Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành chính sách vay vốn sản xuất với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

03:05 11/04/2013 Lượt xem: 261 In bài viết

Đối tượng được vay vốn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) sống ở các xã (phường, thị trấn) thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ có đủ 2 tiêu chí:

- Mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% trở xuống so với chuẩn hộ nghèo theo quy định hiện hành.

- Có phương án sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất.

Nguyên tắc cho vay là công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Hàng năm, có rà soát để bổ sung và đưa ra khỏi diện những hộ không còn thuộc diện khó khăn. Việc cho vay phải dựa trên các phương án sử dụng vốn vay và cam kết cụ thể của từng hộ có hướng dẫn cách làm ăn của chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp; ưu tiên những hộ khó khăn hơn được vay vốn trước.

Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có thể vay một lần hoặc nhiều lần với tổng mức vay không quá 8 triệu đồng/hộ, không phải dùng tài sản đảm bảo tiền vay và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Như vậy, tổng mức vay theo quy định mới sẽ tăng hơn 3 triệu đồng/hộ so với mức quy định tại Quyết định 32/2007/QĐ-TTg (5 triệu đồng/hộ). Lãi suất vay là 0,1%/tháng, tương ứng 1,2%/năm. Thời hạn cho vay được căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay nhưng tối đa không quá 5 năm.

Xử lý và gia hạn nợ: Trường hợp đến hạn trả nợ nhưng hộ vay vốn vẫn thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn vay thì được xem xét kéo dài thời gian trả nợ nhưng tối đa không quá 5 năm. Nếu hộ vay đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn nhưng chưa thoát nghèo theo chuẩn nghèo và hộ gặp khó khăn tài chính tạm thời chưa có nguồn trả nợ thì có thể được xem xét kéo dài thời gian trả nợ, nhưng tối đa không quá 2,5 năm.

Trường hợp hộ vay đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nếu không thực hiện nghĩa vụ sẽ bị áp dụng lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Các hộ gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các khó khăn bất khả kháng khác không trả được nợ thì được xử lý rủi ro theo quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, các hộ phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, không được sử dụng khoản vốn vay để gửi lại vào các ngân hàng khác.

Nguồn vốn để thực hiện cho vay theo quyết định này đối với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách sẽ do Ngân sách Trung ương cấp qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đối với những địa phương tự cân đối được ngân sách, kinh phí thực hiện được tính vào ngân sách hàng năm của địa phương và chuyển cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện.

Quyết định của Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các địa phương thực hiện; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện; hàng năm, rà soát, xây dựng kế hoạch vốn để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách vay vốn và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện chính sách theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Chính sách Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn quy trình và thủ tục cho vay đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; thực hiện cho vay vốn, thu hồi nợ, hướng dẫn kéo dài thời gian sử dụng vốn vay và hướng dẫn xử lý rủi ro theo quy định. Định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban Dân tộc và Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các cấp trong tổ chức thực hiện việc cho vay vốn sản xuất với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Được biết, thực hiện Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và 126/2008/QĐ-TTg, từ năm 2008 đến năm 2010, ngân sách Trung ương đã bố trí 676,93 tỷ đồng/1.376,8 tỷ đồng, đạt 49,2% nhu cầu cho 77.365 hộ vay/275.365 hộ (đạt 28,1%) để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện đời sống. Năm 2011, ngân sách Trung ương cấp 60 tỷ đồng cho 12.000 hộ vay vốn. Năm 2012, ngân sách Trung ương bố trí 200 tỷ đồng nhưng do Quyết định 32/2007/QĐ-TTg hết hiệu lực từ năm 2010 nên Ngân hàng Chính sách Xã hội không triển khai cho vay.

PV