Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư và công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2012

10:35 25/03/2013 Lượt xem: 284 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo tỉnh Lào Cai; huyện Sa Pa; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo 52 Ban Dân tộc và các sở, ngành của 35 tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN THỰC HIỆN ĐỊNH CANH, ĐỊNH CƯ

Ngày 5/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2007/QĐ-TTg về “Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010”. Căn cứ vào Quyết định 33, các địa phương đã lập, thẩm định và phê duyệt 297 dự án. Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 phê duyệt “Kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012” với tổng số 297 dự án.

Tính đến 30/6/2012, đã hoàn thành 20 dự án cho 9.827 hộ, 46.187 nhân khẩu, đạt 33% kế hoạch được phê duyệt; đang thực hiện dở dang 198 dự án; 77 dự án chưa thực hiện vì không có vốn. Các dự án tại 2 tỉnh Bắc Kạn và Sóc Trăng không thực hiện được vì không tìm được quỹ đất sản xuất để cấp cho các hộ. Hiện còn 19.891 hộ, với 94.126 nhân khẩu du canh, du cư chưa được định canh định cư, chiếm 67% theo kế hoạch được phê duyệt. Tổng số vốn chưa được cấp là 1.464 tỷ đồng, chiếm 54% kế hoạch.

Do hiệu lực của Quyết định số 1342/QĐ-TTg đến năm 2012 là kết thúc, trong khi số hộ cần được định canh, định cư theo Kế hoạch còn lớn và số vốn chưa được cấp còn nhiều nên đa số đại biểu thống nhất kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 33/QĐ-TTg đến năm 2015; bố trí đủ vốn cho các dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là ở vùng biên giới để các địa phương hoàn thành bố trí dân cư ổn định, tránh gây lãng phí…

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2012

Năm 2012, hầu hết các chính sách dân tộc đã hết hiệu lực, song việc xây dựng, ban hành các chính sách mới cần phải được xem xét, cân nhắc kỹ về cơ chế, chính sách, nguồn lực, lộ trình tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình chung của đất nước. Trong bối cảnh đó, Ủy ban Dân tộc đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc hiện hành; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các chính sách cho vùng miền núi, dân tộc giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020. Do được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012 và có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Ủy ban nên đến cuối tháng 6/2012, đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được 8/20 đề án, tiến độ nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái.

Việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách, chương trình, dự án do Ủy ban Dân tộc quản lý như: Chương trình 135 giai đoạn II; dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2012; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; Đề án phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ; Quyết định số 2472/QĐ-TTg về cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015; chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số… được quan tâm. Song nhìn chung quá trình thực hiện ở địa phương gặp nhiều lúng túng do vướng mắc cơ chế quản lý, vốn phân bổ thấp. Ủy ban Dân tộc đã chủ động khảo sát, nắm thực tế để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi cho phù hợp.

Ở địa phương, cơ quan làm công tác dân tộc đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, một số chính sách, chương trình, dự án đang có hiệu quả và rất thiết thực với đồng bào các dân tộc thiểu số đã hết hiệu lực từ năm 2010 như: Chương trình 135 giai đoạn II, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 1592, giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long, chính sách vay vốn theo Quyết định 32… nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách mới thay thế; một số chính sách về y tế, giáo dục, dạy nghề còn bất cập, chưa công bằng, chậm được sửa đổi được xác định là những vấn đề dễ tạo ra bức xúc, rào cản đối với công tác dân tộc hiện nay.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong tham mưu, xây dựng các đề án trình Chính phủ. Phó Thủ tướng đồng ý với việc tiếp tục thực hiện Quyết định 33/2007/QĐ-TTg đến năm 2015, đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu hút vốn ODA và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế… nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả chương trình; lưu ý các địa phương giải quyết việc nhập hộ khẩu thường trú, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư theo đúng pháp luật để đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc tập trung xây dựng các chính sách, chương trình, dự án mới giai đoạn 2012-2016 trình Thủ tướng Chính phủ; chủ động nắm sát tình hình vùng miền núi, dân tộc để đề xuất các chính sách phù hợp, giúp đồng bào giảm nghèo nhanh, bền vững.

Phó Thủ tướng giao Uỷ ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại việc thành lập Học viện Dân tộc; hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc nhiệm kỳ 2011-2016. Đối với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng ủng hộ giao cho Ủy ban Dân tộc quản lý. Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục thành lập tổ biên tập, ban soạn thảo và mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện 8 đề án đã xây dựng trước đó để trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử đề nghị các địa phương rà soát lại những hộ dân có nhu cầu di cư, tìm cách giải quyết thận trọng, đúng quy định; tùy vào điều kiện địa lý tự nhiên từng địa bàn mà bố trí dân cư tập trung cho phù hợp, nhằm đảm bảo điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống. Các địa phương tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan, đơn vị làm công tác dân tộc, thường xuyên phối hợp với Ủy ban Dân tộc rà soát các chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Nguyễn Quang Hải