Khánh thành Công trình Tượng đài " Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên"

10:39 25/03/2013 Lượt xem: 413 In bài viết

Sinh thời, vì hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu chưa một lần đến Tây Nguyên thăm đồng bào, nhưng tấm lòng của Bác luôn hướng về miền Nam, về Tây Nguyên ruột thịt. Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (ngày 19/4/1946), một sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với các dân tộc thiểu số Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức tại Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bác đã dạy bảo ân cần và vô cùng sâu sắc: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Lời thư của Bác như ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, tiếp thêm sức mạnh đại đoàn kết cho các dân tộc Tây Nguyên. Dù chưa một lần được đón Bác vào thăm, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn dành cho Người những tình cảm yêu quý nhất; luôn thành kính tin tưởng và tuyệt đối đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, phải đổ bao mồ hôi, xương máu, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất trước quân thù, tỏ rõ tấm lòng thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng tin yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng, lập được nhiều chiến công hiển hách trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên nằm trong một quần thể các kiến trúc có diện tích 12,5 ha. Tượng Bác được làm bằng đồng tấm dày 5 ly, theo công nghệ ép tạo hình và hàn, là công nghệ mới lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam; tượng cao 10,8

mét, trọng lượng 16 tấn; bệ tượng cao 4,5 mét với mẫu Bác Hồ đứng một mình trong tư thế đang giao tiếp với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tay phải Bác giơ lên vừa phải, khoan thai, dung dị, thể hiện phẩm chất cao quý, vĩ đại nhưng rất gần gũi, bình dị của Người. Kết cấu tượng và bệ tượng được các nhà khoa học tính toán rất kỹ, công trình có thể chịu được động đất 7 độ rich te, gió xoáy cấp 12 và nhiệt độ đến 90oC không bị biến dạng.

Phía sau tượng Bác là bức phù điêu, chỗ cao nhất 11 mét, rộng 58 mét, diện tích 600 m2, bằng chất liệu đá tự nhiên của Thanh Hóa, với trọng lượng trên 1.000 tấn, được đặt trên bệ cao 1,5 mét. Phía trước bên phải Quảng trường là tháp đá bazan có chiều cao 12 mét, gồm 54 trụ đá bazan tự nhiên, biểu tượng đại đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Phía trước bên trái Quảng trường là Thạch thư bằng tảng đá hoa cương cao 6 mét, rộng 3,5 mét, dày 2,5 mét, mặt trước khắc Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku ngày 19/4/1946. Hai bên sân lễ đài là hai dàn cồng chiêng gồm các chiêng bằng, chiêng núm là biểu tượng của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại.

Phía sau phù điêu là ngọn núi màu xanh với các loại cây cỏ được mô phỏng theo dáng núi Hàm Rồng là ngọn núi thiêng cao nhất ở cao nguyên Pleiku. Phía trước tượng Bác là cột cờ cao 25 mét, với lá Quốc kỳ trên 40 m2. Tượng Bác nhìn về hướng Đông Nam, trước mặt là quảng trường có diện tích 23.823 m2 với 205 ô cỏ. Tổng thể kiến trúc của tượng đài, quảng trường, cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Bảo tàng cổ vật và tượng đài Anh hùng Núp đã tạo nên một quần thể lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật hoàn chỉnh của tỉnh.

Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên mang ý nghĩa sâu sắc về chính trị, tư tưởng, lịch sử và văn hóa, là món quà của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dành cho Tây Nguyên, thể hiện tấm lòng của Đảng, Bác Hồ đối với Tây Nguyên và tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, khắc ghi lời dạy của Bác, người Tây Nguyên luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ như điểm tựa tinh thần, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và ngày nay đang tiến hành công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần từng bước làm cho Tây Nguyên ngày càng trở nên trù phú, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện…Tổng Bí thư tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, đạt nhiều thành tựu và đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và toàn dân tộc. Tổng Bí thư mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lai sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và khai thác công trình tượng đài Bác một cách hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, giáo dục tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, nhất là đối với các thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng yêu nước và phát huy truyền thống cách mạng của Tây Nguyên bất khuất, của Việt Nam văn hiến và anh hùng.

BBT