Văn hóa "công bộc" Hồ Chí Minh soi đường thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI)

09:51 11/04/2013 Lượt xem: 350 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">

Khác với nhiều nước, ở nước ta, trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì mối quan hệ giữa nhân dân với Chính phủ là biện chứng. "Nếu không có nhân dân thì chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối". Trong đó Chính phủ từ Trung ương đến cơ sở phải là nòng cốt, phải là lực lượng có văn hóa công bộc dẫn đường để đoàn kết thật sự. Theo Hồ Chí Minh thì phải "thật thà đoàn kết" chứ không phải là "thủ đoạn". Vì thế tư tưởng của Người mang tầm cao văn hóa công bộc này đã soi đường cho quốc dân đi suốt quá trình xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa dân và Chính phủ.

Trong bối cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng dưới ánh sáng tư tưởng của Người, hàng loạt những công việc lớn nhỏ của đất nước đã được triển khai hiệu quả. Cách mạng thắng lợi, chính quyền đã hoàn toàn về tay nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ do Người đứng đầu đã kêu gọi tất cả các đảng phái, nhân sĩ, trí thức, vua quan của chế độ vừa bị lật đổ tham gia chính phủ liên hiệp lâm thời để cùng nhau gánh vác việc dẫn đường cho dân tiếp tục đi tới; cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta được tiến hành ngày 6/1/1946, các hoạt động của Quốc hội đã để lại nhiều ấn tượng: hai đảng Việt quốc và Việt cách biết rõ họ không phải là lực lượng của dân, không tham gia ứng cử nhưng sau đó, từ "thật thà đoàn kết", đặt niềm tin vào nhân dân, vào văn hóa ứng xử và uy tín của mình, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc hội khóa I "mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người" để hai đảng không có người tham gia ứng cử cũng được vào Quốc hội, để Nguyễn Hải Thần đại diện cho Đảng Việt cách được Hồ Chí Minh giới thiệu làm phó chủ tịch nước; các bộ ngoại giao, kinh tế, xã hội, canh nông đều do người của Việt quốc, Việt cách đảm nhận. Như vậy, ngay từ đầu bản chất dân chủ của nhà nước Việt Nam được thể hiện trong thực tế rất rõ ràng, việc mọi người dân nước Việt đều có thể tham gia chính quyền các cấp tự nó đã là một giá trị văn hóa ứng xử cách mạng có giá trị giáo dục ý thức dân chủ cao cho cán bộ, đảng viên và đồng bào cả nước, đồng nghĩa với đòi hỏi về phẩm chất của công chức nhà nước trong bộ máy chính quyền các cấp, tất cả đều phải tuân theo nguyên tắc dân chủ mới như Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tất cả đều phải là "công bộc của dân" nên: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta".

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, nhân dân đã hoàn toàn thẩm định ai thực sự là đại biểu, là công bộc của dân; ai là giả danh, thủ đoạn và không thể tự cải tạo... Trước sự phán xét ngặt nghèo ấy, lần lượt những "đại biểu" không "thật thà" yêu dân, kính dân, hết sức làm việc vì dân đều đã không có lý do tồn tại trong guồng máy chính phủ, họ đã lần lượt ra đi. Số công chức phải ra đi ấy chủ yếu là người của Việt quốc, Việt cách, những phần tử tha hóa, nhiều thủ đoạn...

Thực tiễn lịch sử 67 năm qua đã hoàn toàn chứng minh rằng, sau khi nước nhà giành độc lập, từ "lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới" đến nay mặc dù có lúc thế này, thế khác, nhưng nhìn xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển thì mối quan hệ giữa nhân dân với chính phủ là khăng khít, đoàn kết thành một khối. Tuyệt đại đa số cán bộ công chức trong chính phủ từ trung ương đến làng đều ghi nhớ những lưu ý và chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, ghi nhớ sâu sắc bằng những hành động thiết thực, sáng tạo. Cách mạng Việt Nam đã không chỉ đứng vững, phát triển vượt qua mọi hoàn cảnh, càng khó khăn càng sáng tỏ bản lĩnh và phẩm chất sáng tạo do có khối đại đoàn kết. Sức sống ấy không chỉ trong đấu tranh giành độc lập dân tộc mà cả trong xây dựng CNXH. Công cuộc xây dựng CNXH - cuộc chiến đấu hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm, nhiều khó khăn đã có lúc lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt - hoàn cảnh cách mạng thế giới thoái trào rồi Liên Xô sụp đổ. Thế nhưng nhân dân và chính phủ vẫn khăng khí một lòng, đoàn kết cùng đi vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đất nước lại đạt những thành tựu hết sức quan trọng, ra khỏi tình trạng kém phát triển, khỏi tốp những nước nghèo nhất thế giới và đang đẩy mạnh các quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc duy trì mối quan hệ giữa nhân dân và chính phủ vẫn còn không ít hạn chế, thiếu sót kéo dài làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với chính phủ, tức là suy giảm lòng tin đối với Đảng bởi sự tồn tại và mọi hoạt động của chính phủ đều do Đảng lãnh đạo, hầu hết cán bộ, đảng viên đều được giao những trọng trách và số đông công chức trong chính phủ đều là đảng viên của Đảng. Vì vậy những suy giảm trong mối quan hệ giữa dân với chính phủ không được khắc phục sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chính phủ, của chế độ. Đứng trước tình hình đó, hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 4 (khóa XI) đã có Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Vấn đề đặt ra bức bách nhất là phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...".

Việc ban hành Nghị quyết này đã phản ánh đúng đòi hỏi bức bách của xã hội Việt Nam. Tình cảm cách mạng của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ càng bộc lộ sâu sắc, đông đảo nhân dân đang vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì Đảng đã có Nghị quyết hợp lòng dân, lo vì đã có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng tương tự nhưng vẫn "không đạt yêu cầu". Đây cũng là một vấn đề đặt ra đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải có quyết tâm lớn, thống nhất cao, biện pháp thực hiện hợp lý và tinh thần triển khai quyết liệt.

Đón nhận Nghị quyết "với một tình cảm hồ hởi, vui mừng, đồng tình, nhất trí cao" đấy là niềm tin, là tình cảm cách mạng có căn cứ khoa học, tình cảm được bộc lộ trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp. Cũng trong thư gửi uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã nói rõ "Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm, thì phải ra sức sửa chữa". Đã nhiều nghị quyết tương tự được triển khai nhưng vẫn "không đạt yêu cầu" mà Đảng không chùn bước, Đảng đang quyết tâm cao hơn, tìm cho ra những giải pháp tốt hơn chính là Đảng đang "ra sức sửa chữa". Đảng, chính phủ đang cùng nhân dân đoàn kết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên trước hết ở những biểu hiện cơ bản nhất như Hồ Chí Minh đã lưu ý đó là: "trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo".

Rõ ràng thư gửi uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng là một giá trị văn hóa cách mạng, nó soi đường cho quốc dân đi trong mọi hoàn cảnh. Giá trị văn hóa ấy lại được tôn cao trong khí thế triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng lối sống có văn hóa trong quan hệ giữa nhân dân với Đảng, với chính phủ. Đặc biệt văn hóa "công bộc" được tôn cao trong tự phê bình và phê bình thì Nghị quyết Trung ương 4 nhất định sẽ biến thành hiện thực.

Lương Thị Thúy Nga

Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên