Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII quyết định: Tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III.

10:48 25/03/2013 Lượt xem: 230 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cắt giảm 1.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2013-2015 của các dự án thành phần về truyền thông, giám sát đánh giá và nâng cao năng lực ở các chương trình mục tiêu quốc gia chuyển sang bổ sung cho dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là “Chương trình 135, bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn” và “Chương trình 30a, bao gồm nội dung, nhiệm vụ của Chương trình 30a đang thực hiện và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương cho từng chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo bố trí đủ kinh phí được Quốc hội quyết định; xây dựng cơ chế huy động nguồn lực ngoài nước, vốn tín dụng, vốn góp của dân cư để cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Như vậy, “thương hiệu” Chương trình 135 đã được khôi phục. Đây là tin vui đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp vùng miền của cả nước. Bởi lẽ những năm qua, cái tên Chương trình 135 đã trở nên thân thuộc với đồng bào các dân tộc đồng thời được cấp ủy, chính quyền các địa phương xác nhận là một trong những chương trình phát triển kinh tế-xã hội quan trọng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn.

Ngược dòng thời gian, Chương trình 135 ra đời từ năm 1998, theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Kết thúc giai đoạn I (1998-2005), 56% số xã đặc biệt khó khăn có đủ 7 loại công trình thiết yếu; diện tích, năng suất, sản lượng cây lương thực tăng đáng kể, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện; chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ được cải thiện một bước… Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu là những bất cấp: Cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống của đồng bào còn nhiều thiếu khó; tỷ lệ hộ nghèo cao; cá biệt có xã, thôn, bản tới 100%; năng lực, trình độ cán bộ cơ sở thấp… chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Từ thực tế trên, ngày 10/1/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II).

Giai đoạn này, Chương trình có 4 nhiệm vụ chính: Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc; Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; Hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010), tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010 (mục tiêu Chương trình đến hết năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 30%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/người/năm (Mục tiêu Chương trình đến hết năm 2010 đạt có trên 70% số hộ có thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/người/năm). Tăng tỷ lệ xã có đường giao thông cho xe cơ giới (xe máy trở lên) từ trung tâm xã đến thôn, bản lên 80,7% (mục tiêu hết năm 2010 là 80%); Đảm bảo 100% xã có trạm y tế (mục tiêu đến năm 2010 đạt 100%); 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí.

Với những thành quả đạt được, Chương trình 135 được đồng bào các dân tộc thiểu số và các địa phương gọi tên là “Chương trình của ý Đảng, lòng dân”. Xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Chương trình đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ; niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước được củng cố, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng chiến lược xung yếu. Chương trình được cộng đồng quốc tế, nhất là các nhà tài trợ ngân sách cho Chương trình (Ngân hàng Thế giới, Phần Lan, Irelan, AusAid, EC, UNDP...) đánh giá là Chương trình giảm nghèo toàn diện, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, ít thất thoát nhất, được nhiều Chính phủ, tổ chức quốc tế đến tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm.

Có một thực tế là kết thúc giai đoạn II, một số mục tiêu của Chương trình 135 chưa đạt được. Đó là: Nâng tỷ lệ xã có công trình thủy lợi nhỏ bảo đảm năng lực phục vụ sản xuất từ 53,7% năm 2006 lên 70% năm 2010 (mục tiêu đến năm 2010 là 80%); Tăng tỷ lệ xã có trường, lớp học kiên cố lên 83,6% (mục tiêu đến năm 2010 là 100%). Nâng tỷ lệ học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn lên 90% (mục tiêu đến năm 2010 là 95%); Tăng tỷ lệ xã có điện đến trung tâm xã lên 84,6% (mục tiêu đến năm 2010 là 100%); Tỷ lệ hộ có đủ nước sinh hoạt đạt 67,8% (mục tiêu đến 2010 là 80%).

Thực tế trên là thách thức lớn đối với quyết tâm rút ngắn khoảng cách phát triển về kinh tế-xã hội giữa các vùng, miền và sự chênh lệch về mức sống, hưởng thụ phúc lợi xã hội của người dân ở đồng bằng, đô thị và đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, an toàn khu.

Phải khẳng định rằng việc tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III và các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2016 là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Với cơ chế và nguồn lực mới, Chương trình sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn, tạo đà đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững ở địa bàn khó khăn nhất của đất nước hiện nay; để nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển” - nhân tố cơ bản đảm bảo sự ổn định xã hội và củng cố sự bền chặt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được hiện thực hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hoàng Thu