Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992

09:53 18/04/2013 Lượt xem: 348 In bài viết

Đồng chí Sơn Minh Thắng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị. Tới dự có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng, Nông Quốc Tuấn, Hoàng Xuân Lương, Phan Văn Hùng; nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lù Văn Que, Bế Trường Thành; đại diện Vụ Dân tộc và Tôn giáo-Ban Dân vận Trung ương, Vụ Dân tộc-Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Các ý kiến tại Hội nghị đã bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Khẳng định Dự thảo sửa đổi đã đáp ứng được tinh thần mới, bảo đảm toàn diện, đồng bộ các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, bảo vệ đất nước trong giai đoạn tới; kỹ thuật lập hiến được nâng lên một bước quan trọng; nội dung Dự thảo ngắn gọn, rõ ràng, tính khái quát cao.

Liên quan đến Điều 4, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương và Phan Văn Hùng phân tích hoàn cảnh Việt Nam khác với nhiều nước khi chỉ có duy nhất một Đảng lãnh đạo. Tán thành các nội dung sửa đổi, bổ sung vào điều 4 Hiến pháp về Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, các đại biểu đề nghị Hiến pháp phải quy định rõ cơ chế giám sát của nhân dân với Đảng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đảng.

Góp ý vào nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lù Văn Que đề xuất: Điều 24 “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật” đề nghị cần bổ sung quy định “Không được lợi dụng điều này để tự do du canh du cư trái pháp luật”.

Về Điều 28 “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”, đại biểu Lù Văn Que đề nghị nâng tuổi ứng cử lên 25 tuổi để đảm bảo trình độ học vấn của đại biểu trong cơ quan quyền lực nhà nước.

Ghi nhận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã mở rộng, thể hiện toàn diện vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên nhiều Điều hơn so với các Hiến pháp trước đây, phù hợp với thực tiễn Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào Hiến pháp, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Bế Trường Thành cho rằng: Khái niệm “Ngôn ngữ quốc gia” tại khoản 3, Điều 5 là mới, nên thay bằng khái niệm “Ngôn ngữ phổ thông” hoặc “ngôn ngữ chính thức”, đồng thời thiết kế một điều riêng quy định về ngôn ngữ, chữ viết, không quy định rải rác ra các điều 5, 45 như trong Dự thảo. Đại biểu Bế Trường Thành đề nghị Dự thảo cần có quy định cơ quan có thẩm quyền công bố danh mục thành phần các dân tộc ở Việt Nam làm cơ sở cho việc thực hiện Điều 45 - một điều mới trong Dự thảo “Công dân Việt Nam có quyền xác định thành phần dân tộc”.

Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến vào nhiều nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về chế độ chính trị, quyền con người, nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, môi trường; bảo vệ Tổ quốc… Trong đó các ý kiến tập trung đóng góp về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; quyền bảo tồn phát huy và phát triển văn hóa, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số; quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội; những quy định bổ sung, sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc…

Lương Thị Việt Yến