Tọa đàm "Vai trò của lãnh đạo nữ dân tộc thiểu số trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc".
09:35 11/04/2013 Lượt xem: 422 In bài viết
Tới dự Tọa đàm có đồng chí Giàng Seo Phử-Ủy viên Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban
Dân tộc; các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Lãnh đạo Ủy ban các vấn đề
xã hội của Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đại diện một số ban,
bộ, ngành của Trung ương; đại diện các vụ, đơn vị trong Ủy ban Dân tộc; đại diện
Ban Dân tộc, Sở Nội vụ một số địa phương; Bà Nguyễn Nguyệt Nga-Đại sứ, Vụ trưởng
Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương-Bộ Ngoại giao, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nâng
cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập
kinh tế quốc tế; Bà Jean Munro-Chuyên gia cấp cao của UNDP, đại diện của Chương
trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam.
Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử hoan
nghênh sáng kiến của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Ủy ban Dân tộc), Ban Quản lý Dự
án Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh
hội nhập kinh tế quốc tế (Bộ Ngoại giao) và UNDP đã tổ chức cuộc tọa đàm có ý
nghĩa thiết thực góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của phụ
nữ dân tộc thiểu số-vốn là mục tiêu và chìa khóa của sự phát triển bền vững,
nhất là ở vùng miền núi, dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: Phụ nữ dân tộc
thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc là nhân tố
quan trọng thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Những năm qua, Ban
Cán sự Đảng, Đảng ủy cơ quan Ủy ban Dân tộc đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo toàn
diện trong tất cả các khâu của công tác cán bộ: Tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm. Do vậy, ngày càng có nhiều cán bộ, công
chức nữ đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong các vụ, đơn vị cũng như tham gia
trong các tổ chức chính trị, đoàn thể của Ủy ban. Những kết quả đó thể hiện sự
quan tâm đặc biệt cũng như quyết tâm của Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Ủy ban Dân
tộc về công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng, góp phần tích
cực thực hiện và thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Quốc gia Bình đẳng giới và Chiến
lược Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Tại cuộc Tọa đàm, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã trao đổi thông tin về
tình hình phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan dân cử, cơ quan quản
lý nhà nước ở Trung ương và địa phương nói chung và giữ vị trí lãnh đạo nói
riêng. Ở Việt Nam, mặc dù phụ nữ tham gia gần bằng nam giới trong các lĩnh vực
của đời sống xã hội nhưng tỷ lệ phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói
riêng tham gia lãnh đạo trong khu vực nhà nước còn rất hạn chế, đặc biệt là ở vị
trí lãnh đạo cấp cao và cấp điều hành. Nguyên nhân chủ yếu là do những định kiến
về văn hóa, xã hội, vai trò truyền thống của giới, những rào cản về thể chế và
thiếu trọng tâm về bình đẳng giới trong quản lý nguồn nhân lực nói chung, thiếu
hình mẫu người phụ nữ lãnh đạo điển hình để học tập và noi theo…
Các ý kiến thảo luận đều đánh giá cao và khẳng định Việt Nam là một trong số ít
các quốc gia có cam kết chính trị dài hạn thực hiện mục tiêu phát triển Thiên
niên kỷ của Liên hiệp quốc về bình đẳng giới, thể hiện trong Chiến lược Quốc gia
về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia
Vì sự tiến bộ của phụ nữ; đồng thời đánh giá cao quyết tâm của Ủy ban Dân tộc
phấn đấu đến năm 2020 có Thứ trưởng là nữ.
Thống nhất quan điểm chừng nào mà tỷ lệ nữ tham gia trong các lĩnh vực chính trị,
xã hội còn thấp thì chừng đó vấn đề bình đẳng giới vẫn chỉ dừng lại ở hình thức,
thiếu thực chất, các đại biểu đề xuất các bộ ngành, địa phương cần tăng cường
tuyên truyền về bình đẳng giới; kiến nghị và tham mưu, đề xuất với Quốc hội,
Chính phủ điều chỉnh hoặc thay đổi cơ chế, luật pháp thực hiện chính sách tham
chính của phụ nữ trong hệ thống chính trị cho cán bộ chủ chốt của các cấp ủy
đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội,
trong các giai tầng xã hội; hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình
đẳng giới và công tác cán bộ nữ, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật và
chính sách có nhiều bất lợi đối với phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực của
đời sống chính trị đồng thời nghiên cứu ban hành những chính sách và quy định
pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ và nam giới, đảm bảo tốt hơn
quyền lợi chính đáng cho phụ nữ; xây dựng các chính sách đặc thù về giới như hỗ
trợ phụ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức… nhằm tạo
điều kiện cho sự tham gia, phát triển toàn diện của phụ nữ; tăng cường tạo nguồn
cán bộ nữ và đặt trong Chiến lược Quốc gia về phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo
điều kiện thuận lợi, hợp lý để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện,
trưởng thành; chú trọng công tác phát hiện, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi
dưỡng để tăng cường nguồn nhân sự cán bộ nữ lãnh đạo; điều chỉnh, thay đổi tuổi
nghỉ hưu của cán bộ nữ làm cơ sở điều chỉnh tuổi đào tạo, đề bạt, luân chuyển,
sử dụng cán bộ nữ trong hệ thống chính trị.
Quang Hải - Phương Liên