Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2013
09:42 23/04/2013 Lượt xem: 283 In bài viếtNgày 12/03/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 449/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 được xây dựng căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 trên quan điểm: Kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ, đảm bảo ổn định, phát triển và hội nhập; Phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế vùng dân tộc thiểu số; Đầu tư phát triển đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết hài hoà lợi ích của người dân, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước; Huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, trong đó ngân sách nhà nước là chủ yếu; Công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị.
Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 đặt ra 7 mục tiêu cụ thể:
- Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số: Lao động trong độ tuổi người dân tộc thiểu số qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 50%, trong đó 20% được đào tạo nghề; 100% có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá ở những nơi cần thiết; 95% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, đạt 300 sinh viên/1 vạn dân; tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 50% lao động xã hội.
- Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số: Đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp. Ở cơ quan hành chính vùng dân tộc thiểu số, các vị trí chủ chốt nhất thiết phải có cán bộ người dân tộc thiểu số; 100% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, trong đó 70% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
- Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số: Bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo; các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Duyên hải miền Trung, Đông Trường Sơn, vùng căn cứ cách mạng phấn đấu giảm 4-5%/năm hộ nghèo dân tộc thiểu số; xoá nhà ở dột nát, trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần so với hiện nay; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất, nước phục vụ sản xuất…
- Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số: 100% đường trục liên xã được nhựa hoá, bê tông hoá, 50% đường trục thôn xóm được cứng hoá; trên 95% hộ sử dụng điện thường xuyên; 100% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; Internet đến hầu hết thôn bản.
- Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; 100% hộ gia đình được xem truyền hình; phát triển con người toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, ý thức, tuân thủ pháp luật. 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ làm việc; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
- Xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số.
- Hạn chế thiệt hại do các sự cố môi trường, thiên tai; bố trí lại khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.
Trường học vùng cao
Để thực hiện các mục tiêu chủ yếu trên, Chiến lược đề ra 8 nhiệm vụ: Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; Phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số; Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá-xã hội vùng dân tộc thiểu số; Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, củng cố an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số; Tập trung đầu tư phát triển địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số; Bảo đảm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường vùng dân tộc thiểu số.
Những giải pháp để thực hiện Chiến lược là: Nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu rõ vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của vùng dân tộc thiểu số cùng chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước
Đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện Chiến lược, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo, bảo đảm và ổn định trong nhiều năm, đồng thời đa dạng hoá hoá các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và các tổ chức quốc tế, tăng cường cung ứng vốn đầu tư cho sản xuất, đa dạng hoá hoạt động tài chính, thực hiện bảo hiểm trong sản xuất. Chính phủ có chính sách ưu tiên các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Đổi mới việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc: Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh chính sách đã ban hành để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng dân tộc thiểu số và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Cụ thể hoá Chiến lược bằng các chương trình, dự án, chính sách phù hợp, dài hạn đến 2020 và các năm tiếp theo. Công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư để nhân dân biết, tham gia quản lý, giám sát, góp ý.
Quan tâm kiện toàn, nâng cao hiệu quả cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược này; Hướng dẫn các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình hành động thực hiện Chiến lược; Hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2015, tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Chiến lược và Tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược vào năm 2020.