Sự tan rã của Liên Xô nhìn từ vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc
04:29 10/04/2013 Lượt xem: 1922 In bài viếtSau khi chống thù trong giặc ngoài thắng lợi, nhân dân Xô Viết bắt tay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 30/12/1922, trên cơ sở tự nguyện của các dân tộc, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) ra đời, đó là thắng lợi quan trọng trong chính sách dân tộc Lêninnít.
Sau khi chống thù trong giặc ngoài thắng lợi, nhân dân Xô Viết bắt tay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 30/12/1922, trên cơ sở tự nguyện của các dân tộc, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) ra đời, đó là thắng lợi quan trọng trong chính sách dân tộc Lêninnít.
Những kế hoạch do Đảng Cộng sản vạch ra được nhân dân Liên Xô nhiệt liệt hưởng ứng, khắp nơi sục sôi không khí lao động hòa bình. Chỉ trong một thời gian ngắn tiến hành công nghiệp hóa đất nước, Liên Xô từ một nước nông nghiệp là chính đã trở thành một nước công nông nghiệp. “Lịch sử chưa từng thấy công cuộc xây dựng công nghiệp mới nào có quy mô to lớn như thế, chưa từng thấy nhiệt tình như thế đối với một công cuộc xây dựng mới, chưa từng thấy tinh thần lao động anh dũng như thế của hàng triệu quần chúng giai cấp công nhân. Đó là cao trào lao động thực sự của giai cấp công nhân, triển khai trên cơ sở thi đua xã hội chủ nghĩa. Lần này nông dân cũng tiến kịp công nhân. Ở nông thôn cũng đã bắt đầu có cao trào lao động của quần chúng nông dân hướng hẳn vào các nông trang tập thể” (Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, trang 456). Lao động được coi là “sự nghiệp danh dự, sự nghiệp vinh quang, sự nghiệp dũng cảm và anh hùng (Stalin). Cho tới giữa năm 1941, tức là trước khi chiến tranh vệ quốc vĩ đại bắt đầu, Liên Xô đã là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, chính trị và quân sự, trở thành cường quốc đứng đầu Châu Âu, thứ hai thế giới. Qua chiến tranh vệ quốc, chủ nghĩa xã hội đã phát huy tính ưu việt to lớn của nó, truyền thống dân tộc, lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội đã đánh bại chủ nghĩa phát xít.
Phát huy những thắng lợi huy hoàng trong chiến tranh, nhân dân Liên Xô đã tiếp tục thực hiện các kế hoạch 5 năm. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đạt được những thành tựu rất to lớn. Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới. “Từ một nước có nền nông nghiệp nhỏ, cá thể, Liên Xô đã trở thành một nước đại nông nghiệp, tập thể và cơ giới hóa”. (Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, trang 491).
Tuy nhiên, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cũng bộc lộ những thiếu sót, không tôn trọng đầy đủ những quy luật khách quan về kinh tế, thiếu sự phát triển cân đối giữa các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Khi cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 nổ ra, các nước tư bản đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu thì Liên Xô vẫn phát triển kinh tế theo chiều rộng, Nhà nước vẫn duy trì cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, không tiếp thu được những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật. Nó đưa đến hậu quả là cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 nền kinh tế trì trệ, đất nước rơi vào tiền khủng hoảng. Giữa năm 1985, Goócbachốp lên cầm quyền lãnh đạo và khởi xướng công cuộc cải tổ nhưng không thành công, đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về mặt chính trị. Ngày 19/8/1991, một nhóm trung kiên trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã tổ chức cuộc đảo chính định lật đổ Goóc ba chốp nhưng thất bại. Goóc ba chốp đã ra lệnh giải tán Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động, các đảng phái được phép thành lập trước đó đã tuyên bố đối lập với Đảng Cộng sản Liên Xô. Chính quyền trung ương suy yếu, các nước cộng hòa nhân cơ hội đó đã li khai khỏi Liên bang, tuyên bố độc lập, làm cho Liên Xô tan rã. Ngày 25/12/1991, Tổng thống Goóc ba chốp từ chức, lá cờ đỏ búa liềm trên nóc điện Kremli bị hạ xuống, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết sau hơn 7 thập kỷ tồn tại.
2. Đi liền với quá trình xây dựng, phát triển cũng như sụp đổ của Liên Xô đều có liên quan mật thiết tới vấn đề dân tộc. Một trong những đặc điểm quan trọng của Liên Xô là có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó phần lớn là người Nga, còn lại nhiều dân tộc thiểu số sống ở những miền biên thùy khá xa thủ đô Mátxcơva. Trước khi tan rã, Liên Xô có 15 nước cộng hòa: Ácmênia, Adécbaigian, Bêlôrútxia, Éttônia, Gduria, Karắcxtan, Kítgiria, Látvia, Lítva, Mônđavia, Nga, Tátgikítxtan, Tuốcmênia, Ucraina, Urơbêkíttan. Thực tế là, vấn đề dân tộc luôn được đặt ra trong suốt quá trình hình thành, tồn tại, phát triển và tan rã của Liên Xô. Khuynh hướng chủ nghĩa sô vanh Đại Nga và khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc địa phương luôn thường trực.
Lênin và sau đó là Stalin đã rất chú trọng giải quyết vấn đề dân tộc. Các ông đã đưa ra những quan điểm rõ ràng trong thực hiện chính sách dân tộc ở Liên Xô. Tại Đại hội VIII Đảng Cộng sản Nga (3/1919), Lênin đã bác bỏ quan điểm chống Bônsêvích của Bukharin và Piatacốp về vấn đề dân tộc. Cả hai người này đều phản đối việc ghi vào cương lĩnh đoạn nói về quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối sự bình đẳng về pháp luật của các dân tộc, viện lẽ rằng khẩu hiệu ấy ngăn trở thắng lợi của cách mạng vô sản, ngăn trở sự thống nhất vô sản các dân tộc khác nhau. Lênin bác bỏ những quan niệm nước lớn và sôvanh tai hại ấy của Bukharin và Piatacốp. Tại Đại hội X (3/1921), Báo cáo về vấn đề dân tộc do Stalin trình bày đã chỉ rõ: Chúng ta đã xóa bỏ sự áp bức dân tộc, nhưng như thế chưa đủ. Nhiệm vụ đặt ra là xóa bỏ cái di sản nặng nề của quá khứ, thủ tiêu tình trạng lạc hậu về kinh tế, chính trị và văn hóa của các dân tộc trước kia bị áp bức. Phải giúp họ tiến kịp vùng trung tâm của nước Nga về phương diện ấy. Stalin đã chỉ rõ hai khuynh hướng chống Đảng trong vấn đề dân tộc: Chủ nghĩa sôvanh nước lớn (Đại Nga) và chủ nghĩa dân tộc địa phương. Tại Đại hội XII (4/1923), Stalin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên quyết thực hiện việc xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các dân tộc trong Liên Xô về kinh tế và văn hóa và cho rằng toàn Đảng kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm trong vấn đề dân tộc, chống chủ nghĩa sôvanh Đại Nga và chủ nghĩa dân tộc địa phương tư sản. Sự bình đẳng về quyền lợi của mọi công dân Liên Xô, không phân biệt dân tộc và chủng tộc, đã ghi vào Hiến pháp Liên Xô, được thông qua tại Đại hội VIII các Xô viết họp tháng 1/1936.
Như vậy, các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng đã luôn được Lênin và Stalin quán triệt trong thực hiện chính sách dân tộc. Khối đoàn kết dân tộc, vì thế, được củng cố vững chắc đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh thắng các cuộc tấn công xâm lược từ bên ngoài. Các cuộc nổi dậy của những kẻ đòi li khai dân tộc hay những hoạt động biểu hiện chủ nghĩa sô vanh nước lớn đã được Lênin, Stalin và Đảng Cộng sản xử lý tốt đẹp trên nguyên tắc mácxít về vấn đề dân tộc.
Sau khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại, thế giới đã hình thành hai phe: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, cuộc chiến tranh lạnh và đối đấu giữa hai cực Xô - Mỹ, hai khối Đông - Tây cũng như “ai thắng ai” diễn ra quyết liệt. Những nhà lãnh đạo Liên Xô đã tập trung giải quyết vấn đề giai cấp, chủ quan không chú ý đúng mức tới vấn đề dân tộc. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, vấn đề dân tộc ở Liên Xô đã được giải quyết xong, giờ chỉ còn phải giải quyết vấn đề giai cấp. Đại hội Đảng lần thứ XXII (năm 1961) cho rằng Liên Xô đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội, giờ đây bước vào xây dựng chủ nghĩa cộng sản với các mục tiêu: thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, năng suất lao động cao nhất thế giới, mức sống của nhân dân cao nhất thế giới, và cho rằng, thời gian để đạt được các mục tiêu này là từ 15 đến 20 năm.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XVII, Stalin đã nói nhiều về những tàn tích của chủ nghĩa tư bản trong ý thức con người trong lĩnh vực dân tộc là lĩnh vực trong đó những tàn tích của chủ nghĩa tư bản đặc biệt dai dẳng. Đảng Bôn sê vích đã chiến đấu trên hai mặt trận: chống khuynh hướng chủ nghĩa sô vanh Đại Nga và chống khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc địa phương. Trả lời câu hỏi muốn biết trong vấn đề dân tộc, khuynh hướng nào là nguy cơ chính, Stalin nói: “Nguy cơ chính là khuynh hướng mà người ta thôi không đấu tranh chống lại nó, và do đó để cho nó phát triển thành nguy cơ cho Nhà nước” (Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, trang 493). Đáng tiếc là, những lưu ý đó đã không được những người kế tục quan tâm một cách thực sự và cần thiết.
Chúng ta biết rằng, giữa dân tộc và giai cấp có mối quan hệ biện chứng. Giải quyết tốt vấn đề giai cấp là điều kiện để giải quyết vấn đề dân tộc. Nếu như vấn đề giai cấp được coi là vấn đề trong nước, tức là vấn đề về mối tương quan của các giai cấp ở trong nước, thì giai cấp công nhân và nông dân ở Liên Xô hoàn toàn có thế thắng giai cấp tư sản ở nước mình về kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng, khi vấn đề giai cấp không được giải quyết tốt và đồng thời lại không chú ý đúng mức tới vấn đề dân tộc đã gây ảnh hưởng xấu tới việc thực hiện chính sách dân tộc và đoàn kết giữa các dân tộc trong Liên bang. Khi khí thế cách mạng đang ở tầm cao, cuộc chiến tranh lạnh diễn ra hàng ngày thì vấn đề lợi ích vật chất bị những cái khác che lấp. Nhưng, theo năm tháng, cuộc sống đời thường được đặt lên bàn nghị sự và kinh tế - xã hội khủng hoảng, lợi ích dân tộc không được đảm bảo đã làm xuất hiện tư tưởng là có nên ở trong Liên bang hay ra khỏi nó. Và, xu hướng thứ hai đã thắng thế. Lúc chính quyền trung ương suy yếu là cơ hội tốt cho chủ nghĩa dân tộc địa phương nổi lên đòi li khai.
Trong khi đó, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không lúc nào ngừng tìm cách chống Liên Xô về vấn đề dân tộc. Thực tế là, ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười cho đến khi Liên Xô tan rã, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách làm suy yếu chính quyền Xô Viết trong đó chúng triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc. Hơn nữa, để giải quyết khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước, Liên Xô phải nhờ vào bên ngoài, dần dần có những lệ thuộc và mất đi phần nào sự độc lập và tính tự quyết về đường lối chính trị. Chủ nghĩa đế quốc đã lợi dụng thực tế đó để can thiệp vào vấn đề dân tộc của Liên Xô, kích động sự li khai dân tộc.
Trong quá trình tồn tại, Chính phủ Liên Xô cũng đã có quan điểm đàn áp thẳng tay những phần tử dân tộc thiểu số đòi li khai, đi ngược lại chiến lược đoàn kết toàn dân tộc. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch được dịp kích động các phong trào đòi li khai dân tộc.
3. Từ sự tan rã của Liên Xô, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, vấn đề dân tộc có liên quan mật thiết với vấn đề kinh tế - xã hội, do đó, chính sách dân tộc phải luôn được đặt trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước. Không bao giờ được phép chủ quan, lơ là trong vấn đề dân tộc. Đây là vấn đề còn tồn tại lâu dài, kể cả trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội. Phải giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối chính trị, tránh lệ thuộc bên ngoài.
Hai là, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, làm cho khoảng cách phát triển giữa các dân tộc ngày càng xích lại gần nhau, là cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở đây, cần thấy rõ vai trò trách nhiệm của Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số thấy được quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước như những đồng bào dân tộc đa số. Khơi dậy tiềm năng sáng tạo, sức vươn lên, phát huy nội lực, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng dân tộc.
Ba là, tôn trọng phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết của đồng bào, không được hòa tan cộng đồng nhỏ vào cộng đồng lớn. Nhà nước cần có những chính sách hiệu quả để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và tôn vinh những giá trị văn hóa của đồng bào.
Bốn là, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc đi đôi với chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, làm thất bại mọi âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự ổn định và phát triển của đất nước.
ThS. Đặng Đức Nghĩa
ThS. Nguyễn Đức Hòa
Học viện Cảnh sát Nhân dân