Nhiệm kỳ 2011-2016: Kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác dân tộc, bố trí đúng người, đúng việc và phấn đấu bảo đảm tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số.

04:12 10/04/2013 Lượt xem: 255 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">PV: Xin kính chào và trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Dân tộc.

Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm! Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đánh giá ý nghĩa của sự kiện này đối với hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử:

Đảng ta luôn khẳng định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vai trò hết sức quan trọng và đã đề ra quan điểm chỉ đạo công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng là: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm phát triển nhanh, toàn diện, bền vững vùng dân tộc và miền núi. Nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2012/NĐ-CP ngày 12/10/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc. Nghị định quy định Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.

Cùng với Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc, Nghị định 84/2012/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý để Ủy ban Dân tộc tiếp tục cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

PV: Vậy đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết Nghị định 84 có những điểm gì mới so với Nghị định cũ (Nghị định 60/2008/NĐ-CP, ngày 09/5/2008) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc nhiệm kỳ 2007-2011?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử:

Nghị định 84 có nhiều điểm mới so với Nghị định cũ. Trước hết, về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân tộc được tăng thêm và mở rộng, từ 24 nhiệm vụ trong Nghị định cũ nâng lên 26 nhiệm vụ trong Nghị định mới. Nhiệm kỳ này, các nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc được Nghị định 84 quy định rõ hơn, cụ thể hơn, đặc biệt điểm mới của Nghị định lần này quy định rất rõ ràng về nhiệm vụ: “Điều tra, nghiên cứu, tổng hợp về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các dân tộc, thành phần dân tộc, tên gọi, phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số và những vấn đề khác về dân tộc” và nhiệm vụ “Trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tiêu chí xác định thành phần dân tộc, danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam”.

Về cơ cấu tổ chức để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Dân tộc có sự thay đổi quan trọng. Điểm mới Nghị định lần này không quy định có các thành viên Ủy ban như Nghị định cũ là Thứ trưởng của 8 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường. Theo Nghị định 84, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy Uỷ ban Dân tộc và các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; lần này, Nghị định mới cũng quy định rõ chức danh “Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm” thay vì “Phó Chủ nhiệm” như Nghị định cũ.

Đi liền với sự thay đổi về cơ cấu tổ chức là cơ chế làm việc. Cơ cấu tổ chức theo mô hình có thành viên Ủy ban như trước đây, phần lớn những nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc thực hiện chỉ mang tính phối hợp; nay theo Nghị định 84, Ủy ban Dân tộc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ với tính chủ động cao hơn và hiệu quả hơn trong tổ chức xây dựng chiến lược, chính sách, đề án, dự án, chương trình hành động, quy hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh quốc phòng vùng dân tộc và miền núi trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt hoặc ban hành. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện chiến lược, chính sách; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có liên quan đến công tác dân tộc; rà soát việc thực hiện chính sách dân tộc ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ở các địa phương để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, so với Nghị định cũ, Nghị định 84 quy định số lượng các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc tăng thêm 1 Vụ mới là Vụ Dân tộc thiểu số, giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê thuộc phạm vi quản lý nhà nước về công tác dân tộc, hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, bộ dữ liệu về công tác dân tộc thiểu số Việt Nam…

Các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc có thêm Nhà khách Dân tộc.

Các Vụ quản lý Nhà nước được tổ chức cấp phòng có Vụ Chính sách Dân tộc, Vụ Địa phương II, Vụ Địa phương III theo Nghị định cũ và lần này, Nghị định mới quy định bổ sung thêm Vụ Kế hoạch-Tài chính được tổ chức phòng, với số lượng là 2 phòng. Theo đó, lần này Vụ Tổng hợp không được tổ chức phòng; đối với Văn phòng Ủy ban có cấp phòng và Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm, nhiệm kỳ này, Ủy ban Dân tộc sẽ thành lập thêm 3 đơn vị: Văn phòng Điều phối Chương trình 135; Ban Quản lý xây dựng cơ bản; Ban Quản lý Dự án Điện mặt trời.

Những sự thay đổi nêu trên nhằm thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, đảm bảo thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ở các Vụ. Nghị định 84 của Chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

PV: Theo Bộ trưởng, sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, cơ chế làm việc sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử:

Cần phải thấy rằng sự thay đổi đó là tất yếu khách quan và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ công tác dân tộc. Ở vùng dân tộc và miền núi hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết: Tỷ lệ đói nghèo cao, khoảng cách chênh lệch vùng miền đang có xu hướng ngày càng doãng ra; chất lượng nguồn nhân lực thấp; cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc tuy có được cải thiện, nhưng vẫn còn ở mức thấp; đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất… Đối với từng dân tộc (nhất là những dân tộc có dân số dưới 1 vạn người), từng vùng cũng có những khó khăn đặc thù, không nơi nào giống nơi nào, đòi hỏi phải có những chính sách đặc thù.

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, thực hiện mục tiêu được Chính phủ đề ra là đảm bảo an sinh xã hội, trong đó tập trung ưu tiên cho nhóm người nghèo, vùng nghèo thì sự thay đổi cơ cấu tổ chức và cơ chế làm việc được quy định trong Nghị định 84 là điều kiện thuận lợi để Ủy ban Dân tộc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách hiện nay ở vùng miền núi, dân tộc, đó là: Chủ động xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao; các chính sách đầu tư hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn (núi đá, lũ quét, lũ ống, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai); các chính sách, dự án bảo tồn và phát triển đối với các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người; chính sách phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc, miền núi; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí ở vùng dân tộc thiểu số; chính sách để đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; chính sách phát triển các cơ sở đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực vùng miền núi, dân tộc. Trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tiêu chí xác định thành phần dân tộc, danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam; tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; danh mục xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…

Một điểm mới quan trọng nữa là trong Nghị định 84, Ủy ban Dân tộc đã được Chính phủ giao quyền phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong việc lập kế hoạch, trình Chính phủ phân bổ nguồn lực giảm nghèo cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số; thẩm định hoặc tham gia thẩm định các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật. Đây là một cơ chế rất quan trọng giúp đảm bảo vốn đầu tư cho các chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi được cấp đầy đủ hơn, khắc phục tình trạng thiếu vốn để thực hiện chính sách như trước đây.

PV: Như Bộ trưởng, Chủ nhiệm vừa đề cập, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc trong nhiệm kỳ 2011-2016 có sự thay đổi. Vậy, công tác tổ chức cán bộ chắc chắn cũng sẽ có những sự thay đổi. Ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử:

Đúng vậy, công tác tổ chức cán bộ luôn được Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Ủy ban quan tâm. Đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các vụ, đơn vị sẽ sớm được kiện toàn ngay sau khi Nghị định 84 có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, đối với công tác tổ chức cán bộ, kể từ nhiệm kỳ 2011-2016, Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc hướng dẫn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị.

Tháng 4/2012, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quy hoạch phát triển nhân lực hệ thống cơ quan công tác dân tộc giai đoạn 2012 – 2020. Quy hoạch yêu cầu cán bộ là người dân tộc thiểu số, đặc biệt với các vị trí lãnh đạo chủ chốt, công tác trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc đến năm 2020 ở cả 3 cấp: Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện phải chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Trong đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy cơ quan đã chỉ đạo các Vụ, đơn vị tiến hành kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo 3 nội dung của Nghị quyết. Kết quả kiểm điểm là căn cứ quan trọng để đánh giá về tư tưởng chính trị, tính tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống, tinh thần đoàn kết, năng lực, trình độ cán bộ ở từng cương vị công tác. Trên cơ sở đó, xem xét, lựa chọn bổ nhiệm những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, tâm huyết với lĩnh vực công tác dân tộc vào vị trí lãnh đạo cấp Vụ, đơn vị theo nguyên tắc "giao đúng người, đúng việc", đồng thời tạo điều kiện để cán bộ có năng lực, trong quy hoạch tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, phấn đấu từng bước đảm bảo tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số, tiến tới cơ cấu cán bộ toàn ngành có đủ đại diện là người của các dân tộc thiểu số. Công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp vụ cho nhiệm kỳ này, Ban Cán sự Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ trước khi bổ nhiệm. Đi liền với việc giới thiệu người đảm nhiệm các chức danh cấp vụ và tương đương, sẽ chỉ đạo tất cả cán bộ lãnh đạo cấp vụ (đương chức và diện quy hoạch) dự kiến sẽ bổ nhiệm vào các chức danh của nhiệm kỳ mới đều phải viết chương trình hành động cá nhân, nếu được bổ nhiệm phải có cam kết trách nhiệm thế nào, nhất là chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Quy định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo cấp vụ lần này phải được chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy trình, đúng các quy định của Trung ương về bổ nhiệm, từ chức, miễn nhiệm… và sát với tình hình thực tiễn của ngành cơ quan Uỷ ban Dân tộc.

Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Ủy ban sẽ tiếp tục lựa chọn đưa vào quy hoạch cán bộ tốt, có triển vọng phát triển về năng lực lãnh đạo, quản lý, trong đó quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện. Quan điểm này cũng đồng thời được chỉ đạo nhất quán, chặt chẽ trong thực hiện công tác tổ chức cán bộ tại các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban.

Cùng với đổi mới công tác tổ chức cán bộ, trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm toàn khoá, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Uỷ ban sẽ đề cao phân cấp, tăng cường đoàn kết và tạo điều kiện để mỗi tập thể, cá nhân phát huy tính năng động, sáng tạo, cùng góp sức vào việc thực hiện thắng lợi công tác dân tộc trong nhiệm kỳ mới.

Nhiệm vụ của toàn ngành công tác dân tộc trong nhiệm kỳ 2011-2016 rất nặng nề. Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, đề cao vai trò của người đứng đầu, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, cổ vũ và phát huy tình đoàn kết giữa các dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng dân tộc và miền núi nước ta ngày càng đổi mới, phát triển.

PV: Một lần nữa xin được cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã trả lời phỏng vấn!

Quang Hải - Phương Liên