Hội nghị Tổng kết Thực hiện chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư khóa VII

02:41 11/06/2013 Lượt xem: 638 In bài viết

Từ năm 1994 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo các ban, bộ, ngành rà soát, điều chỉnh và ban hành bổ sung những cơ chế, chính sách cần thiết cho vùng dân tộc, miền núi. Nhìn chung, hệ thống chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện; nhiều chính sách tác động tích cực đến vùng dân tộc Mông sinh sống. Cấp ủy, chính quyền các tỉnh có đông đồng bào Mông cũng đã chủ động ban hành nghị quyết chuyên đề, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở… Do vậy, vùng dân tộc Mông đã có những chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng được cải thiện, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn vùng giảm gần 4%/năm; giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được xây dựng, củng cố, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững. Số lượng đảng viên trong đồng bào Mông tăng từ 13.322 trước năm 2007 lên gần 21.000, đạt 1,86% dân số. Công tác cán bộ được tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Cả nước có trên 15.000 công chức là người Mông, trong đó có nhiều người được bố trí, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị các cấp.

Tham luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương thống nhất cho rằng: Hiện nay, vùng dân tộc Mông còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao (tại 36/62 huyện nghèo của cả nước có đông đồng bào Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Mông từ 48-80,4%); mức sống thấp so với nhiều vùng khác, bình quân thu nhập chỉ bằng 1/3 bình quân chung của cả nước. Kết cấu hạ tầng, nhất là điện, giao thông, thông tin, giáo dục, y tế… còn yếu kém, tài nguyên bị cạn kiệt, tình trạng thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất xảy ra ở nhiều nơi; du canh du cư, di cư tự do của một bộ phận đồng bào còn phức tạp…

Theo dự báo của Ban Dân vận Trung ương, trong những năm tới, vùng dân tộc Mông ở nước ta vẫn là vùng nghèo và khó khăn; các thế lực thù địch sử dụng các chiêu bài về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền tăng cường tuyên truyền, lôi kéo, kích động tư tưởng “ly khai tự trị” trong một bộ phận đồng bào dân tộc Mông hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Trước tình hình đó, hội nghị nhất trí về sự cần thiết phải tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị về một số công tác ở vùng dân tộc Mông hiện nay thay cho Chỉ thị số 45-CT/TW đã qua 18 năm thực hiện (Dự thảo Chỉ thị này đã được Ban Dân vận Trung ương soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến góp ý tại Hội nghị).


Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị.

Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc Mông thời gian tới, đồng chí Hà Thị Khiết-Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương kết luận: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy tinh thần đại đoàn kết, tự lực, tự cường trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nêu cao tinh thần yêu nước và cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, không nghe, không để kẻ xấu lợi dụng và không làm theo kẻ xấu. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành công tác định canh, định cư, sắp xếp dân cư ở những nơi thiết yếu vùng dân tộc Mông; tất cả các xã, thôn, bản có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu về đường, điện, thông tin, công trình cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường, lớp học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng; hoàn thành việc giao rừng cho đồng bào khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, chủ động nắm chắc và xử lý đúng đắn tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, khắc phục tình trạng thôn bản không có đảng viên và tổ chức đảng. Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mông nói riêng có số lượng tương xứng với đặc điểm địa phương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và có cơ cấu hợp lý ở các cấp, các ngành và lĩnh vực công tác quan trọng, đủ sức tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Phương Liên- Bình Minh

[PLN]