Thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013: Đại biểu Quốc hội quan tâm đầu tư vùng miền núi, dân tộc

08:30 11/04/2013 Lượt xem: 294 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong năm 2013, Chính phủ cần tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lòng tin thị trường và xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Đại biểu: Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình); Trương Minh Chiến (Bạc Liêu); Huỳnh Thị Kim Bé (Kiên Giang); Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ); Phương Thị Thanh (Bắc Cạn); Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi); Ya Duck (Lâm Ðồng); Triệu Thị Nái (Hà Giang)... quan tâm vấn đề đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay cũng như thời gian tới, nhất là những chính sách liên quan đời sống kinh tế - xã hội, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chương trình xóa đói, giảm nghèo tại các vùng này.

Theo nhiều đại biểu, hiện nay, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi, đời sống đang gặp rất nhiều khó khăn, tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa... còn hạn chế. Do đồng bào dân tộc cư trú phần lớn ở khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn-nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai; điều kiện canh tác khó khăn, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, kinh tế kém phát triển, đời sống của một bộ phận đồng bào bấp bênh. Theo đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang), thu nhập trung bình trên đầu người ở các xã đặc biệt khó khăn chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân của cả nước. Hơn 200 xã và hơn 8.000 thôn, bản chưa được sử dụng điện, hơn 300 nghìn hộ gia đình chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gần 16 nghìn thôn, bản chưa đủ nhà trẻ, lớp mẫu giáo; tỷ lệ hộ nghèo trung bình ở các xã đặc biệt khó khăn trên 50%, cả nước vẫn còn hơn 900.000 hộ nghèo. Những năm qua, nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng thoát nghèo chưa bền vững; một bộ phận có nguy cơ tái nghèo cao. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) tỏ ra băn khoăn khi tỷ lệ hộ cận nghèo, mới thoát nghèo còn cao, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nên các đối tượng này dễ bị tái nghèo trở lại. Về công tác giảm nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cho rằng có nhiều cơ quan, tổ chức tham gia công tác này, nhưng sự phối hợp chưa tốt. Các chính sách hỗ trợ nhiều, song chưa bền vững. Ðại biểu này đề nghị, cần giao cho địa phương quản lý, thực hiện sẽ hiệu quả hơn. Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Năm 2013, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát và điều chỉnh chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm giúp lao động nông thôn, nhất là tại 62 huyện nghèo có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên sự biến động về hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức, thực hiện. Nhà nước cần huy động sự tham gia của toàn xã hội thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phát triển đa dạng các hệ thống dịch vụ cơ bản tại các khu vực này. Ðối với chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Ya Duck (Lâm Ðồng) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hằng năm để triển khai thực hiện chương trình đã được phê duyệt nhằm sớm đạt được mục đích, yêu cầu và các chỉ tiêu đề ra. Ðại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng, Nghị quyết 30a của Chính phủ quy định cơ chế chưa rõ ràng nên nhiều hộ nghèo không muốn thoát nghèo, vì ở diện nghèo được hưởng hỗ trợ. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị, Chính phủ khi ban hành các chương trình, dự án, chính sách mới cần cân nhắc các nguồn lực đảm bảo để khi thi hành có tính khả thi cao, nhất là đối với các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đồng tình việc Chính phủ tăng chi đầu tư cho các xã nghèo, huyện nghèo, các chương trình đặc biệt khó khăn, nhất là chương trình an sinh xã hội, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) kiến nghị cần tăng cường bố trí chi cho địa phương, giảm chi ở các bộ, ngành Trung ương; tăng chi cho đầu tư, giảm tối đa chi cho hành chính sự nghiệp. Liên quan đến việc phân bổ vốn ngân sách chi một số chương trình thực hiện chính sách dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, đại biểu Danh Út đề xuất: Chính phủ tách riêng hai chương trình 135 giai đoạn III và chương trình hỗ trợ 62 huyện nghèo, giao cho cơ quan chủ quản quản lý; bố trí vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vào chương trình 134 giai đoạn III và chương trình định canh định cư. Cho rằng năm 2013 là năm số vốn bố trí cho đầu tư phát triển có tỷ lệ thấp nhất trong những năm gần đây, chưa bảo đảm được nguyên tắc tối thiểu, chưa coi trọng trung và dài hạn, đại biểu đề nghị Quốc hội giữ mức tối thiểu là 180.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Chính phủ chỉ đạo rà soát lại, kiên quyết cắt giảm các dự án, các chương trình chưa hiệu quả để bố trí vốn cho các chương trình hiệu quả hơn như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 134, 135…

Quang Hải