triển đi lên ở các địa phương vùng dân
tộc và miền núi-địa bàn xung yếu, chiến lược đang khó khăn nhất của đất nước.
Có được kết quả trên cùng với sự cố gắng của cán bộ, biên tập viên, phóng viên,
chuyên viên của tòa soạn là sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban, sự phối
hợp của các vụ, đơn vị trong Ủy ban, của Ban Dân tộc các tỉnh và đặc biệt là sự
cộng tác thường xuyên, hiệu quả của đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí mà các
đồng chí dự hội nghị hôm nay là đại diện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí
Dân tộc cũng còn những hạn chế, bất cập, đó là:
- Còn những vấn đề nhạy cảm của công tác dân tộc như: Tư tưởng dân tộc lớn, tư
tưởng kỳ thị dân tộc, ly khai dân tộc, rồi tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính
sách làm hạn chế khả năng tự lực, tự cường của địa phương, của người dân chưa
được Tạp chí đi sâu làm rõ. Điều này, với các đồng chí-những người gắn bó với
các tỉnh miền Trung Tây Nguyên hẳn các đồng chí càng không vừa lòng.
- Với những “kinh nghiệm”, “mô hình” được giới thiệu trên Tạp chí có kinh nghiệm,
mô hình chưa thật tiêu biểu, còn một chiều; việc tổng kết thực tiễn thực hiện
chính sách, chương trình, dự án nhất là những chính sách tiêu biểu ở những địa
bàn xung yếu chưa được thực hiện.
Hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà địa bàn Tây Nguyên là
tiêu biểu có 2 vấn đề lớn, hệ trọng, đó là:
1. Lòng tin của đồng bào dân tộc đối với Đảng, với chế độ bị tác động bởi tư duy
cụ thể của đồng bào, theo đó là khoảng cách giữa chủ trương, chính sách dân tộc
với hiệu quả và kết quả tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của
Đảng và Nhà nước.
2. Nguy cơ mất ổn định chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi-địa bàn xung yếu, chiến lược của đất nước do tác động của quy luật phát
triển không đều dẫn đến khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc
ngày càng doãng xa; mức sống và hưởng thụ phúc lợi xã hội của người dân ở miền
núi, vùng cao với đồng bằng, đô thị ngày càng chênh lệch, theo đó là âm mưu hiểm
độc trong Chiến lược Diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch chống Việt Nam.
NHỮNG TRỌNG TÂM TUYÊN TRUYỀN
Để khắc phục những hạn chế trong thực hiện chức năng,
nhiệm vụ của Tạp chí và góp phần giải quyết căn cơ những vấn đề hệ trọng nêu
trên, hoạt động của Tạp chí Dân tộc trong năm 2012 và những năm tiếp theo tập
trung vào những trọng tâm:
1. Tập trung nâng cao tính lý luận, đi sâu làm rõ những vấn đề cơ bản của công
tác dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
và trong chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm nêu trong
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) và trong
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, đó là:
- “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc và vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng
thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”.
- “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng
phát triển”.
- “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị…”
2. Bám sát thực tiễn phong phú, nhiều đặc thù ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án kịp thời làm rõ
những kết quả, kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế, bất cập; đề xuất những giải
pháp, qua đó thể hiện vai trò phản biện xã hội của tờ Tạp chí lý luận về công
tác dân tộc vào quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách dân tộc.
3. Công phu tìm chọn giới thiệu những kinh nghiệm, mô hình tiêu biểu trên các
lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… những gương điển hình tiên tiến,
những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc để giới thiệu trên các chuyên
mục: “Thực tiễn-Kinh nghiệm-Mô hình”, “Gương sáng giữa cộng đồng”; “Văn hóa - xã
hội”; đi sâu vào những vấn đề “nóng”, bức xúc trên địa bàn trọng điểm và cả
những vấn đề cụ thể trong đời sống thường nhật của đồng bào các dân tộc, tỏ rõ
chính kiến để định hướng dư luận, xứng đáng là Tạp chí chuyên ngành trong tuyên
truyền đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, trở thành địa chỉ tin
cậy, diễn đàn rộng rãi của giới nghiên cứu về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc,
là người bạn đồng hành thân thiết của những người làm công tác dân tộc trong cả
nước.
Đây là những vấn đề lớn, cơ bản, lâu dài trong nhiệm vụ tuyên truyền công tác
dân tộc của Tạp chí Dân tộc. Trong thực hiện nhiệm vụ trên, Tạp chí Dân tộc
chúng tôi mong muốn luôn có sự kề vai, sát cánh của đội ngũ cộng tác viên là các
nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu ở các Học viện, trường Đại học, các cán bộ
lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương cùng các đồng nghiệp - những người
tâm huyết với vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, với sự phát triển, đi lên
ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Còn trong hội nghị hôm nay, chúng tôi mong nhận được những ý kiến của các đồng
chí vào những nội dung cụ thể, thiết thực đó là:
1. Làm thế nào để hoạt động của Tạp chí Dân tộc góp phần vào sự phát triển nhanh,
bền vững và toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - địa bàn xung
yếu, chiến lược của đất nước; góp phần vào sự đẩy nhanh công cuộc xoá đói giảm
nghèo, nâng thu nhập và mức sống của đồng bào, để ngăn, giảm độ chênh lệch giữa
miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bằng, đô thị mà mấu chốt là về
cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.
2. Làm thế nào để hoạt động của Tạp chí Dân tộc góp phần vào sự bảo tồn và phát
huy bản sắc văn hoá truyền thống hết sức phong phú của các dân tộc thiểu số
trước tác động của quá trình hội nhập và thực hiện cơ chế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa, để văn hoá dân tộc mãi là nguồn lực to lớn của phát triển.
3. Và làm thế nào để mối quan hệ, cộng tác của các Cộng tác viên với Tạp chí Dân
tộc ngày càng gắn bó, càng hiệu quả. Bởi chất lượng của Tạp chí Dân tộc phụ
thuộc vào chất lượng của từng bài viết, trong đó bài viết của đội ngũ Cộng tác
viên giữ vị trí hết sức quan trọng. Chúng tôi biết, để có được bài viết về vấn
đề dân tộc và công tác dân tộc, về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, tác giả
của bài viết phải hao tốn nhiều tâm, sức. Tòa soạn Tạp chí Dân tộc, Ban Biên tập
của Tạp chí trân trọng tình cảm cùng những bài viết của các đồng chí. Mong sự
cộng tác giữa Tạp chí Dân tộc với các cộng tác viên thật thường xuyên và ngày
càng hiệu quả.