Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Đảm bảo tốt hơn quyền con người quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong đó có đồng bào DTTS
09:46 18/04/2013 Lượt xem: 352 In bài viếtLTS: THỜI GIAN QUA, DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 ĐÃ NHẬN ĐƯỢC SỰ QUAN TÂM GÓP Ý RỘNG RÃI CỦA NHÂN DÂN, CÁC CẤP, CÁC NGÀNH.NHẰM GÓP PHẦN LÀM SÁNG RÕ HƠN CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN VẤN ĐỀ DÂN TỘC, CÔNG TÁC DÂN TỘC, CHÍNH SÁCH DÂN TỘC ĐƯỢC SỬA ĐỔI NHƯ THẾ NÀO, CÙNG NHỮNG GÓP Ý CỦA ỦY BAN DÂN TỘC VÀO DỰ THẢO LÀ NỘI DUNG CHÍNH TRONG CUỘC PHỎNG VẤN GIỮA PHÓNG VIÊN TẠP CHÍ DÂN TỘC VỚI BÀ HOÀNG PHƯƠNG HOA-VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ, TỔ PHÓ TỔ GIÚP VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 CỦA ỦY BAN DÂN TỘC.
PV: Thưa Bà! Đề nghị Bà cho biết mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992?
Bà Hoàng Phương Hoa:
Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986) và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị-pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được trong hơn 20 năm qua.
Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
PV: Xin được đề cập vào vấn đề được các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành công tác Dân tộc và cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam quan tâm, đó là các vấn đề về dân tộc thiểu số được đề cập trong Dự thảo như thế nào, thưa Bà!
Bà Hoàng Phương Hoa:
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có một số điều liên quan đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Cụ thể, tại Điều 5, Chương I-Chế độ chính trị, Dự thảo được sửa đổi, bổ sung như sau: (1) Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. (2) Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. (3) Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. (4) Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
So với Điều 5 trong Hiến pháp năm 1992, Điều 5 Dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc với việc khẳng định các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập sự phát triển chung của đất nước thay vì đầu tư để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào như quy định trong Hiến pháp năm 1992.
Trong Chương II-Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Ở chương này, có một Điều mới (Điều 45) quy định công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp. Đây là điểm mới rất tiến bộ, là kết quả của quá trình phát triển đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tại Chương III-Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục,
khoa học, công nghệ và môi trường, Điều 62 Dự thảo trên cơ sở sửa đổi, bổ sung
Điều 39, 40 Hiến pháp năm 1992 quy định: Ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc
sức khoẻ cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt
khó khăn khác; Điều 64 (sửa đổi, bổ sung các điều 30, 31, 32, 33 và 34) quy định:
Bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam;
Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 36): ưu tiên phát triển giáo dục ở miền
núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.
Như vậy, Dự thảo tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành những
nguyên tắc khái quát ở tầm Hiến pháp là ưu tiên phát triển văn hóa, xã hội ở
vùng miền núi, dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn khác, làm cơ sở để các văn bản
pháp luật chuyên ngành điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn phát
triển cụ thể của đất nước, phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chương V-Quốc hội, xuất phát từ tính chất hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cũng như yêu cầu của công tác cán bộ ở nước ta, Dự thảo quy định theo hướng Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban; còn Phó Chủ tịch Hội đồng và Ủy viên Hội đồng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban và Ủy viên Ủy ban do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn (Điều 80, Điều 81). Đồng thời, Dự thảo quy định rõ hơn về quyền yêu cầu cung cấp thông tin và bổ sung quyền yêu cầu giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Điều 82). Tại Điều 80, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Điều 94 quy định: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc trong khi Hiến pháp năm 1992 quy định trước khi ban hành các quyết định về chính sách dân tộc, Chính phủ chỉ phải tham khảo ý kiến của Hội đồng Dân tộc. Điều 87 (sửa đổi, bổ sung Điều 100) quy định Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội là điểm mới so với Hiến pháp 1992 nhằm khẳng định quyền chủ động của Đại biểu Quốc hội trong việc tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
PV: Những ngày qua, Ủy ban Dân tộc đã triển khai lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bà có thể cho biết nội dung cơ bản của các góp ý đó?
Bà Hoàng Phương Hoa;
Thực hiện Kế hoạch số 52/QĐ-UBDT ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Vụ Pháp chế được giao là Tổ giúp việc của Ủy ban Dân tộc. Qua nhiều hình thức như thảo luận tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm, góp ý bằng thư điện tử… đến nay, đã có hàng trăm ý kiến tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân khác góp ý vào Dự thảo. Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều đồng tình khẳng định những điểm mới, những điều khoản được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo đã được xây dựng dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có đủ cơ sở, nhận được sự thống nhất cao và phù hợp với tình hình mới; Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quyền của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được luật hóa trên nhiều phương diện, tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội phát triển về mọi mặt; thể hiện tính nhất quán chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển” đã được ghi nhận tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI của Đảng cũng như tổng kết thực tiễn về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các ý kiến góp ý cũng đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Cụ thể:
- Tại Điều 5, Chương I - Chế độ chính trị:
+ Khoản 1- đề nghị chuyển thành khoản 2 của Điều 1 và viết lại thành “Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc Việt Nam” nhằm bảo vệ quyền có Tổ quốc của 4 triệu đồng bào ta ở nước ngoài (Bỏ cụm từ cùng sinh sống trên đất nước).
+ Khoản 2, đề nghị viết lại thành “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển và tiến bộ; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
+ Khoản 3, Đề nghị chuyển cụm từ “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt” sang điều 13 và viết lại thành “Ngôn ngữ phổ thông là tiếng Việt”.
+ Khoản 4, đề nghị viết lại thành “Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm thực hiện chính sách đầu tư phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
- Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân:
- Điều 44: (Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa). Đề nghị thêm cụm từ “bảo vệ các giá trị văn hóa”
- Điều 45,
Đề nghị viết lại là “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình khi đủ 18 tuổi trở lên và theo các tiêu chí do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành; sử dụng ngôn ngữ, chữ viết mẹ đẻ và có quyền lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.
Chương III-Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường,
- Tại Điều 58 (Chế độ sở hữu đất đai)
+ Khoản 2, bỏ cụm từ “bồi bổ”
+ Đề nghị thêm khoản 4: “Nhà nước đảm bảo cho đồng bào dân tộc có đất ở, đất sản xuất gắn với không gian sinh tồn”.
Chương V-Quốc hội, tại Điều 75 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội)
+ Khoản 1: Thay từ “làm” bằng từ “Xây dựng” (Quốc hội xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; xây dựng luật và sửa đổi luật;”
- Điều 80 (Hội đồng Dân tộc của Quốc hội)
+ Khoản 3:
Bỏ cụm từ “được mời” (Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc)
Sửa “lấy ý kiến” bằng “thống nhất” (Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải thống nhất ý kiến của Hội đồng Dân tộc.)
Các ý kiến cũng đề nghị Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc do Quốc hội bầu, không quy định do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn như Dự thảo nhằm bảo đảm quyền tự ứng cử của các Đại biểu Quốc hội vào Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
- Tại Điều 108, Chương VIII-Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung các điều 129, 130, 131, 132 và 133) chưa thấy tiếp thu quy định của Điều 133 Hiến pháp 1992: Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Toà án. Như vậy liệu có đảm bảo quyền được tự bào chữa của đồng bào dân tộc thiểu số hay không?
Tổ giúp việc nghiêm túc tổng hợp ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân khác góp ý vào Dự thảo để báo cáo Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Ủy ban cho ý kiến thống nhất thành báo cáo chung của Ủy ban Dân tộc tham gia góp ý trình Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Chính phủ theo quy định.
PV: Xin cảm ơn Bà đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Dân tộc!
Quang Hải- Phương Liên