Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày thương binh, liệt sĩ
10:03 25/03/2013 Lượt xem: 308 In bài viếtĐúng ba tuần lễ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Thực dân Pháp núp bóng quân Anh phản lại phe đồng minh, phản lại nước ta chúng đã phối hợp quân đồng minh đánh Phát xít Nhật-đã xâm lược Nam bộ ngày 23/9/1945, đúng như lời tuyên bố của Tướng Đờ Gôn nhân danh nước Pháp tự do mà gần 6 tháng trước đó đã bị Nhật đảo chính hất cẳng khỏi Đông Dương: “Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu Liên bang, gồm 5 xứ khác nhau… sẽ cùng với nước Pháp xây dựng thành khối “Liên hiệp Pháp” mà quyền đối ngoại sẽ do Pháp đại diện, sẽ có 1 Chính phủ liên bang đứng đầu là một viên Toàn quyền…”, một lời tuyên bố hão huyền, sặc mùi đế quốc thực dân.
Nước ta lại đi vào cuộc chiến đấu mới để bảo vệ Tổ quốc. Ngày 5/11/1945, cả nước ta đã tổ chức ngày “Toàn quốc kháng chiến”, tại cuộc Mít tinh ở Thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố:
“Việt Nam không muốn đổ máu, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hi sinh và kháng chiến”.
Trong chiến đấu, nhiều chiến sĩ đã hi sinh và bị thương ở chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ. Trong thư gửi đồng bào Nam bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến, và Ủy ban hành chính Nam bộ ngày 10/3/1946, Người viết:
- Trong giờ phút này, tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng! vì đây là bước đầu đàm phán để đi đến thắng lợi, cuộc đàm phán đầu tiên đã gây dựng được những điều kiện chính trị của chúng ta phải biết lợi dụng để đạt tới các mục đích: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”!
Sau khi sang Pháp trở về, cuộc kháng chiến chống Pháp ở phương Nam vẫn diễn ra ngày càng ác liệt. Có nhiều chiến sĩ hi sinh, nhiều con em liệt sĩ trở thành côi cút. Ngày 7/11/1946, nhân danh Chính phủ Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã ra thông báo nhận con các liệt sĩ làm “con nuôi” với nội dung sâu đậm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”:
- “Vì muốn thay mặt Tổ quốc và toàn thể đồng bào và chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hi sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà…tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của mình”.
Cùng ngày 7/11/1946, Người đã đến dự lễ “Mùa Đông binh sĩ” tại Hà Nội-Người đã có thư gửi đồng bào toàn quốc:
- Hằng ngày tôi lưu tâm đến công cuộc “Mùa Đông binh sĩ” thấy các tôn giáo, báo chí, các đoàn thể, các thân hào và toàn thể đồng bào đều sốt sắng tham gia, tôi rất vui lòng và cảm động.
Tôi xin thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ tấm lòng nhiệt thành của quốc dân. Chiếc áo trấn thủ mà đồng bào sẽ gửi cho anh em binh sĩ trong mùa rét này chẳng những giúp anh em giữ gìn được sức mạnh để bảo vệ đất nước, mà lại còn khiến cho anh em luôn luôn nhớ đến tình thân ái nồng nàn của đồng bào ở hậu phương.
Cuối tháng 12/1946, chiến sĩ “Sao vuông” Vũ Đình Thanh con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã gửi thư đến Bác sĩ đang cứu chữa thương binh: - Thưa ngài, tôi được báo cáo rằng: Con giai Ngài đã anh dũng hi sinh cho Tổ quốc! Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái, nước Việt Nam là gia đình của tôi, tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hi sinh để giữ gìn đất nước, thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Thà chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam, họ là con thảo của đức chúa, họ đã thực hiện khẩu hiệu “Thượng đế và Tổ quốc”, những thanh niên đó là Anh hùng dân tộc, đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quyên ơn họ.
Đọc xong bức thư huyết lệ này, Bác sĩ Vũ Đình Tụng tự coi nỗi đau, sự hi sinh của gia đình mình trở nên nhỏ bé, trong tình thương mênh mông, coi sự hi sinh của Hồ Chủ tịch thật là cao cả với dân tộc, sau đó thân phụ người liệt sĩ “sao vuông” đã lên chiến khu Việt Bắc phục vụ kháng chiến, rồi trở thành Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Năm 1947, căm thù giặc Pháp xâm lược, không chỉ có nam giới mà còn có cả thanh nữ lên đường tòng quân theo truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, nhiều người hy sinh, bị thương ở chốn xa trường. Tháng 6 – mùa hè năm ấy, tại ATK, Hồ Chủ tịch đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “ngày thương binh” để đồng bào có dịp tỏ lòng “hiếu nghĩa” yêu mến thương binh. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Bác Hồ, một Hội nghị trù bị tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã thống nhất ngày 27/7 hằng năm là ngày “Thương binh toàn quốc”, và sẽ tổ chức ngày đó ngay trong năm Đinh Hợi 1947 cách ta 65 năm về trước (trừ những ngày kỷ niệm quốc tế) ngày thương binh toàn quốc là ngày kỷ niệm trong nước đầu tiên được tổ chức tối ngày 27/7/1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ - Thái Nguyên, có 300 đại biểu của Trung ương, địa phương và nhân dân sở tại tham dự, mọi người được nghe bức thư của Bác Hồ gửi Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc.
Người kêu gọi đồng bào nhường cơm xẻ áo để giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ khó khăn, và Người đã cùng các nhân viên trong cơ quan đem số tiền là 1.127 đồng để giúp các thương binh.
Báo Vệ quốc quân (tiền thân là Báo Quân đội nhân dân bây giờ) đã đăng bức thư trên trong ngày 27/7/1947, ai đọc cũng cảm động và nhất trí đồng tâm hưởng ứng. Người viết:
- “Đang khi tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, vợ con, anh em, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh. Thương binh là người đã hi sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt; Vì vậy đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Kỷ niệm ngày thương binh 27/7/1948, Người lại gửi bức thư đầy tâm huyết tới đồng bào:
“Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe dọa tràn ngập cả non sông tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập tổ quốc làm hại đồng bào.
Bác viết tiếp những dòng chữ xót xa: “ Họ quyết liều chết chống địch cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý, vợ trẻ trở nên bà góa, con dại trở nên mồ côi, trên bàn thờ thêm 1 “linh bài tử sĩ”. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh” (sau này mới gọi là liệt sĩ).
Không chỉ là những lời động viên, chia sẻ qua thư, mà Người đã tiên phong gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó thông qua những việc làm thiết thực, gửi quà tặng thương binh, gia đình liệt sĩ, vào dịp kỷ niệm 27/7 hàng năm, Bác thường gửi tặng một tháng lương cho thương binh, đến thăm các trại điều dưỡng thương binh, Bác đã có câu nói bất hủ “thương binh tàn nhưng không phế” có sức động viên mạnh mẽ hàng vạn thương binh cố gắng phấn đấu vươn lên có cuộc sống, niềm tin mãnh liệt, làm gương sáng cho đời. Anh thương binh La Văn Cầu trong chiến dịch Biên giới (1950) Người đầu tiên được tuyên dương phong tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội năm 1952 – một việc làm đầy ý nghĩa của dân tộc ta với những người con đã xả thân vì nước vì dân, cứu nguy dân tộc.
Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước gần đây, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa 3) giáp Tết cổ truyền Bính Ngọ (1966) trong bài nói của Bác, Người vẫn yêu cầu các địa phương, đoàn thể phải coi trọng giúp đỡ gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có con cháu là liệt sĩ đi xa (đi B - C), các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ phải phụ trách việc này, Chính phủ phải góp phần vào việc này trực tiếp có kế hoạch là thanh niên, phụ nữ.
Có thể nói: Những thắng lợi dân tộc ta giành được từ ngày có Đảng trong thế kỷ 20, đưa nước ta thành một quốc gia độc lập, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới, dân ta từ nô lệ thành người làm chủ đất nước, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có công lao đóng góp to lớn của hàng triệu thương binh-liệt sĩ; nước ta có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ, và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc, là tinh thần chiến đấu anh dũng, trực tiếp của hàng triệu “con Lạc cháu Hồng” hy sinh cho Tổ quốc quyết sinh.
Hơn sáu chục năm đã qua thực hiện chủ trương của Đảng, Bác Hồ về trách nhiệm với thương binh liệt sĩ và người có công, phong trào toàn dân “đền ơn đáp nghĩa đã trở thành nét đẹp trong đời sống của toàn dân, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ phù hợp của nhà nước ngày càng được mở rộng, việc xã hội hóa công tác thương binh liệt sĩ đã thu hiệu quả khá cao với những việc làm thiết thực, giúp đỡ nhiều gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, đi tìm hài cốt liệt sĩ về an táng tại hàng ngàn nghĩa trang, tất cả đều ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng và miền núi. Công tác đền ơn đáp nghĩa với hàng triệu đối tượng chính sách là công việc thường nhật của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong cả nước, đã và đang làm vơi đi nỗi đau, sự mất mát do kẻ thù gây nên, góp phần giúp các đối tượng ngày càng ổn định cuộc sống, giúp họ yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần, động viên họ đóng góp vào sự phát triển của dân tộc, phấn đấu trở thành “Người thương binh gương mẫu, gia đình liệt sĩ kiểu mẫu”, đại bộ phận thương binh “tàn nhưng không phế” đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Giàng A Xênh