Tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội đối với các dân tộc rất ít người.
08:33 11/04/2013 Lượt xem: 415 In bài viếtThời gian tới, các bộ, nghành địa phương cần phối hợp để giải quyết những vấn đề rất căn bản đối với đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc rất ít người nói riêng trên quan điểm thực hiện đồng bộ các chính sác về phát triển kinh tế- xã hội cụ thể cho từng dân tộc, hoặc nhóm dân tộc rất ít người. Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại phiên giải trình về " Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội đối với các dân tộc rất ít người, thực trạng và giải pháp cho giai đoạn 2012- 2020" do hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức mới đây tại Hà Nội.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CÙNG NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Việt Nam hiện có 16 dân tộc rất ít người (dân số dưới 10.000 người) gồm: La Ha, La Hủ, Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pu Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu sinh sống tập trung chủ yếu ở vùng cao, biên giới các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum…
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2006 đến
nay, ngoài những chính sách chung cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương
trình 135 giai đoạn II, Quyết định 167, 134 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước
sinh hoạt, nhà ở cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, chính sách cho đồng
bào vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư, hỗ
trợ trực tiếp bằng tiền…, Chính phủ đã ban hành 6 dự án hỗ trợ phát triển kinh
tế-xã hội giai đoạn 2006-2010 cho 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người, gồm: Si
La (Điện Biên và Lai Châu); Pu Péo (Hà Giang); Ơ Đu (Nghệ An); Brâu, Rơ Măm (Kon
Tum), với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng; ngày 26/9/2011, Thủ tướng
Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc: Mảng,
La Hủ, Cống, Cờ Lao” nhằm ưu tiên hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã
hội cho các dân tộc rất ít người, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã
hội cho các địa bàn khó khăn; từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần
cho đồng bào; nâng dần năng lực phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho người dân
đi lại, phát triển sản xuất, giao lưu, tiếp cận thông tin, thụ hưởng dịch vụ y
tế, chăm sóc sức khỏe vào giáo dục tốt hơn.
Những chính sách được ban hành và thực thi thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối
với vùng miền núi, dân tộc đặc biệt khó khăn nói chung, một số dân tộc thiểu số
rất ít người nói riêng, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, bức
xúc nhất của đồng bào các dân tộc rất ít người. Nhờ đó, đời sống vật chất và
tinh thần của đồng bào các dân tộc rất ít người được cải thiện, góp phần thúc
đẩy công tác xóa đói giảm nghèo, củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào đối
với lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân
tộc; trật tự an toàn xã hội, an ninh khu vực biên giới cơ bản được giữ vững,
đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho các dân tộc rất ít người đã và đang bộc lộ những bất cập, tồn tại. Đồng bào dân tộc rất ít người đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về gia tăng khoảng cách giàu - nghèo; trình độ dân trí, sản xuất thấp… Trong tổng 379 thôn, bản đã định cư ổn định, còn 41 thôn, bản chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Bình quân đất sản xuất/nhân khẩu là 0,1 ha, thấp nhất là dân tộc Pà Thẻn chỉ có 0,04 ha. Chất lượng đất sản xuất xấu, điều kiện canh tác khó khăn, chủ yếu là nương núi đá, nương núi đất có độ dốc cao. Đất rừng ở khu vực đồng bào sinh sống lớn nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, vườn rừng quốc gia cần bảo vệ nghiêm ngặt. Bình quân lương thực đầu người của các dân tộc rất ít người rất thấp, như: dân tộc Chứt 142kg/người/năm, Pu Péo 182kg/người/năm, Pà Thẻn 204kg/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người ở tất cả các dân tộc này là 2,174 triệu đồng/năm; thấp nhất là dân tộc Chứt và Lô Lô 1,6 triệu đồng/năm, cao nhất là dân tộc Lự 3,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 54%, trong đó dân tộc Chứt còn trên 80% hộ nghèo… Tuổi thọ trung bình của các dân tộc rất ít người thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và dưới 5 tuổi cao gấp 3 đến 4 lần bình quân cả nước. Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết khá cao…
Đánh giá của các bộ, ngành cho thấy các chính sách dành cho đồng bào dân tộc rất ít người chưa bao phủ hết lĩnh vực và địa bàn; công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực hàng năm đối với các dân tộc rất ít người chưa đảm bảo; nguồn lực của Nhà nước phân bổ cho các chương trình, dự án còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu kế hoạch dẫn đến việc có dân tộc được hưởng rất ít chính sách hoặc chưa có chính sách riêng, có dân tộc đã có chính sách nhưng chưa bố trí được nguồn lực để thực hiện…
Ngoài những nguyên nhân do điều kiện tự nhiên, xuất phát điểm thấp gây cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc rất ít người, thì việc chậm triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, do các địa phương thiếu các căn bản hướng dẫn như Quyết định 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 về phát triển giáo dục giai đoạn 2010-2015; có quyết định chưa được bố trí vốn như Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 về hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao và Quyết định 2710/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 là một thực tế và đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc rất ít người. Qua khảo sát của Hội đồng Dân tộc, phần thụ hưởng của các dân tộc rất ít người đối với các chính sách còn rất thấp, không đủ để cải thiện đời sống còn rất nhiều khó khăn của đồng bào.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2013-2020
Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn kiến nghị, để hỗ trợ các dân tộc rất ít người, giai đoạn 2013-2020, Chính phủ cần tập trung giải quyết đất sản xuất, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và quy hoạch khu dân cư. Sớm triển khai hiệu quả việc để đồng bào tham gia phát triển rừng đặc dụng được hưởng 200.000 đồng/ha/năm. Bố trí sớm, đủ vốn và nâng cao mức hỗ trợ đầu tư cho các dân tộc rất ít ngưới; quan tâm bố trí vốn cho các chương trình, dự án đã phê duyệt để có nguồn lực thực hiện; tăng mức hỗ trợ chính sách trực tiếp cho người nghèo theo Quyết định 102, chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cán bộ; có chính sách đặc thù, đảm bảo tính linh hoạt cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án.
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề xuất cần có chính sách hỗ trợ bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu; hỗ trợ bảo tồn làng, bản truyền thống của các dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống; hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ dân gian; câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào các dân tộc rất ít người. Tăng cường năng lực của các chủ thể văn hóa, đề cao các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để họ nhận thức, tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc mình thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, tập trung hỗ trợ công tác truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, nghệ nhân.
Liên quan đến y tế và chất lượng dân số, Bộ Y tế cho biết: Từ nay đến năm 2020, Bộ sẽ xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng dân số và thể lực của các dân tộc ít người, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất và nâng cấp trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc rất ít người.
Bộ đang xây dựng chương trình y tế nông thôn gắn với
chương trình mục tiêu nông thôn mới, sẽ tăng cường trạm y tế và cô đỡ thôn bản
cho vùng khó khăn của 63 huyện nghèo. Đẩy mạnh kết hợp quân dân y, kết hợp bệnh
xá và trạm y tế của bộ đội Biên phòng; đồng thời trình Chính phủ quyết định luân
phiên, luân chuyển, liên tục có cán bộ y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới từ 6
tháng đến 1 năm.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: Đảng và Nhà
nước đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự
án được triển khai nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc và miền núi, khẳng định rõ bản chất ưu việt của chế độ chủ nghĩa xã hội ở
nước ta. Qua thực hiện các chính sách đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời
sống của đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc ít người nói riêng. Các
chính sách đầu tư phát triển dành cho đồng bào dân tộc của Nhà nước là bước quan
trọng để đảm bảo sự phát triển bình đẳng giữa các dân tộc. Tuy có rất nhiều cố
gắng, nỗ lực trong triển khai thực hiện, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc còn
nhiều khó khăn, đặc biệt là những dân tộc còn rất ít người; chính sách được ban
hành chưa rõ đặc thù, còn bị chồng chéo, định mức thấp so với nhu cầu và yêu cầu;
thời gian thực hiện ngắn; trong chỉ đạo, thực hiện còn chưa quyết liệt…
Thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp để giải quyết những vấn đề rất căn bản đối với đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc rất ít người nói riêng trên quan điểm thực hiện đồng bộ các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho từng dân tộc, hoặc nhóm dân tộc rất ít người.
Từ nay đến 2015, phải tổng kết toàn diện về thực hiện chính sách dân tộc nói chung, chính sách đặc thù đối với các dân tộc rất ít người nói riêng, trên cơ sở đó xây dựng chương trình thực hiện chính sách từ năm 2012-2020 để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với các dân tộc rất ít người, tập trung vào vấn đề nhà ở, đất ở, đất sản xuất; chính sách y tế, dân số, sinh sản đối với dân tộc rất ít người; các vấn đề về giáo dục, đào tạo, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; công tác thông tin tuyên truyền… Điều căn bản là Chính phủ cần bảo đảm bố trí đủ và hợp lý nguồn vốn phân bổ hàng năm để đảm bảo thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người.